"Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương có hiệu quả" khi thiên tai xảy ra
BHG- Năm 2015, theo dự báo của ngành chức năng, tình hình thời tiết, khí hậu, thủy văn sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, khác quy luật, do vậy Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh đã chỉ đạo các địa phương trong tỉnh, ngay từ đầu mùa mưa bão cần chủ động đề phòng các hiện tượng thiên tai như: dông lốc, mưa đá, các dợt mưa lớn, lũ quyét và sạt lở đất cục bộ xảy ra. Cần thực hiện tốt phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương có hiệu quả” nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, trong đó lấy “phòng tránh là chủ yếu”.
Trận lũ ngày 21.7.2014 tại thôn Then, xã Xuân Giang đã làm hàng trăm khối đất đá bị cuốn trôi làm thiệt hại nhiều diện tích lúa, hoa màu và tài sản người dân. |
Ban chỉ huy PCTT và TKCN cũng cho biết: theo kết quả “Điều tra, đánh giá mức độ tác động của biến đổi khí hậu đến lũ quyét, lũ ống, trượt, sạt lở đất” thì trên địa bàn 4 huyện: Yên Minh, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quang Bình có 99 điểm đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở cao, có 20 khu vực đã xảy ra lũ quyét và có nguy cơ xảy ra lũ quyét. Còn 6 huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Bắc Mê, Vị Xuyên, Bắc Quang và thành phố Hà Giang có 289 điểm có nguy cơ sạt lở. Trước thực tế như vậy Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã chỉ đạo các BCHPCLB và TKCN các huyện, thành phố chủ động rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở mới phát sinh đồng thời chỉ đạo chính quyền các xã tổ chức cắm biển báo tại những điểm có nguy cơ sạt lở, lũ quét nhằm giúp nhân dân biết, nâng cao cảnh giác và chủ động đề phòng.
Nhìn lại những con số thống kê của năm 2014 cho thấy, mặc dù tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương có nhiều các phương án, giải pháp để phòng, chống giảm nhẹ thiên tai nhưng do diễn biến khó lường, phức tạp của thời tiết, thiên tai, nên năm 2014, trên địa bàn toàn tỉnh vẫn xảy ra nhiều đợt thiên tai làm thiệt hại về người, tài sản của nhà nước và nhân dân. Thiệt hại do thiên tai đã làm 12 người chết, 13 người bị thương, 51 nhà sập đổ và cuốn trôi, 96 nhà phải di dời, 4.198 nhà bị thủng và tốc mái, 1.668 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất, 7 nhà bếp bị sập hư hỏng, 104 điểm trường bị tốc mái, 6 trạm y tế bị tốc mái và ảnh hưởng do sạt lở đất, 42 trụ sở làm việc bị tốc mái, hư hỏng nặng nhiều công trình thủy lợi, giao thông, hơn 5.180 ha lúa, cây công nghiệp và hoa rau màu các loại bị thiệt hại... ước tổng thiệt hại về vật chất hơn 634,5 tỷ đồng.
Để tiếp tục thực hiện chiến lược Quốc gia phòng chống giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, bằng các biện pháp tích cực, tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố nâng cao ý thức cảnh giác với diễn biến cực đoan, bất thường của thời tiết do tình hình biến đổi khí hậu những năm gần đây đã có những đợt mưa lũ, diễn biến phức tạp không theo quy luật, có cường độ lớn, vì vậy cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản liên quan đến công tác phòng chống giảm nhẹ thiên tai. Cùng đó, cần nâng cao năng lực dự báo, thường xuyên cập nhật tin tức dự báo từ Trung tâm KTTV Quốc gia và Đài khí tượng thủy văn tỉnh để thông tin kịp thời diễn biến tình hình khi có thiên tai và cảnh báo, nhằm phục vụ công tác chỉ huy, chỉ đạo phòng tránh ứng phó. Tổ chức các lớp tập huấn và diễn tập cứu hộ, cứu nạn để nâng cao nhận thức của cộng đồng và phát hiện các thiếu sót, rút kinh nghiệm, tránh tư tưởng ỷ lại chủ quan lơ là, chủ động ứng phó tốt khi có thiên tai xảy ra...
HIẾN CHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc