Vệ tinh VINASAT-1 sẵn sàng phóng lên quỹ đạo
Tại cuộc họp xem xét khả năng sẵn sàng của quá trình phóng vệ tinh VINASAT-1, phía nhà cung cấp dịch vụ phóng vệ tinh Arianespace, nhà sản xuất vệ tinh Lockheed Martin cùng đại diện Ban quản lý dự án vệ tinh VINASAT tại Kourou đã kiểm tra lại toàn bộ công tác chuẩn bị và thống nhất: quá trình phóng vệ tinh VINASAT-1 đã sẵn sàng.
Tổ hợp tên lửa và các vệ tinh đã được chuyển tới bệ phóng. |
Tên lửa đẩy Ariane 5 cùng vệ tinh VINASAT-1 đã được đặt lên bệ phóng ngoài trời, trên phần thân tên lửa sơn lá cờ Việt Nam, logo của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và biểu tượng của dự án VINASAT. Toàn bộ khối lượng 800 tấn gồm tên lửa Ariane 5 chứa hai quả vệ tinh nặng 6,737 tấn cùng các thiết bị khác được vận chuyển bằng máy chuyên dụng chạy trên đường ray từ nhà lắp ráp hoàn thiện (BAF) tới bệ phóng.
Nằm ở vị trí cách xa các khu vực khác trong Trung tâm Vũ trụ châu Âu, giữa bãi đất trống mênh mông, bệ phóng có ba cửa thoát lửa cao khoảng 50 m, rộng 30 m; cột bơm nhiên liệu cho tên lửa; hệ thống bơm nước... Mặc dù bệ phóng chỉ cách toà nhà lắp ráp hoàn thiện 2,8 km, nhưng việc vận chuyển tên lửa phải mất 1 giờ 30 phút mới hoàn thành. Do khối lượng vận chuyển lớn cùng yêu cầu bảo đảm an toàn nghiêm ngặt, nên tốc độ vận chuyển nhanh nhất chỉ đạt 5 km/giờ.
Giám đốc truyền thông của Arianespace cho biết, sau khi tên lửa Ariane 5 được đặt lên bệ phóng, các chuyên gia kỹ thuật của Arianespace thực hiện đấu nối hệ thống dây cáp, kiểm tra toàn bộ thiết bị điều khiển...
Dự kiến, 17 giờ ngày 18-4, quá trình đếm ngược (thực hiện các bước chuẩn bị cuối cùng cho vệ tinh, tên lửa và bệ phóng) bắt đầu diễn ra. Việc nạp nhiên liệu ô-xy lỏng và hy-đrô lỏng cho các động cơ của tên lửa Ariane 5 cũng được thực hiện trong quá trình này và chỉ kết thúc 5 giây trước khi phát lệnh khai hỏa. Sau 11 giờ thực hiện đếm ngược, động cơ chính của tên lửa đẩy sẽ được khai hỏa. 7,5 giây sau đó, hai động cơ tăng lực đẩy tên lửa rời mặt đất cũng được khai hỏa, đưa tên lửa rời bệ phóng. Ngay sau khi rời bệ phóng, độ cao và đường bay của tên lửa hoàn toàn do hai máy tính nằm trong khoang thiết bị của tên lửa Ariane 5 điều khiển.
Theo kế hoạch, 31 phút sau khi tên lửa rời bệ phóng, ở độ cao 1.660,9 km, vệ tinh VINASAT-1 sẽ tách khỏi tên lửa và tiếp tục bay vào quỹ đạo. Trước đó, khi tên lửa đạt độ cao 783,9 km, vệ tinh Star one C2 của Brazil cũng rời khỏi tên lửa. Việc phóng cùng lúc hai vệ tinh hoàn toàn không ảnh hưởng đến xác suất phóng thành công. Cả hai vệ tinh đều ở trạng thái ngủ trong thời gian phóng và chỉ được kích hoạt sau khi đã tách hoàn toàn khỏi thiết bị phóng, khi đã ở trên quỹ đạo trái đất. Hai vệ tinh được thiết kế hoàn toàn tách biệt nên không làm ảnh hưởng lẫn nhau.
Phương án phóng kép (hai vệ tinh) được lựa chọn nhằm tiết kiệm chi phí cho các bên so với phương án phóng chỉ đưa một quả vệ tinh lên không gian. Về cơ bản, hai hình thức phóng đơn và phóng kép là tương đối giống nhau, chỉ khác nhau về số lượng vệ tinh và trọng lượng tải khi phóng. Hình thức phóng kép sẽ tiết kiệm 50% chi phí phóng vệ tinh nên được hầu hết các chủ đầu tư dự án vệ tinh cỡ trung bình như VINASAT-1 sử dụng. Mức độ tin cậy và an toàn của các vụ phóng kép cũng rất cao.
Trong năm 2006 và 2007, Arianespace đã thực hiện tổng cộng 11 vụ phóng kép thành công, với 22 quả vệ tinh. Ngày 9-3 vừa qua, trong lần phóng đầu tiên của năm 2008, Arianespace đã phóng thành công tàu vận tải tự động ATV mang tên Giuyn Véc-nơ lên trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Tàu ATV có tải trọng 20 tấn, trong đó có khoảng 9 tấn hàng hóa cung cấp cho trạm ISS đã được tên lửa đẩy Ariane 5 phóng lên quỹ đạo. Ðây là lần phóng thứ 37 của tên lửa Ariane 5 và là lần phóng thành công thứ 23 của tên lửa này.
Với việc phóng thành công tàu ATV, Arianespace tiếp tục tạo thêm kỷ lục mới về tên lửa có tải trọng lớn nhất. Ðến nay, Arianespace đã phóng 254 vệ tinh (chiếm hơn hai phần ba trong tổng số các vệ tinh thương mại trên thế giới). Trong hai năm gần đây, Arianespace giành được gần 50% tổng số các hợp đồng dịch vụ phóng vệ tinh thương mại thông qua đấu thầu cạnh tranh trên thế giới.