Đảm bảo môi trường trên các công trình xây dựng thủy điện
BHG - Phát triển thủy điện được tỉnh ta xác định là một trong những lĩnh vực thế mạnh với 46 dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, tổng công suất 775 MW. Trong đó, có 22 nhà máy thủy điện đi vào hoạt động, công suất hàng năm khoảng 354 MW, mỗi năm đóng góp cho ngân sách địa phương nhiều tỷ đồng. Ngoài ra, còn một loạt các dự án đang và sẽ được triển khai đầu tư thời gian tới sẽ đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế, giải quyết công ăn, việc làm, tăng thu nhập cho lao động. Bên cạnh những yếu tố tích cực, quá trình xây dựng, các dự án thủy điện thường được triển khai trên diện tích lớn, tập trung mật độ hàng trăm công nhân, phương tiện máy móc thi công... nếu chủ đầu tư, nhà thầu không chấp hành, thực hiện nghiêm theo báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt thì sẽ xâm hại, ảnh hưởng lớn đến môi trường sống.
Công trường thi công Nhà máy Thủy điện Sông Lô 6 trải dài trên địa phận 2 xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang - Hà Giang) và Yên Thuận (Hàm Yên - Tuyên Quang). Mặc dù được đánh giá là một trong những công trình xây dựng có quy mô lớn, nhưng chỉ khi đặt chân đến công trường, chúng tôi mới nhận thấy các hoạt động sản xuất đang diễn ra tấp nập. Một công trường rộng lớn được phủ rợp bóng cây xanh, công tác tổ chức lao động bố trí một cách khoa học nên hạn chế thấp nhất tiếng ồn và các chất thải ảnh hưởng đến môi trường. Anh Hoàng Đình Mười, Giám đốc BQL Dự án Thủy điện Sông Lô 6 cho biết: Trong quá trình giải phóng mặt bằng, tiến hành xây dựng các hạng mục công trình, chúng tôi giữ lại toàn bộ cây xanh cổ thụ vốn có, đồng thời di chuyển vị trí các cây trồng trên phần đất phải thi công vật kiến trúc, nhằm tạo môi trường không khí trong lành.
Chủ đầu tư Dự án Thủy điện Sông Lô 6 triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường. Trong ảnh: Thi công phần đập Nhà máy Thủy điện Sông Lô 6. |
Bên cạnh đó, việc bố trí lực lượng lao động, máy móc thi công sao cho phù hợp cũng góp phần quan trọng đảm bảo môi trường. Trúng thầu thi công các hạng mục của Nhà máy Thủy điện Sông Lô 6, Công ty Cổ phần Viết Thành (Ninh Bình) đã huy động lực lượng lao động hùng hậu với 123 người cùng nhiều thiết bị, máy móc, đồng loạt lắp đặt thiết bị cơ khí thủy công, thiết bị quan trắc; tiếp nhận vận chuyển, bảo quản, bảo hiểm thiết bị cơ điện; lắp đặt thí nghiệm hiệu chỉnh thiết bị cơ điện; xây dựng các đập dâng vai trái, phải, đập tràn, kênh vào, kênh xả; cải tạo dòng sông, cửa lấy nước nhà máy; đường dây điện 110KV đấu nối nhà máy, đường thi công vận hành, khu quản lý vận hành... Số lượng người làm việc đông, máy móc lớn, nên yêu cầu đảm bảo môi trường sống, môi trường làm việc luôn được tuân thủ nghiêm, nhà thầu thi công thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của BQL Dự án, yếu tố môi trường phải được đặt lên hàng đầu - anh Trần Đình Công, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Viết Thành khẳng định.
Dự án Thủy điện Sông Lô 6 gồm 3 tổ máy phát điện, tổng công suất lắp máy 48MW, tổng mức đầu tư 1.825 tỷ đồng do Công ty TNHH Xuân Thiện Hà Giang làm chủ đầu tư. Theo dự kiến, tổ máy số 1 sẽ chính thức phát điện lên lưới điện Quốc gia vào Quý I.2018, khi hoàn hành sẽ tạo ra sản lượng điện trung bình mỗi năm 198 triệu KWh, doanh thu trên 200 tỷ đồng, đóng góp hàng chục tỷ đồng cho ngân sách địa phương. Cùng với Sông Lô 6, năm nay, Công ty TNHH Xuân Thiện tiếp tục tiến hành các thủ tục triển khai xây dựng Thủy điện Sông Lô 3 và 5, nhằm tạo thành hệ thống thủy điện khép kín trên sông Lô chạy qua địa phận Hà Giang. Dự kiến, đầu năm 2018, các dự án của Công ty chính thức đi vào hoạt động, sẽ tạo ra nguồn thủy năng rất lớn, đóng góp mỗi năm trăm tỷ đồng cho ngân sách địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn một trong những địa phương nghèo nhất nước. Đồng thời, trong quá trình thi công các dự án, chúng tôi đặt ra mục tiêu phải bảo vệ tốt môi trường xung quanh, tạo hình ảnh công trường xanh đối với những nơi Xuân Thiện đặt chân đến - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuân Thiện, Vũ Mạnh Sơn cho biết. Cùng với Sông Lô 6, công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Sông Lô 2 (Đạo Đức - Vị Xuyên) cũng được đánh giá thực hiện nghiêm công tác bảo vệ môi trường. Thủy điện Sông Lô 2 có công suất lắp máy 28MW, Công ty TNHH Thanh Bình Hà Giang làm chủ đầu tư, Chi nhánh Sông Đà 6.04 (Công ty Cổ phần Sông Đà 6) trúng thầu thi công các hạng mục như: Đập dâng bờ phải, đập tràn, cửa lấy nước, nhà máy thủy điện và kênh xả, tường dẫn dòng, công trình dẫn dòng thi công giai đoạn 2 và giai đoạn 3... Thực hiện gói thầu này, nhà thầu huy động 262 nhân công, lao động 3 ca trên công trường và nhiều thiết bị, máy móc hỗ trợ. “Với đặc thù công việc cần sử dụng số lượng lớn lao động nên doanh nghiệp bố trí theo từng bộ phận và quán triệt các tổ, đội thực hiện nghiêm công tác an toàn vệ sinh lao động, chính vì vậy, môi trường sống, làm việc luôn đảm bảo, người lao động được khám sức khỏe định kỳ nên đã hạn chế thấp nhất các yếu tố tác động ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả công việc” - Giám đốc Chi nhánh Sông Đà 6.04, Phạm Quang Huy cho biết.
Thủy điện là lĩnh vực công nghiệp thế mạnh, nhưng các chuyên gia cũng đưa ra khuyến cáo, việc triển khai xây dựng, vận hành sẽ tác động lớn đến môi trường sinh thái. Tuy nhiên qua tìm hiểu thực tế, các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã làm tốt công tác điều tiết nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất, tạo cảnh quan môi trường sinh thái, phát triển du lịch và nuôi trồng thủy sản, nâng cao đời sống người dân. Có được điều này do các chủ đầu tư, đơn vị thi công luôn chú trọng bảo vệ môi trường, ngay từ khi thi công đến quá trình vận hành nhà máy.
Bài, ảnh: Thiên Thanh
Ý kiến bạn đọc