Thị trường năng lượng tái tạo ở VN: Quá nhiều rào cản!
Trong thời gian gần đây, tại VN đã tổ chức nhiều hội thảo về năng lượng tái tạo (NLTT) nhằm đẩy mạnh học hỏi, hợp tác cùng các nước đi trước trong lĩnh vực này, hứa hẹn nhiều phát triển trong tương lai. Thế nhưng...
Tuy nhiên, nhiều hội thảo, nội dung không khác nhau bao nhiêu, đều nêu thực trạng, tiềm năng bên cạnh khó khăn, hạn chế mà chưa có sự rốt ráo trong việc giải quyết gọn những bất cập, chưa có sự kết hợp ngay từ trong nước: Nhà nước, doanh nghiệp, người dân... thì có thể còn xa lắm mới có thị trường năng lượng tái tạo ở VN?
Tiềm năng nhiều...
TS. Phạm Khánh Toàn, Viện trưởng Viện Năng lượng, khẳng định, VN có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, khí hậu, có tiềm năng nguồn NLTT khá lớn và đa dạng. Có thể đáp ứng một phần nhu cầu năng lượng và bảo vệ môi trường.
VN được đánh giá có nhiều tiềm năng năng lượng gió. (Ảnh minh họa: VNN)
|
Hiện đã có nhiều quốc gia bắt tay với Việt Nam trong lĩnh vực NLTT. Chương trình khí sinh học do Hà Lan hỗ trợ đã đi vào giai đoạn cuối, xây dựng khoảng 140.000 công trình khí sinh học tại 58 tỉnh trên cả nước.
Năng lượng mặt trời và năng lượng gió ở VN được các chuyên gia Pháp, Hàn Quốc đánh giá nhiều tiềm năng. Một số tổng giám đốc công ty chuyên về NLTT đã mở chi nhánh tại VN và xác định đây là thị trường mới, triển vọng.
Theo ông Alain Henry, Giám đốc AFD Việt Nam, VN có nhiều tiềm năng về NLTT. Nếu tiết kiệm được năng lượng thì chi phí giảm hơn rất nhiều so với bỏ ra để xây dựng nhà máy điện mới.
Nhu cầu sử dụng điện ở VN so với năm ngoái tăng 15,6%, trong khi khả năng cung cấp hàng năm trung bình chỉ 12–13%. Đây là một thách thức, buộc phải nghĩ tới tiết kiệm năng lượng và hiệu quả.
Các hội thảo đặt ra vấn đề chính cần khai thác những tiềm năng năng lượng tái tạo ở VN: Bên cạnh việc tăng khả năng sản xuất thì phải nghĩ cách giảm tiêu thụ, và không làm ô nhiễm môi trường. Đó mới là tiết kiệm, hiệu quả từ những nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo mà với đặc điểm của mình, VN hoàn toàn có thể đáp ứng.
... Nhưng quá nhiều rào cản
TS. Phạm Khánh Toàn cũng cho biết, dù tiềm năng lớn nhưng việc khai thác NLTT ở VN vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Tỷ lệ đóng góp NLTT trong cân bằng năng lượng còn thấp, đặc biệt là điện tái tạo. Ngoài năng lượng sinh khối hiệu suất thấp, chỉ 8–15%, các dạng NLTT khác mới chỉ ở dạng trình diễn, thí điểm hoặc lập báo cáo. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư nguồn NLTT cao hơn nguồn NL truyền thống từ 1,5 đến 10 lần. Đây lại là nguồn năng lượng phụ thuộc thời tiết, mùa vụ trong khi khí hậu VN khá phức tạp.
Có thể xem đây là những thách thức không đơn giản trong việc phát triển NLTT ở VN.
Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu về đánh giá nguồn thiếu, còn tản mạn, ít cập nhật nên các nhà đầu tư, kinh doanh rất khó thu thập, phân tích, đánh giá hiệu quả. Kinh phí đầu tư cho điều tra nguồn sơ cấp cũng còn thiếu...
Hội thảo hiệu quả năng lượng ở VN chỉ ra vẫn còn nhiều bất cập. (Ảnh: V.G)
|
Ông Nguyễn Đình Hiệp, Chánh văn phòng Tiết kiệm năng lượng (TKNL) Bộ Công thương chỉ rõ những bất cập về chính sách, thực trạng rào cản kìm hãm phát triển NLTT ở Việt Nam: Thiếu năng lực thực hiện chính sách, cơ chế hỗ trợ, kiểm soát và thực thi các hoạt động TKNL.
Cụ thể: Thiếu đồng bộ và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại trung ương và địa phương. Nhận thức cộng đồng còn rất hạn chế về NLTT, chế tài lại chưa đủ mạnh.
Các thể chế tài chính hoàn toàn chưa đủ sức khuyến khích các hoạt động sử dụng năng lượng và tiết kiệm hiệu quả.
Một vài rào cản khác như thiếu các thiết bị TKNL được sản xuất tại nội địa, thiếu thông tin về mức hiệu suất, công nghệ, thiết bị tiết kiệm năng lượng. Chưa có hệ thống giám sát để đánh giá hiệu quả các dự án và chương trình được thực hiện cũng góp phần kìm hãm sự phát triển NLTT...
Còn xa lắm mới có thị trường NLTT ở VN!
ThS Trần Mạnh Hùng (Phòng Kinh tế dự báo quản lý công nghệ - Viện Năng lượng) cho hay, VN cần tranh thủ sự hợp tác giúp đỡ trong các vấn đề về đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực trong các hoạt động tiết kiệm năng lượng từ các tổ chức quốc tế và đặc biệt là từ các tổ chức tiết kiệm năng lượng của các nước Pháp, Thụy Điển, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan.
Thời gian gần đây cho thấy VN đang có những bước song hành để học hỏi, hợp tác cùng các nước đi trước trong lĩnh vực này, hứa hẹn nhiều phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, chưa có sự rốt ráo trong việc giải quyết gọn những bất cập, chưa có sự kết hợp ngay từ trong nước: Nhà nước, doanh nghiệp, người dân... thì có thể còn xa lắm mới có thị trường tái tạo ở VN. Ông Nguyễn Thường, Giám đốc Trung tâm Phát triển Năng lượng bền vững (VSED), đánh giá.
Theo ông Thường, ở VN, việc hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp để triển khai các giải pháp TKNL còn nhiều lúng túng cả về tổ chức và nghiệp vụ. Đây là khó khăn chủ yếu và căn bản cản trở việc phát triển NLTT ở VN.
Ngoài ra, các trung tâm TKNL ở các tỉnh thành - nơi đầu mối liên kết lại chưa đủ lớn mạnh để hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai tốt các hoạt động TKNL.
Ông Thường cũng cho biết, ngay trong hội nghị quốc tế về TKNL ở London đã nêu lên vấn đề: Vấn đề TKNL là nguồn năng lượng lớn nhất, là biện pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất mà chi phí lại thấp nhất để giảm khí nhà kính và có vai trò lớn trong việc đảm bảo an ninh năng lượng dài hạn.
Cho nên, tuy nhiều khó khăn để phát triển một thị trường NLTT ở VN, việc phải có một thị trường NLTT ở VN là cần thiết và chắc chắn phải có.