Phát triển bền vững Công viên Địa chất: Vai trò của tiến bộ khoa học - công nghệ
Một số kết quả đưa KHCN phục vụ CVĐCTC – CNĐĐV:
CNĐĐV gồm 4 huyện với điều kiện KT – XH còn vô cùng khó khăn. Để thúc đẩy phát triển vùng “đất khó”, nhưng đầy tiềm năng và thế mạnh này đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức của các ngành, các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực KH&CN. Xác định được điều đó, trong giai đoạn từ 2011 đến nay, tỉnh ta phê duyệt triển khai 36 đề tài, dự án khoc học cấp tỉnh. Trong đó, đã có 11 đề tài, dự án được nghiệm thu và đưa vào áp dụng phục vụ phát triển CVĐCTC - CNĐĐV.
“Hồ treo” - một trong những ứng dụng khoa học mang lại giá trị thực tiễn cho vấn đề an sinh trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Trong ảnh: “Hồ treo” ở xã Pải Lủng, Mèo Vạc. |
Những đề tài, dự án khoa học triển khai, ứng dụng trên khu vực CVĐCTC – CNĐĐV tập trung vào các vấn đề cấp thiết như: Giải quyết vấn đề về nước sinh hoạt; xử lý nước nhiễm bẩn tại các hồ treo. Các vấn đề bảo vệ môi trường như việc đưa vào ứng dụng lò xử lý rác thải sinh hoạt; nghiên cứu các tai biến thiên nhiên; nghiên cứu đề xuất các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường các mỏ khoáng sản. Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, có các nghiên cứu về xây dựng mô hình phát triển du lịch nông nghiệp; nghiên cứu các giá trị nổi bật vùng CNĐĐV; nghiên cứu đề xuất các sản phẩm đặc thù từ đá phục vụ du lịch; ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng bản đồ du lịch CNĐĐV; giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về CVĐCTC – CNĐĐV, góp phần hoàn thiện tiêu chí đánh giá của Mạng lưới CVĐCTC; nghiên cứu phát triển các làng nghề; xây dựng thương hiệu các sản phẩm đặc sản vùng CNĐĐV như mật ong bạc hà, hồng không hạt, rượu ngô; đề tài nghiên cứu, khôi phục, cải tạo Phố cổ Đồng Văn...
Trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản CVĐCTC – CNĐĐV, thời gian qua Ban quản lí CVĐCTC – CNĐĐV đã tích cực phối hợp với các ngành, các địa phương, các nhà khoa học điều tra, khảo sát, lập hồ sơ quản lí các điểm di sản địa chất, di sản văn hóa trong vùng. Qua đó, nhiều điểm di sản đã được lập hồ sơ, bàn giao cho các địa phương quản lí, phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học và việc tham quan, du lịch. Đặc biệt, Dự án Xây dựng hệ thống thông tin phục vụ quảng bá hình ảnh CVĐCTC – CNĐĐV dựa trên công nghệ hình ảnh, video 3600 mà anh Ma Ngọc Giang, Phó trưởng Ban quản lí CVĐCTC – CNĐĐV là một trong 2 người phụ trách dự án đã và đang được triển khai tích cực. Thông qua công nghệ này, góp phần quảng bá hình ảnh di sản CNĐĐV đến gần gũi hơn với mọi người.
Tiếp tục đưa KH&CN thúc đẩy phát triển CNĐĐV:
Trong Hội nghị bàn đẩy mạnh ứng dụng KH&CN phát triển bền vững CNĐĐV được tỉnh ta tổ chức mới đây tại huyện Đồng Văn với sự tham gia của Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, tỉnh ta cùng với Bộ KH&CN thể hiện những quan điểm đồng nhất trong việc đẩy mạnh sự tác động của KH&CN phục vụ sự phát triển của CNĐĐV. Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng KH&CN bảo vệ môi trường. Cùng với đó, thúc đẩy KH&CN nhằm phát triển lĩnh vực nông nghiệp dựa trên lợi thế vốn có...
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phạm Minh Giang, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết, trong việc đẩy mạnh ứng dụng KH&CN cho sự phát triển bền vững CNĐĐV, đáng chú ý có Dự án Bò vàng vùng cao. Đến nay, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã đồng ý ghi vốn trung hạn để đầu tư cho Dự án Bò vàng, giai đoạn 2016 – 2020. Bộ trưởng chỉ đạo xây dựng sản phẩm thịt bò vàng vùng cao Hà Giang thành sản phẩm Quốc gia. Ngoài ra Bộ trưởng cũng đồng tình với việc xây dựng Dự án vườn bảo tồn gen và phát triển giống dược liệu Hà Giang gắn với du lịch. Ngoài các dự án trên, một số mô hình sẽ được triển khai phục vụ cho sự phát triển của CNĐĐV như Dự án xử lí rác thải; công nghệ làm đường mới phục vụ cho phát triển giao thông, bảo tồn CVĐCTC và phục vụ xây dựng Nông thôn mới; công nghệ lọc nước phục vụ sinh hoạt và phát triển du lịch; phát triển dược liệu hàng hóa; xây dựng vùng hoa ôn đới... Về phía tỉnh, ngoài việc thể hiện quyết tâm huy động các nguồn lực đầu tư, tỉnh cũng mong muốn ngành KH&CN tiếp tục làm nổi bật vai trò của KH&CN phục vụ cho sự phát triển của CNĐĐV và sự phát triển KT – XH.
Như vậy, cùng với Quyết định của Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị CVĐCTC – CNĐĐV, sự quan tâm, đầu tư của T.Ư, của tỉnh trong phát triển KT – XH nói chung và phát triển KH&CN nói riêng, tạo mở cơ hội cho sự vươn lên của CNĐĐV. Thông qua đó, những giá trị di sản của CNĐĐV sẽ tiếp tục được bảo tồn, tôn tạo và phát huy bền vững, trở thành điểm nhấn nổi bật của cả đất nước.
HUY BA
Ý kiến bạn đọc