Chưa nhận được phản hồi trái chiều của người dân về số hóa truyền hình

16:15, 19/08/2016

Cho đến trưa ngày 16/8/2016, 12 giờ sau khi tắt sóng toàn bộ các kênh truyền hình analog ở 4 thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Cần Thơ, lãnh đạo các địa phương này đều ghi nhận tình hình thu xem truyền hình số rất ổn định. Các Sở TT&TT chưa nhận được bất cứ phản hồi trái chiều nào của người dân về số hóa truyền hình.

20160816-m3.jpg
Từ đêm 15/8/2016, khi mở các kênh truyền hình analog sẽ chỉ còn bảng thông báo như thế này.
 
Theo Sở TT&TT Đà Nẵng, trong mấy ngày sát thời điểm tắt sóng truyền hình analog (15/8), số lượng cuộc gọi của người dân các tỉnh, thành gọi về số 0511 1022 để hỏi thông tin tăng lên khá nhiều so với trước đây. Đây là Tổng đài hỗ trợ thông tin về số hóa truyền hình trên cả nước.
 
Trong ngày 15/8/2016, số lượng cuộc gọi đến Tổng đài 0511 1022 về số hóa truyền hình là 1.200 cuộc gọi. Con số này tăng khá nhiều so với hồi tắt sóng “mềm” truyền hình analog vào ngày 15/6, khi đó Tổng đài đã tiếp nhận 821 cuộc gọi đề nghị giải đáp thông tin liên quan đến số hóa truyền hình. Trong buổi sáng hôm nay 16/8/2016, số lượng cuộc gọi của người dân các tỉnh, thành gọi đến tổng đài để hỏi về thông tin tắt sóng truyền hình tăng lên đáng kể so với ngày hôm qua. Sở TT&TT Đà Nẵng đã chủ động tăng số lượng bàn tiếp nhận và đáp ứng nhu cầu giải đáp thông tin cho người dân.
 
Rất nhiều người dân sau khi nhận được tin nhắn của Bộ TT&TT thông báo về thời hạn ngắt sóng truyền hình qua điện thoại đã gọi đến tổng đài đề nghị giải đáp thêm thông tin về số hóa truyền hình. Người dân hỏi liên quan đến nhiều lĩnh vực như: hỏi địa chỉ mua đầu thu ở đâu, đang dùng truyền hình IPTV hay cáp có phải mua đầu thu khác không, nếu đã mua tivi đời mới rồi thì thu xem truyền hình bằng cách nào… Nhiều nhất là số lượng cuộc gọi hỏi về việc khu vực người dân đang sinh sống có bị ngắt sóng truyền hình không và phải thu xem thế nào, đi mua đầu thu ở đâu, số lượng các kênh truyền hình sẽ bị ngắt sóng…
 
Từ ngày 13-15/8/2016, phóng viên ICTnews đã trực tiếp khảo sát thực tế chất lượng thu xem truyền hình số của một số hộ dân ở xã Đông Hà, Đông Giang (Đông Hưng, Thái Bình), một số hộ dân ở hai huyện Quốc Oai, Thanh Oai (Hà Nội), tất cả các hộ gia đình được hỏi đều cho biết: Chất lượng xem truyền hình số tốt hơn hẳn truyền hình analog, nhiều kênh hơn, hình ảnh đẹp, âm thanh hay hơn. Việc lắp đặt và sử dụng đầu thu truyền hình cũng dễ dàng đối với người dân, họ không thấy có bất cứ khó khăn nào khi chuyển sang thu xem truyền hình số.
 
Cho đến trưa ngày 16/8/2016, 12 giờ sau khi tắt sóng toàn bộ các kênh truyền hình analog ở 4 thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Cần Thơ, lãnh đạo các địa phương này đều ghi nhận tình hình rất ổn định, yên ắng và các Sở TT&TT chưa nhận được bất cứ phản hồi trái chiều nào của người dân về số hóa truyền hình.
 
Địa phương đi chậm nhất trong việc triển khai hỗ trợ đầu thu cho các hộ nghèo, cận nghèo là Hà Nội, tính đến 16h chiều 15/8 đã triển khai lắp đặt hoàn thành 17.267 đầu thu số DVB-T2 cho hộ nghèo, cận nghèo theo dự án của Bộ TT&TT; 9.400 hộ nghèo, cận nghèo cũng đã được lắp đặt dịch vụ truyền hình cáp của Viettel. Tổng số hộ nghèo, cận nghèo của Hà Nội được Bộ TT&TT trang bị thiết bị thu xem truyền hình số là 61.038 hộ, còn hơn 400 hộ còn lại chưa lắp đặt được do các hộ này đi vắng sẽ được triển khai chậm nhất là hết ngày 18/8/2016.
 
Trong sáng ngày 16/8/2016, Sở LĐ-TB&XH và Sở TT&TT Hà Nội đã tổ chức đoàn kiểm tra trực tiếp tại các huyện Thường Tín, Phú Xuyên và Hoài Đức. Đoàn kiểm tra tổng thể việc trang bị đầu thu, công tác lắp đặt xem có cấp đúng, cấp đủ cho các đối tượng được hỗ trợ hay không. Kiểm tra tín hiệu thu xem truyền hình số quảng bá, kiểm tra tín hiệu truyền hình cáp Viettel xem có đạt chuẩn hay không. Đối với số lượng hơn 2.000 hộ nghèo, cận nghèo từ chối nhận dịch vụ truyền hình cáp của Viettel, đoàn kiểm tra xác minh thực tế nguyên nhân vì sao các hộ nghèo này từ chối không tiếp nhận.
 
“Đoàn sẽ kiểm tra tổng thể, xác thực lại mọi thông tin liên quan đến việc trang bị cho hộ nghèo, cận nghèo của TP.Hà Nội thu xem truyền hình số”, đại diện Sở TT&TT Hà Nội cho hay.
 
20160816-m2.jpg
Hộ nghèo ở Quốc Oai, Hà Nội được nhận hỗ trợ đầu thu truyền hình số từ Dự án do Bộ TT&TT triển khai. Ảnh: Việt Hải
 
Cũng theo lãnh đạo Sở TT&TT Hà Nội, tổng đài tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về số hóa truyền hình tại Sở TT&TT trong những ngày qua chưa tiếp nhận được bất cứ phản ánh không tốt nào của người dân khi thu xem truyền hình số. “Tình hình tắt sóng truyền hình số rất tốt”, vị lãnh đạo này cho hay.
 
Ông Hoàng Duy Đỉnh, Giám đốc Sở TT&TT Hải Phòng chia sẻ rằng Sở TT&TT chưa nhận được thông tin phản hồi nào của người dân về mặt trái hay là phàn nàn về hạn chế của truyền hình số. “Từ đêm qua, sau khi sóng truyền hình analog đã tắt toàn bộ. Mọi việc vẫn diễn ra yên ả và tốt đẹp”, ông Đỉnh cho biết.
 
Tại Cần Thơ, ông Đỗ Hoàng Trung, Giám đốc Sở TT&TT Cần Thơ cho hay, Sở TT&TT luôn theo dõi diễn biến sau khi tắt sóng truyền hình analog, nhưng chưa nhận được bất cứ phản ánh nào của người dân về chất lượng thu xem truyền hình số. Việc thu sóng số trên địa bàn khá tốt và nhiều người hài lòng với chất lượng thu xem truyền hình. Sau khi tắt sóng, Sở TT&TT sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các quận, huyện tuyên truyền, hướng dẫn bà con đang dùng tivi analog có thể chuyển sang xem truyền hình số bằng nhiều phương thức khác. Ví dụ, nhà có điều kiện thì mua tivi mới có tích hợp tính năng thu truyền hình số hoặc xem truyền hình trả tiền, người chưa có điều kiện thì mua đầu thu DVB-T2 để xem truyền hình. Sở TT&TT cũng sẽ phối hợp với các đơn vị khác kiểm tra chất lượng thiết bị thu xem truyền hình số để đảm bảo cho người dân xem truyền hình số đạt chất lượng tốt./

http://mic.gov.vn/shth


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng, rất cần sự quan tâm, đầu tư

BHG- Chúng tôi đến Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng (KTTCĐLCL), thuộc Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TCĐLCL) tỉnh Hà Giang vào một chiều Hè nóng. Sau hồi hỏi thăm, tôi được chỉ vào một phòng làm việc có diện tích rộng khoảng 8 m2. Vượt qua tấm cửa nhôm kính bé là nơi làm việc của Giám đốc Trung tâm và một cán bộ Văn phòng của đơn vị. Hình ảnh ấy khiến tôi liên tưởng đến những nơi thiếu đất và không gian như... Hà Nội. 

26/07/2016
Đăng ký bảo hộ Chỉ dẫn địa lý đặc sản Hồng không hạt Quản Bạ

BHG- Đặc sản vùng núi cao

Hồng không hạt là cây ăn quả được trồng nhiều tại khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam như: Lạng Sơn, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Yên Bái và Hà Giang. Khác với cây hồng không hạt ở những địa phương khác, hồng không hạt tại Quản Bạ (Hà Giang) là giống bản địa, đã được trồng từ lâu đời bởi đồng bào các dân tộc thiểu số (Mông, Dao, Tày, Bố Y...) bảo tồn và phát triển. 

22/07/2016
Rác thải nông thôn, nỗi lo có thực

BHG- Hiện nay, vấn nạn ô nhiễm môi trường đang là mối quan tâm của toàn xã hội, không chỉ ở tỉnh ta mà còn ở phạm vi cả nước, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường ở các vùng nông thôn từ chất thải, rác thải trong sinh hoạt, chăn nuôi, cho đến sự lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp. Đã đến lúc chúng ta phải đề cao hơn nữa ý thức bảo vệ môi trường nông thôn.

22/07/2016
Ngày 16/8 có gần 1500 cuộc gọi tới Tổng đài giải đáp về số hóa truyền hình

Trong ngày 15/8 đã có hơn 1188 cuộc gọi đến Tổng đài hỗ trợ 0511 1022, số liệu cuộc gọi trong ngày 16/8 (tạm tính đến 16h), đã có 1498 cuộc gọi được chuyển tiếp đến Tổng đài. Các cuộc gọi đều hỏi thông tin về đầu thu, các kênh truyền hình xem được sau khi chuyển đổi.

19/08/2016