Hội nghị nghiệm thu Dự án: Xây dựng chỉ dẫn địa lý "Hà Giang" cho sản phẩm cam sành Hà Giang
BHG - Sáng 30.6, tại Sở Khoa học và Công nghệ, Hội đồng khoa học tỉnh tổ chức Hội nghị nghiệm thu Dự án: Xây dựng chỉ dẫn địa lý (CDĐL) “Hà Giang” cho sản phẩm cam sành của tỉnh Hà Giang (Dự án T.Ư ủy quyền địa phương quản lý). Dự Hội nghị có lãnh đạo Viện nghiên cứu quy hoạch Nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT), các thành viên Hội đồng khoa học của tỉnh.
Các thành viên Hội đồng khoa học của tỉnh đóng góp ý kiến với đơn vị thực hiện Dự án. |
Dự án xây dựng CDĐL “Hà Giang” cho sản phẩm cam sành do Viện nghiên cứu quy hoạch Nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) chủ trì thực hiện. Theo đó, khu vực xây dựng CDĐL “Hà Giang” cho sản phẩm cam sành sẽ được đăng bạ và bảo hộ sản phẩm tại 38 xã, thị trấn của 3 huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, Quang Bình với diện tích 4.158,33 ha. Sau 2 năm (từ tháng 4.2014- 4.2016) triển khai thực hiện, Ban chủ nhiệm đề tài, Dự án đã thực hiện theo đúng nội dung, quy trình cam kết với 7 nội dung chính là: Điều tra, thu thập tài liệu, đánh giá vùng địa danh lịch sử vùng trồng cam sành; nghiên cứu xác định đặc thù về hình thái, và chất lượng cam sành; nghiên cứu xác định các yếu tố về điều kiện tự nhiên và con người có ảnh hưởng quyết định đến đặc thù của cam sành; xác định vùng chỉ dẫn địa lý “Hà Giang” cho sản phẩm cam sành; xây dựng biểu tượng và tem nhãn chỉ dẫn địa lý “Hà Giang” dùng cho sản phẩm cam sành của tỉnh Hà Giang; xây dựng hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý “Hà Giang” cho sản phẩm cam sành; tổ chức các lớp tập huấn về sở hữu trí tuệ và CDĐL cho cán bộ địa phương và nông dân.
Với những kết quả đạt được, Dự án đã được Hội đồng nghiệm thu nhất trí thông qua và được đánh giá đạt loại Khá. Tuy nhiên, các thành viên Hội đồng cũng đề nghị đơn vị thực hiện Dự án cần điều chỉnh lại một số nội dung và số liệu trong Báo cáo kết quả Dự án nhằm đảm bảo tính chính xách; bổ sung các giải pháp về phát triển thị trường; thuyết minh cần làm rõ hơn tính đặc thù của cây cam sành Hà Giang và tính hiệu quả kinh tế đối với từng vùng, từng diện tích trồng cam; các dẫn chứng trong bản Báo cáo cần có tính thuyết phục cao hơn; việc xây dựng logo, tem nhãn, bao bì cần đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật và tính chất pháp lý… Qua đó, góp phần nâng cao vị thế, khả năng cạnh tranh của sản phẩm cam sành Hà Giang trên thị trường.
Tin, ảnh: TIẾN LÂM
Ý kiến bạn đọc