Ứng dụng công nghệ thông tin góp phần nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính
BHG- Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan Nhà nước những năm qua được tỉnh ta chú trọng quan tâm đầu tư, triển khai sâu rộng, tạo bước chuyển biến quan trọng cả về nhận thức và hành động, góp phần thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao chất lượng giải quyết công việc và đóng góp đáng kể cho sự phát triển KT - XH, QP - AN.
Mặc dù tỉnh còn nghèo, đội ngũ cán bộ không đồng đều nhưng Hà Giang được đánh giá là có sự phát triển, ứng dụng CNTT ở mức độ cao so với các địa phương khác trong cả nước (đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố). Theo số liệu tổng hợp mới nhất của Ban Chỉ đạo CNTT tỉnh đến tháng 3.2015: Tỷ lệ xã, phường thị trấn có sóng 3G đạt 85%; tỷ lệ phủ sóng điện thoại di động đạt 98%, riêng khu vực trung tâm, đông dân cư đạt 100%; tỷ lệ cán bộ, công chức có máy tính trong các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện đạt 92%; tỷ lệ máy tính kết nối internet đạt 95,8%. Toàn tỉnh triển khai được 28 điểm cầu trực tuyến, trong đó có 3 điểm cầu trực tuyến với T.Ư, 13 điểm cầu trực tuyến nội tỉnh và 12 điểm cầu trực tuyến ngành Thông tin và truyền thông, đáp ứng nhu cầu họp trực tuyến của các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, huyện trên môi trường mạng; hầu hết các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, huyện đã có mạng nội bộ (mạng LAN) hoàn thiện, có thiết bị định tuyến, máy chủ và các phần mềm, phần cứng an toàn thông tin. Đặc biệt, 100% các cơ quan hành chính Nhà nước của tỉnh triển khai xây dựng mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông” điện tử hiện đại, phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc. Riêng đối với cổng thông tin điện tử tỉnh thường xuyên cập nhật hàng ngày cung cấp trên 30% thông tin chỉ đạo, điều hành của các cấp, ngành và 600 dịch vụ hành chính công ở mức độ 1, 2... Điều này đã từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đảm bảo chất lượng dịch vụ hành chính công, giảm nhẹ bộ máy và nâng cao năng lực, trách nhiệm, làm thay đổi lề lối tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần quan trọng trong công cuộc cải cách TTHC của tỉnh.
Người dân đến làm các thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hành chính “một cửa” thành phố Hà Giang. |
Lợi ích của việc ứng dụng CNTT trong giải quyết các công việc thuộc khối các cơ quan Nhà nước đã được khẳng định. Tại Trung tâm giao dịch “một cửa” và “một cửa liên thông” Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy: Phòng làm việc được bố trí riêng, trang thiết bị được đầu tư cơ bản đồng bộ như máy vi tính, máy in, có kết nối internet. 100% TTHC thuộc thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết của sở được thực hiện theo cơ chế “một cửa” với 5 lĩnh vực và 30 TTHC; đối với “một cửa liên thông” thực hiện với 120 TTHC trên hệ thống đăng ký kinh doanh Quốc gia. Các hồ sơ được giải quyết nhanh chóng, đúng luật, đảm bảo được thời gian sớm hơn hoặc đúng giấy hẹn; các khoản thu lệ phí và thủ tục hành chính được công khai dân chủ, theo quy định của Nhà nước đã tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đến giao dịch giải quyết công việc không phải đi lại nhiều lần qua khâu trung gian.
Anh Vương Đình Cường, phụ trách bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hành chính “một cửa” thành phố Hà Giang cho biết: “Từ khi thành phố áp dụng CNTT để giải quyết các công việc trên 5 lĩnh vực (Tài nguyên - môi trường, đăng ký kinh doanh, cấp phép xây dựng, đăng ký thế chấp, thuế) thông qua các phần mềm để quản lý theo dõi, mọi thông tin đều được công khai, qua đó tạo sự minh bạch, tránh gây phiền hà, tiết kiệm được thời gian cho các tổ chức, cá nhân đến giao dịch”. Cũng chính từ việc áp dụng CNTT đã hỗ trợ đắc lực cho giải quyết công việc, tính riêng trong năm 2014, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hành chính thành phố đã nhận 3.557 hồ sơ, trong đó đã giải quyết trả kết quả 3.204 hồ sơ, số còn lại đang giải quyết (chủ yếu là hồ sơ liên quan đến lĩnh vực Tài nguyên - môi trường, quản lý đô thị).
Có thể thấy vai trò, tiện ích của việc ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành và giải quyết các công việc hành chính tại các cơ quan Nhà nước. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi tỉnh ta đang đẩy mạnh công tác cải cách TTHC, hướng tới hiện đại hóa nền hành chính công.
Bài, ảnh: Hoàng Ngọc
Ý kiến bạn đọc