Những điều cần lưu ý khi nuôi cá ao
Hình minh họa |
1. Điều kiện ao nuôi:
- Diện tích ao tuỳ thuộc điều kiện từng gia đình, ao nuôi cá tốt nhất có diện tích 200 - 2.000m2, dễ dàng chăm sóc, vận chuyển, đánh bắt.
- Nguồn nước cấp vào ao phải sạch và chủ động.
- Bờ ao phải chắc chắn giữ được nước. Bờ phải cao hơn mực nước cao nhất trong năm 0,3 - 0,5m để tránh nước tràn bờ, cá thoát ra ngoài, nhất là mùa mưa lũ.
- Không chọn ao nuôi ở những khu vực rác thải, hay những khu vực có chứa nhiều quặng. Ao nuôi có vị trí lòng chảo, nên đào rãnh xung quanh ao, tránh khi mưa xuống đất đá, lá cây, thuốc bảo vệ thực vật xuống ao gây nguy hại cho cá nuôi.
- Quanh ao không nên trồng cây thân gỗ lớn, mặt ao luôn thoáng, có tán cây che, lá rụng xuống ao, gây nứt bờ ao.
- Độ sâu mực nước tốt nhất trong ao ương cá giống là 0,8 - 1,2m, ao nuôi cá thịt là từ 1 - 2m. Ở mực nước này các sinh vật đáy là thức ăn tự nhiên dễ dàng phát triển, nhiệt độ nước trong ao ít có sự chênh lệch ở tầng đáy và tầng mặt
- Đáy ao: Nên bằng phẳng và dốc về phía cống để dễ dàng tháo nước và thu hoạch. Ao nuôi cần có cống cấp, thoát nước và đăng tràn.
2. Chuẩn bị ao nuôi:
- Việc chuẩn bị ao tốt là bước quan trọng đầu tiên hỗ trợ phòng bệnh.
+ Đối với ao cũ: Trước khi thả cá 7 - 10 ngày, ao phải được tháo cạn nước, dọn sạch rong, cỏ, cây cối xung quanh ao... Sau mỗi vụ nuôi nên vét lớp bùn đáy chỉ để lại 15 - 20 cm, nhằm loại bỏ mầm bệnh. Tu sửa bờ chắc chắn, lấp các lỗ, hang hốc quanh ao để tránh nước ao bị rò rỉ và ngăn chặn địch hại.
+ Đối với ao mới: Nên lấy nước vào ngâm rửa ao nhiều lần trước khi làm các bước tiếp theo.
- Bón vôi liều lượng 7 - 10 kg/100m2 ao. Phơi đáy ao 2 - 3 ngày. Vào mùa mưa nên bón vôi cả trên bờ để tránh phèn rửa trôi xuống ao khi trời mưa.
- Bón phân: Phân chuồng ủ hoai với 1% vôi: 20 - 30 kg/100m2 hoặc phân xanh (các loại cây không đắng, không độc) với lượng 30 - 40kg/100m2 rải đều khắp ao.
- Lấy nước vào ao: Lọc qua lưới lọc có kích thước mắt lưới 2a = 2mm để ngăn không cho cá tạp, địch hại, theo nước vào ao. Sau thời gian 5 - 7 ngày nước có màu xanh lá chuối non hoặc xanh vỏ đậu tiến hành thả giống.
3. Chọn và thả giống:
- Chọn loài cá nuôi: Để chọn loài cá nuôi thích hợp, cần xem xét. Khả năng cung cấp thức ăn, thị hiếu người mua từng vùng, đặc điểm sinh học các loài cá chọn nuôi phù hợp điều kiện môi trường.
- Nuôi ghép: Để tận dụng thức ăn và không gian sống. Khi nuôi, lưu ý nên thả cùng lúc và cùng cỡ giống, chọn loài cá không cùng tính ăn, không gian sống, có thời gian nuôi và giá trị thương phẩm gần bằng nhau để thu hoạch.
- Mật độ thả: Tùy khả năng chăm sóc của mỗi gia đình mà chọn mật độ nuôi cho phù hợp nên thả từ 1 – 3 con/m2.
- Khi chọn cá giống, chú ý các tiêu chuẩn sau, đồng đều cỡ, màu sắc sáng đẹp, bơi lội nhanh nhẹn, không bị dị hình, không có dấu hiệu bị bệnh... bà con nên mua ở những cơ sở có uy tín.
- Mùa vụ thả giống. Từ tháng 3 đến tháng 8 dương lịch hàng năm.
- Cách thả cá: Khi cá vận chuyển đến ao nên ngâm cả bao cá xuống ao thời ngâm từ 10 - 15 phút cho cân bằng nhiệt độ rồi thả cá ra ao.
4. Cho ăn và chăm sóc:
- Tùy theo điều kiện thực tế của từng gia đình để chọn loại thức ăn cho phù hợp, có thể sử dụng toàn bộ thức ăn công nghiệp các tháng đầu và cuối, còn những tháng giữa vụ cho ăn thức ăn tự chế từ nguồn phụ phẩm tại chỗ và rau.
Cá nhỏ cho ăn thức ăn có hàm lượng đạm cao và giảm dần khi cá lớn. Lượng thức ăn hằng ngày đối với cá nhỏ là 5 - 7% tổng trọng lượng đàn cá, cá lớn 2 - 3% tổng trọng lượng đàn. Nếu thức ăn tự chế biến phải nấu chín được nắm thành từng nắm cho vào sàng để dễ kiểm tra thức ăn.
- Đối với cá trắm cỏ, cá Bỗng thức ăn xanh nên cho vào khung ăn được đóng cố định ở góc ao, lượng thức ăn hàng ngày từ 20 - 30 %.Tổng lượng đàn cá
5. Quản lý ao nuôi:
- Thường xuyên kiểm tra theo dõi ao nuôi, đặc biệt vào những ngày mưa bão.
- Phát hiện sớm những biểu hiện khác thường của cá để xử lý kịp thời.
- Để giữ vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường nuôi không nên bón phân tươi trực tiếp xuống ao.
- Không thải trực tiếp nước sinh hoạt, nước phân chuồng xuống ao.
- Nước cấp vào mỗi ao nuôi cần phải riêng biệt. Không nên dùng lại nước thải của ao nuôi khác để nuôi cá.
- Không nên ngâm tre, gỗ nhiều xuống ao.
- Vào mùa đông cần có những biện pháp phòng tránh rét cho cá, luôn duy trì độ sâu đến mức tối đa, thả bèo tây đầu hướng gió chiếm 1/3 diện tích mặt nước ao.
6. Phòng trị bệnh:
- Định kỳ thay nước mỗi tháng 1 lần, để giữ môi trường ao nuôi sạch, nhất là vào thời điểm cuối vụ nuôi. Kết hợp dùng vôi để cải thiện môi trường nuôi với liều lượng 2kg/100m3 nước để phòng bệnh cho cá. Đối với những ao không thay nước được, có thể dùng Zeolite hoặc chế phẩm sinh học xử lý môi trường nước và đáy ao.
- Khi phát hiện cá có dấu bị bệnh, cần có biện pháp xử lý kịp thời.
5. Thu hoạch:
- Khi cá nuôi đạt cỡ thương phẩm thì tiến hành thu hoạch.
- Nên thu hoạch vào buổi sáng sớm hay chiều mát.
- Đối với những loại cá có khả năng chịu rét kém như cá Rô phi, cá Chim Trắng cần phải thu hoạch trước mùa đông.
- Khi kéo lưới, nên bắt những loại cá có khả năng chịu đựng kém như, Mè hoa, Mè trắng, Trôi ta... trước để tránh cá chết.
Biên soạn: Đỗ Tuấn Anh
Ý kiến bạn đọc