"Thì thầm" từ những hóa thạch xứ đá
BHG- Cách đây hơn chục năm, từ trước khi Cao nguyên đá Đồng Văn (CNĐ – ĐV) còn ít được biết đến trong và ngoài nước, tôi từng được nghe thông tin của một số nhà khoa học về hóa thạch trên CNĐ - ĐV. Một số nhà khoa học đã giành thời gian lên trên CNĐ – ĐV và phát hiện được một vài hóa thạch quý giá. Đồng thời, họ đã nói về tiềm năng của vùng đá với những di sản hóa thạch hiếm có trong cả nước, phục vụ cho công tác nghiên cứu về lịch sử phát triển địa chất.
Hóa thạch tay cuộn, phát hiện ở Ma Lé (Đồng Văn) |
Giờ đây, khi CNĐ – ĐV được nhiều người trong và ngoài nước biết đến với tư cách là thành viên Mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu thì những giá trị di sản ở đây cũng đang từng ngày được phát lộ, giới thiệu đến bè bạn toàn cầu. Một trong những giá trị di sản đặc biệt của vùng CNĐ – ĐV đó chính là những hóa thạch với niên đại hàng trăm triệu năm tuổi. Chúng mang những giá trị khoa học lớn và mỗi lần tôi được tiếp cận với nhiều hóa thạch còn nguyên si hình dạng, là một lần tôi như đang được nghe chúng thầm thì kể về lịch sử phát triển hàng trăm triệu năm của CNĐ - ĐV. Hóa thạch của nhiều loài để lại đã biến vùng đá trở thành một pho sử đá khổng lồ, góp phần ghi lại sự tiến hóa của hành tinh của chúng ta.
Có mặt tại những điểm ghi nhận hóa thạch như Huệ biển, Tay cuộn, Sò biển, Bọ ba thùy trên CNĐ – ĐV, những nơi đã được Ban quản lý Công viên địa chất Toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn xây dựng biển chỉ dẫn cho du khách tham quan, chúng tôi được chứng kiến ánh mắt từ ngạc nhiên đến sửng sốt của nhiều du khách trong và ngoài nước. Tại Cột cờ Lũng Cú, bạn Hoàng Hà, một sinh viên Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội hứng khởi cho biết, trước đây mình chỉ biết đến các hóa thạch trên lý thuyết, được các thầy kể. Nhưng lên CNĐ – ĐV, được vào Bảo tàng tỉnh Hà Giang và được lên Cột cờ Lũng Cú để xem hóa thạch trăm triệu năm tuổi mới thấy hết, CNĐ – ĐV là một nơi tuyệt vời để thăm quan về cảnh quan và học tập về di sản địa chất, cổ sinh.
Được biết, từ đầu thế kỷ XX, khoảng những năm 1915, một số nhà nghiên cứu khoa học ở Viện Viễn đông Bác cổ đã từng lên CNĐ – ĐV nghiên cứu. Tại đây, họ đã phát hiện ra những hóa thạch và có những nghiên cứu, tìm hiểu. Mấy chục năm sau, khi thực dân Pháp rút khỏi Việt Nam, những nhà khoa học của nước ta tiếp tục có thêm những phát hiện khá bất ngờ về hóa thạch trên CNĐ – ĐV và những địa tầng ở đây. Đến nay các nhà khoa học đã phát hiện, củng cố thêm những hóa thạch trên CNĐ – ĐV với tổng số 17 nhóm hóa thạch đã được phát hiện, rất đa dạng về giống, loài như: Tay cuộn, Bọ ba thùy, Cá cổ, Huệ biển, Thực vật thủy sinh, Vỏ cứng, San hô vách đáy, San hô 4 tia, Lỗ tầng, Răng nón, Trùng lỗ, Vỏ nón, Hai mảnh vỏ, Chân bụng, Chân đầu, Động vật dạng rêu, Tảo. Các điểm hóa thạch sẽ trở thành một trong những điểm rất hấp dẫn đối với du khách, đặc biệt là những nhà khoa học, những người đam mê khám phá về những điều kỳ diệu của thế giới.
Hóa thạch Huệ biển, phát hiện ở Lũng Pù (Mèo Vạc). |
Anh Vương Vĩnh Thái, Trưởng Phòng Quản lý di sản và dịch vụ, Ban quản lý Công viên địa chất Toàn cầu CNĐ – ĐV cho biết, thời gian qua Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam, Viện Địa chất Việt Nam là những đơn vị có sự quan tâm, nghiên cứu về hóa thạch trên CNĐ – ĐV. Hiện nay trên khu vực Công viên địa chất Toàn cầu CNĐ – ĐV, ở các địa bàn Đồng Văn, Mèo Vạc là những nơi phát hiện ra nhiều hóa thạch nhất. Nổi bật là các điểm hóa thạch như: Khu vực thị trấn Đồng Văn có hóa thạch Trùng thoi dưới chân núi Đồn Cao, điểm hóa thạch này kéo dài đến cả cây số. Tại các xã Ma Lé, Lũng Cú, Sủng Là... cũng phát lộ những điểm có hóa thạch Bọ ba thùy, Tay cuộn; ở khu vực xã Lũng Pù, Mèo Vạc phát hiện hóa thạch Huệ biển...
Theo các nhà khoa học, từ những nghiên cứu về cổ sinh địa tầng và cấu trúc địa chất trên CNĐ – ĐV, cho phép phân chia lịch sử phát triển địa chất khu vực này gồm 7 giai đoạn với niên đại rất xa xôi từ hàng trăm triệu năm tuổi cách ngày nay. Ở mỗi giai đoạn, địa tầng phát triển, có những loại hóa thạch đặc thù, được các nhà khoa học diễn giải với rất nhiều kiến thức hết sức hấp dẫn về từng giai đoạn phát triển của trái đất cũng như hệ động, thực vật. Sự có mặt của các hóa thạch trên vùng CNĐ – ĐV chỉ rõ, vùng đất đặc biệt, có độ cao cả ngàn mét so với mực nước biển này trong quá khứ là một vùng biển nông với sự hiện diện của nhiều loài động, thực vật. Hóa thạch của các động, thực vật để lại giúp chúng ta hiểu biết một phần về sự phát triển cách ngày nay hàng trăm triệu năm.
Điểm hóa thạch Tay cuộn được phát hiện tại thôn Ma Lé, xã Ma Lé, Đồng Văn năm 1915 do nhà địa chất người Pháp, ông J.Deprat, Giám đốc Sở địa chất Đông Dương phát hiện. Đây là điểm hóa thạch khá nổi tiếng, được nhiều người nghiên cứu quan tâm. Chính hóa thạch Tay cuộn với những giá trị khoa học, hình dáng nổi bật đã được lựa chọn để góp phần tạo nên lô gô của Công viên địa chất Toàn cầu CNĐ – ĐV.
HUY TOÁN
Ý kiến bạn đọc