Hoàn thiện quy trình kỹ thuật nhân giống vô tính và sản xuất giống hoa hồng Đồng Văn

08:23, 26/09/2015

BHG- Chất lượng hoa hồng Đồng Văn được đánh giá là sánh ngang với hoa hồng Đà Lạt (Lâm Đồng) và Sa Pa (Lào Cai), nhưng đến nay, diện tích hoa hồng Đồng Văn mới có khoảng trên 10 ha. Do chưa chủ động được nguồn giống tại chỗ, nên hàng năm đều phải nhập từ các tỉnh bạn với giá thành cao, không chủ động được kế hoạch trồng, phát triển; hơn nữa mua từ nơi khác quá trình vận chuyển sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giống khi trồng. Vì vậy, việc đưa ra quy trình sản xuất giống tại chỗ phục vụ nhu cầu phát triển cây hoa hồng trong giai đoạn tới được xem là “chìa khóa” trong việc nhận rộng, nâng cao chất lượng hoa hồng Đồng Văn. Từ thực tế trên, năm 2013 Trung tâm Giống cây trồng và gia súc Phó Bảng (Đồng Văn) thực hiện Dự án: “Hoàn thiện quy trình kỹ thuật nhân giống vô tính và phát triển sản xuất một số giống hoa hồng tại Đồng Văn”. Dự án đặt mục tiêu là xây dựng hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất giống hoa hồng bằng phương pháp nhân giống vô tính phù hợp với điều kiện tự nhiên tại Phó Bảng và các vùng phụ cận, tạo được vùng sản xuất giống hàng hóa tại chỗ nhằm giảm giá thành, chủ động được nguồn giống; hoàn thiện quy trình công nghệ nhân giống vô tính giống hoa hồng Pháp; xây dựng vườn 15 - 20 giống hoa hồng làm nguồn vật liệu mắt ghép cho vùng trồng hoa. Dự án thành công còn tạo công ăn việc làm, góp phần chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang sản xuất hoa thương mại mang tính hàng hóa, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số... Để thực hiện mục tiêu này, Trung tâm Giống cây trồng và gia súc Phó Bảng đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây ôn đới - Viện Khoa học Nông - lâm nghiệp miền núi phía Bắc triển khai thực hiện các bước như: Xây nhà màng plastic giâm hom giống; xây dựng vườn tầm xuân làm vật liệu gốc ghép; vườn tập đoàn giống hoa hồng làm nguồn vật liệu mắt ghép; đào tạo, tập huấn cho đội ngũ công nhân kỹ thuật... Trong quá trình thực hiện giâm cành tầm xuân, đơn vị thực hiện nhiều biện pháp để có số liệu đối ứng, tổng hợp ra một biện pháp tốt nhất để áp dụng trong quy trình sản xuất giống hoa hồng; việc ghép mắt cây giống hoa hồng với thân cây tầm xuân được thực hiện kéo dài từ tháng 8 đến tháng 11. Để đảm bảo cho việc ghép mắt thành công, Trung tâm giống cây trồng và gia súc Phó Bảng cũng đã cử cán bộ theo dõi, chăm sóc vườn làm vật liệu gốc ghép, thường xuyên làm cỏ, bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh theo định kỳ sử dụng phân hóa học và phân chuồng; riêng đối với vườn gốc ghép tiến hành làm cỏ dại, bón phân và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại (sử dụng phân NPK, phân chuồng hoai mục và atonik tưới gốc).Bằng sự cố gắng, nỗ lực của cán bộ, kỹ thuật viên, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Dự án, Trung tâm đã tổ chức sản xuất nhân giống hoa hồng theo đúng quy trình công nghệ được 12.000 cây giống, cùng đó là xây dựng thành công mô hình chuyển giao sản xuất hoa hồng thương phẩm cho các hộ dân tại thị trấn Phó Bảng với quy mô 2.500m2.

Người dân thị trấn Phó Bảng lấy giống hoa hồng tại Trung tâm Giống cây trồng và gia súc Phó Bảng (Đồng Văn).
Người dân thị trấn Phó Bảng lấy giống hoa hồng tại Trung tâm Giống cây trồng và gia súc Phó Bảng (Đồng Văn).

Chị Lý Thị Sủi, thôn xóm mới, thị trấn Đồng Văn là hộ dân được Trung tâm cung cấp giống hoa hồng bằng phương pháp nhân giống vô tính chia sẻ: Gia đình tôi hiện có gần 2 ha hoa hồng, trong đó có một phần diện tích được Trung tâm cung cấp giống, giống hoa hồng được nhân giống vô tính có những tính năng vượt trội là khả năng chống chịu bệnh tốt, mất ít công sức, tiền, của cho việc chăm sóc, phù hợp với điều kiện khí hậu và tập quán canh tác của người dân; chất lượng hoa, giá bán lại cao hơn so với các loại giống hoa khác với giá bán giao là 3.300 đồng/bông. Trong thời gian tới, gia đình tôi sẽ dần thay thế số diện tích hoa hồng giống cũ bằng hoa hồng giống mới này.

Anh Giang Lộc Thăng, Chủ nhiệm Dự án, Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng và gia súc Phó Bảng khẳng định: Tính ưu việt của Dự án là áp dụng kỹ thuật xử lý gốc ghép và mắt ghép cho cây giống đạt độ an toàn về nguồn bệnh, phát triển tốt, hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh khi sản xuất đại trà. Do được tiến hành nghiên cứu một cách bài bản, chuyên sâu, có ứng dụng các kết quả nghiên cứu từ trước nên mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng hoa. Qua đây mong muốn các ngành chức năng của tỉnh, huyện Đồng Văn tiếp tục quan tâm để nhân rộng trong nhân dân, góp phần vào việc công cuộc XĐGN tại địa phương.

HOÀNG NGỌC


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính

BHG- Đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cải cách thủ tục hành chính đang được các cơ quan, đơn vị ngành Tài chính của tỉnh thực hiện quyết liệt trong những năm gần đây. Từ đó  đã tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức, trách nhiệm trong việc CCHC của lãnh đạo, nhân viên trong ngành; tạo được sự hài lòng của các tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân.

27/08/2015
Những nỗ lực trong công tác quản lý Nhà nước về KH&CN

BHG- Từ đầu năm đến nay, ngành Khoa học và công nghệ (KH&CN) đã tập trung, nỗ lực trong công tác tham mưu, tư vấn; tăng cường hoạt động quản lý Nhà nước về KH&CN trên địa bàn tỉnh. 

26/08/2015
Họp Ban chỉ đạo Cải cách hành chính quý III

BHG- Ngày 23.9, Ban chỉ đạo Cải cách hành chính (BCĐ CCHC) tổ chức họp BCĐ quý III. Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng BCĐ chủ trì cuộc họp. Tham dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh. 

23/09/2015
Thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường

BHG- Thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường - nhận định này được cơ quan khí tượng thủy văn cùng giới chuyên môn đề cập tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương triển khai nhiệm vụ phòng, chống bão lũ, thiên tai giai đoạn cao điểm, được tổ chức sáng 14.9 vừa qua dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải.

22/09/2015