Các nước châu Á- Thái Bình Dương bàn về tiêu thụ và sản xuất bền vững
14:29, 27/04/2007
Từ ngày 25 đến 27-4, Hội nghị bàn tròn châu Á- Thái Bình Dương về tiêu thụ và sản xuất bền vững lần thứ 7 diễn ra tại Hà Nội.
Dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Mai Ái Trực; lãnh đạo Bộ Công nghiệp và đông đảo các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ nước ngoài, đại diện các đại sứ quán tại Việt Nam.
Nội dung về quản lý tài nguyên bền vững:
- Hiệu suất năng lượng và cácnguồn thay thế
- Sản xuất sạch hơn/ Chế tác sạch
- Quản lý bền vững tài nguyên nước
- Các mẫu hình tiêu thụ đô thị
- Mua sắm “xanh”
|
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Mai Ái Trực nhấn mạnh: Hội nghị lần này là một diễn đàn quan trọng trong khu vực để chia sẻ các bài học, các phương thức tốt nhất về tiêu thụ và sản xuất bền vững, cũng như xây dựng các mối quan hệ mới với những ai có chung tầm nhìn phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới.
Với chủ đề “Duy trì phát triển bền vững khu vực châu Á- Thái Bình Dương”, Hội nghị bàn tròn lần này tập trung vào các lĩnh vực: Chiến lược quản lý chu kỳ sống; Phát triển nông thôn bền vững; Quản lý tài nguyên bền vững và Phát triển đô thị và công nghiệp.
Theo Bộ trưởng Mai Ái Trực, đó là những thách thức mà cả các nước đã phát triển lẫn các nước đang phát triển ở khu vực và trên thế giới đang phải đối mặt.
“Không một quốc gia nào có thể tự phát triển bền vững trong một thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau”, ông nói.
Theo các nhà nghiên cứu, châu Á- Thái Bình Dương, khu vực năng động với những nền văn hóa, kinh tế đa dạng, đang gặp nhiều vấn đề cấp bách về môi trường.
Nội dung về phát triển đô thị và công nghiệp:
- Quản lý bền vững chất thải
- Cơ chế phát triển sạch
- Quy hoạch và quản lý khu công nghiệp- sinh thái
- Đánh giá tác động công nghệ và chuyển giao công nghệ
- Các mô hình thành phố bền vững
|
Nạn ô nhiễm và suy thoái môi trường do quá trình đô thị hoá và công nghiệp hoá gây ra, đang trở thành những vấn đề cấp bách nhất của khu vực.
Giải quyết vấn đề nói trên, các nước trong khu vực đã chấp nhận và ủng hộ các nguyên tắc sản xuất sạch hơn, được xem như một chiến lược tổng hợp, giúp cải tiến năng suất và chất lượng của sản phẩm cũng như giảm thiểu ô nhiễm và chất thải tại nguồn, với chi phí thấp.
Mạng lưới châu Á- Thái Bình Dương về tiêu thụ và sản xuất bền vững được thành lập năm 1997, nhằm tăng cường đối thoại giữa các ngành công nghiệp, chính phủ và các tổ chức phi chính phủ trong khu vực để giải quyết các vấn đề ô nhiễm, phát triển và đưa ra các giải pháp cho những vấn đề cấp bách về môi trường.
Từ năm 1997, mạng lưới này đã tổ chức thành công sáu hội nghị bàn tròn tại Băng-cốc (Thái-lan), Brisbane (Australia), Mandaluyong (Philippines), Indonesia, Kuala Lumpur (Malaysia) và Melbourne, Victoria (Australia).
Nhân dân
Ý kiến bạn đọc