Phát triển bền vững Chỉ dẫn địa lý Mật ong Bạc hà Mèo Vạc
Một chỉ dẫn địa lý có nhiều thành công:
Mật ong Bạc hà Mèo Vạc là một đặc sản, có chất lượng đặc thù nhờ mật của cây Bạc hà dại chỉ có ở Cao nguyên đá Đồng Văn, khai thác từ tháng 10 đến tháng 12 hàng năm. Kỹ thuật nuôi ong truyền thống gần như trong môi trường tự nhiên, khí hậu lạnh và khô hạn, địa hình núi đá cao. Sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL) đầu năm 2013 đã góp phần tăng giá bán sản phẩm gấp hơn 2,5 lần (170.000 đồng/lít năm 2009 và 450.000 đồng/lít năm 2014), khẳng định vị thế vững chắc tại thị trường cao cấp Hà Nội, xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân. Nuôi ong đã và đang trở thành định hướng sản xuất hàng hóa của vùng... Thành công luôn đi kèm với thách thức cho người nuôi ong và các cơ quan chức năng trong việc khai thác bền vững sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.
Thách thức đối với “Mật ong Bạc hà Mèo Vạc”:
Duy trì chất lượng đặc thù, ưu thế cạnh tranh quyết định sự sống còn của sản phẩm trên thị trường. Người nuôi ong vì lợi nhuận có thể dùng các biện pháp tăng năng suất, sản lượng mật (quay mật non, cho ăn đường bổ sung, trộn lẫn mật khác...) làm mất uy tín sản phẩm và niền tin của người tiêu dùng.
Sử dụng đúng và bảo vệ chỉ dẫn địa lý, người nuôi ong hoặc kinh doanh mật trong vùng sử dụng CDĐL cho những sản phẩm không phải là mật ong Mèo Vạc, hoặc những sản phẩm không đủ điều kiện của CDĐL, nạn hàng giả/hàng nhái.
Một số giải pháp quản lý và phát triển:
Nếu không quản lý tốt, CDĐL sẽ bị lạm dụng danh tiếng trong thương mại, chất lượng sản phẩm suy giảm... có thể gây hậu quả kinh tế - xã hội nghiêm trọng cho cộng đồng người sản xuất.
Một số giải pháp quản lý chất lượng sản phẩm: Quản lý chất lượng giống ong, không đưa các giống ong ngoại từ nơi khác để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh và thiếu nguồn thức ăn; thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nuôi ong truyền thống, đặc biệt không sử dụng thuốc kháng sinh, quay mật non...; phân loại sản phẩm và chỉ sử dụng CDĐL cho sản phẩm đủ điều kiện.
Một số giải pháp quản lý chỉ dẫn địa lý. Cần xây dựng một hệ thống quản lý CDĐL 3 cấp có tổ chức, phạm vi và các công cụ sử dụng đi kèm như: Quản lý cơ sở, người nuôi ong tự quản lý chất lượng sản phẩm của mình cũng như việc gắn nhãn mác sản phẩm; Kiểm soát nội bộ, Hội sản xuất và kinh doanh mật ong Cao nguyên đá Đồng Văn, kiểm soát chất lượng sản phẩm cũng như việc sử dụng nhãn mác của các tác nhân chuỗi giá trị; Kiểm soát bên ngoài do một tổ chức chứng nhận độc lập thực hiện.
Một số giải pháp phát triển thị trường: Tăng cường khả năng nhận diện sản phẩm trên thị trường bằng cách thiết kế và sản xuất bao bì, poster, tờ rơi, biển hiệu, biển quảng cáo, xây dựng trang web...; đa dạng hình thức bán sản phẩm so với trước (bán theo can, bán lẻ không bao bì và nhãn mác); nghiên cứu, đánh giá nhu cầu của thị trường để có kế hoạch thương mại hóa sản phẩm; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hội nghị khách hàng, hội nghị thử nếm giới thiệu sản phẩm; tiến hành thử nghiệm và theo dõi kênh phân phối tại Hà Nội để xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị cao cấp...
Nhằm cụ thể các giải pháp trên, Chương trình 68 do Bộ KH-CN quản lý đã phê duyệt Dự án “Quản lý và khai thác CDĐL Mật ong bạc hà Mèo Vạc”. Hiện nay, Dự án đang tích cực triển khai các hoạt động trên thực địa và được người nuôi ong cũng như chính quyền các địa phương trong vùng chỉ dẫn địa lý hưởng ứng.
KIM ĐỒNG - THU HUYỀN
Ý kiến bạn đọc