(Hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Nước sạch - VSMT năm 2008)
Một số tồn tại và những giải pháp quản lý sử dụng thủy điện ở tỉnh ta
(HGĐT)- Hiện nay ở nước ta nói chung và tỉnh ta nói riêng chưa có qui hoạch sử dụng tổng hợp tài nguyên nước trên các lưu vực sông, suối, nên công tác quản lý tài nguyên nước ở các hồ chứa thuỷ điện và việc sử dụng nước trong phát điện chưa phát huy được mục tiêu một công trình phục vụ đa mục đích.
Mặc dù các công trình đã phần nào khai thác vào mục đích tưới tiêu cho nông-lâm -ngư nghiệp. Thế nhưng vẫn còn những điều bất cập, cụ thể như: Trong khi qui hoạch thiết kế công trình thuỷ điện hầu như chưa chú ý đến hiệu quả tổng hợp về kinh tế- xã hội- môi trường mà chủ yếu mới quan tâm đến phát điện làm sao cho hiệu quả cao nhất. Việc đắp đập xây hồ chứa nước đã chiếm đi một phần diện tích đất đai lâm nghiệp - nông nghiệp và một vài công trình, xoá đi một diện tích rừng khá lớn, trong khi đó nước chỉ dùng vào mục đích phát điện, không có tác dụng tưới tiêu. Có nhà máy thuỷ điện, trong thiết kế và xây dựng chưa quan tâm một cách thoả đáng đến nhiệm vụ chống lũ hạ lưu; trong thiết kế dung tích chết và mực nước chết của hồ thường được lựa chọn nhằm nâng cao cột nước áp lực để tăng hiệu quả phát điện. Mực nước chết được chọn rất cao, chỉ thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 2 đến 3m, tạo ra một dung tích chết rất lớn, có khi bằng hoặc hơn dung tích hữu ích của hồ chứa. Điều này nói lên các hồ chứa nước tuy đủ nước để phát điện nhưng hiệu quả tổng hợp đa mục tiêu của nguồn nước bị hạn chế do một lượng nước khá lớn chỉ để nâng cao cột nước phát điện. Nếu khi thiết kế xây dựng tính toán chi li một quy trình vận hành hợp lý, sử dụng tổng hợp nguồn nước cho cả phát điện, cấp nước, duy trì dòng chảy môi trường hạ du thì có thể khai thác hiệu quả hơn lượng nước trong phần dung tích chết. Đối với hệ thống thuỷ điện bậc thang thì lượng nước chứa tại hồ bậc thang trên còn được dùng để phát điện ở bậc thang dưới và nâng cao hiệu quả phát điện, chống lũ, cấp nước sạch, bảo vệ môi trường của toàn hệ thống.
Một vấn đề dễ dàng cảm nhận trong việc quản lý vận hành các công trình thuỷ điện, như: vùng hạ lưu chưa được chú ý đúng mức (tuy rằng có một số công trình đã quan tâm đến việc chống lũ, thế nhưng hiệu quả sử dụng đa mục tiêu chưa đáp ứng được); việc phối hợp với các ngành sử dụng nước còn hạn chế, hiệu quả sử dụng nguồn nước chưa cao... Những mặt hạn chế tồn tại dễ thấy, đó là:
Một, chưa có sự phối hợp giữa quá trình vận hành, xả thải nước của nhà máy thuỷ điện và nhu cầu sử dụng nước ở hạ lưu nên hiệu quả sử dụng đa chức năng không được phát huy.
Hai, việc tổ chức quản lý và lập kế hoạch đầu tư, khai thác, phục vụ thuỷ văn, du lịch giải trí của các hồ thuỷ điện chưa thích đáng nên hiệu quả sử dụng nước các hồ chứa trên thực tế còn nhiều hạn chế. Nhiều hồ thuỷ điện chưa tổ chức nuôi thả cá trong lòng hồ, nguồn cá tự nhiên hiện có để người dân đánh bắt tự do bằng nhiều phương tiện, kể cả phương pháp huỷ diệt (như lòng hồ thuỷ điện Na Hang trên sông Gâm chẳng hạn). Lợi dụng khi nước dâng nhiều hộ dân cư tự phát nuôi cá lồng nhưng việc quản lý nuôi cá không được cơ quan chức năng xem xét chặt chẽ nên tình trạng ô nhiễm môi trường nước bắt đầu nảy sinh và để thời gian dài sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng nước ở vùng hạ lưu…
Để góp phần tháo gỡ những hạn chế tồn tại trên, cần thực hiện những giải pháp dưới đây:
Thứnhất, khi quy hoạch thiết kế công trình thuỷ điện, các phương án nêu ra cần đáp ứng đầy đủyêu cầu về sử dụng tổng hợp tài nguyên nước theo các nguyên tắc ưu tiên đã xác định trong quy hoạch tài nguyên nước và bảo đảm bền vững về kinh tế - xã hội - môi trường; trong đó cần đưa yêu cầu đảm bảo mức duy trì dòng chảy môi trường là một mục tiêu, từ đó xác định từng công trình trong việc đáp ứng yêu cầu sử dụng tổng hợp đa mục tiêu nguồn nước cho các ngành.
Thứ hai, công tác quản lý vận hành cần phải xem xét làm sao sử dụng nguồn nước để phát điện và các mục tiêu khác cho hài hoà, đạt được hiệu quả cao nhất, kể cả việc sử dụng mực nước chết của một số nhà máy đã xây dựng xong. Do đặc thù về địa lý của tỉnh ta các sông suối có độ dốc lớn, khi xây đập thuỷ điện mực nước dâng không lớn nên diện tích đất ngập nước không nhiều, tuy vậy các quy trình vận hành của các hồ chứa vẫn phải tuân thủ các bước thẩm định, phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Những công trình thuỷ điện đã xây dựng xong không áp dụng các biện pháp duy trì dòng chảy tối thiểu cho hạ lưu sau công trình, khi thực hiện cấp phép khai thác sử dụng tài nguyên nước cần có các quy định cụ thể nhằm đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu sau công trình. Với đà phát triển xây dựng các công trình thuỷ điện lớn nhỏ như hiện nay, để phục vụ cho nhu cầu xây dựng kinh tế xã hội, thì sau 15-20 năm nữa các vị trí có tiềm năng khai thác làm thuỷ điện sẽ hết, nên việc khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý, vận hành các công trình thuỷ điện để đạt được hiệu quả cao nhất là việc cần phải nghĩ đến ngay từ bây giờ, nhằm đem lại lợi ích tối ưu từ các công trình thuỷ điện; đồng thời đáp ứng được sự hài hoà về môi trường sinh thái tự nhiên.
Ý kiến bạn đọc