Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh
"Quyết tâm giữ vững thành quả chống dịch để bảo vệ nhân dân"
BHG - Đại dịch Covid-19 là một trong những đại dịch nguy hiểm hiện nay mà loài người đang phải gồng mình chống đỡ. Mặc dù đã có vác xin phòng Covid-19, tuy nhiên mức độ lây lan và sự nguy hiểm đến tính mạng con người vẫn còn rất lớn. Thấy được sự nguy hiểm đó, những giải pháp được đề ra để bảo vệ sức khỏe, bảo vệ nhân dân Hà Giang luôn được Đảng bộ, chính quyền tỉnh ta ưu tiên hàng đầu. Thành quả hôm nay mà chúng ta đang được sống những giây phút bình yên, hạnh phúc, được hít Oxy trong bầu khí quyển và chưa có thiệt hại về người là khẳng định sự cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh, sự hi sinh, cống hiến hết mình để bảo toàn thành quả của các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch và đội ngũ y, bác sỹ tỉnh nhà. Có được những kết quả đó, chính là phẩm chất đạo đức cách mạng trong mỗi cán bộ, đảng viên được “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Đây chính là kim chỉ nam để Đảng bộ tỉnh rèn giũa cán bộ, đảng viên học và làm theo để bảo vệ nhân dân trong đại dịch Covid-19.
Từ những chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh để bảo vệ sức khỏe cho nhân dân
Đại dịch covid-19 xuất hiện từ đầu năm 2020 cho đến nay đã gần 2 năm, với sự nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng con người và mức độ lây lan nhanh, nên Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã liên tục có những chỉ đạo sát sao, kịp thời khi có diễn biến mới gây bất lợi cho người dân Hà Giang. Trong tất cả các chỉ đạo đó, Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh luôn nhấn mạnh đến nhân dân, đó là phải “Bảo vệ nhân dân, bảo vệ thành quả chống dịch của tỉnh bằng mọi giá để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân”.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn chia sẻ, bên cạnh sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, vai trò tham gia vào cuộc của nhân dân là rất quan trọng. Chính vì vậy chúng ta phải tuyên truyền để nhân dân thấy, dân hiểu cùng tỉnh chống dịch. Trong đó, lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ”, là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch. Sự tham gia, chấp hành, tuân thủ quy định của người dân đóng vai trò quyết định thành công trong phòng, chống dịch; đây là trách nhiệm, là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình và cộng đồng. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của Nhân dân. Và thực tế cho thấy, ngoài việc ý thức bảo vệ chính mình, người dân còn cung cấp rất nhiều thông tin về người từ vùng dịch, hay từ bên kia biên giới về cho các lực lượng chống dịch để kịp thời phát hiện, cách ly theo quy định.
Bên cạnh công tác chỉ đạo, tỉnh ta cũng có những chia sẽ cùng với các địa phương trong cả nước, nhất là chia sẻ với các tỉnh phía nam, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh đầu tàu kinh tế của cả nước. Tỉnh ta đã cử 2 đoàn cán bộ y tế được chia làm 2 đợt, đợt 1 gồm 40 đồng chí, đợt 2 gồm 30 đồng chí (và đang tiếp tục đợt 3) vào Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương hỗ trợ chống dịch Covid-19. Cùng với đó, tỉnh đã ủng hộ đồng bào miền Nam hàng trăm nghìn cái bánh chưng, vài tấn giò chả và hạt lạc. Các đặc sản của Hà Giang đã kịp thời động viên, chia sẻ với đồng bào các tỉnh Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai, qua đó góp phần giúp nhân dân các tỉnh vượt qua khó khăn của bệnh dịch, đồng lòng chung sức cùng cấp ủy, chính quyền các địa phương kìm chế và đẩy lùi đại dịch Covid-19.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn kiểm tra khu cách ly tập trung tại huyện Bắc Quang. |
Đợt dịch lần thứ 4 (từ 27.4) xuất hiện tại Bắc Giang, Bắc Ninh nơi có những khu công nghiệp có hàng trăng nghìn công nhân, trong đó Hà Giang cũng là tỉnh có nhiều công nhân đang làm việc tại 2 tỉnh này. Để bảo vệ sức khỏe cho công dân Hà Giang đang làm việc tại Bắc Giang đồng thời cũng giảm tải khu cách ly cho tỉnh Bắc Giang, lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo kịp các ngành chuẩn bị cơ sở cách ly, phương tiện đón hơn 3 nghìn công dân Hà Giang từ Bắc Giang về an toàn; các công dân sau thời gian cách ly theo quy định đã trở về địa phương.
Đó là những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời trong nhiều chỉ đạo khác liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của các đồng chí lãnh đạo tỉnh để bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân, như sinh thời Bác Hồ căn dặn.
Đến những con người nơi tuyến đầu chống dịch
Đại dịch bùng phát, tỉnh ta vừa lo chống dịch xâm nhập từ tuyến biên giới, vừa lo người từ các địa phương có dịch trở về. “Nhiệm vụ kép” càng trở nên nặng nề hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, chúng ta có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, xuyên suốt về phòng, chống dịch của các đồng chí lãnh đạo tỉnh; chúng ta có những con người có tâm, có đức, có ý chí kiên cường và luôn biết hi sinh bản thân mình nơi tuyến đầu chống dịch để “Vững tay súng” bảo vệ vững chắc thành quả mà tỉnh ta đạt được.
Bác sĩ Phạm Thùy Dương, Trưởng trạm Y tế xã Yên Cường, Trung tâm Y tế huyện Bắc Mê, là 1 trong 40 y bác sỹ đợt 1 của Hà Giang tăng cường cho Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19.
Anh Dương chia sẻ: "Sau khi dịch bùng phát tại thành phố Hồ Chí Minh đã để lại nhiều hệ lụy, có quá nhiều mất mát đau thương; tôi rất trăn trở và quyết tâm xung phong lên đường chống dịch dù biết rất nguy hiểm cho bản thân và sẽ tăng gánh nặng cho gia đình. Trước khi lên đường vợ tôi cũng rất lo lắng cho sự an nguy của mình; cũng lo sợ điều tồi tệ xảy ra thì các con sẽ ra sao, bố mẹ già ở nhà thế nào? Tôi cũng động viên vợ con, bản thân đã được tiêm 2 mũi vắc xin phòng dịch và thực hiện nghiêm nghặt bảo hộ theo quy định, tự bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bản thân sẽ ổn thôi. Và bố tôi – là 1 thương binh hạng 3/4 đã vào sinh ra tử để bảo vệ Tổ quốc cũng ủng hộ động viên tôi lên đường bảo vệ sự yên bình cho nhân dân; dù có khó khăn vẫn phải bước tiếp".
Các y bác sỹ của Đoàn y tế Hà Giang tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi |
Sau khi đến Tp Hồ Chí Minh, theo sự phân công của tổ chức, đoàn y tế của Hà Giang làm việc tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi. Công việc cụ thể do trưởng đoàn phân công theo chức danh nghề nghiệp. Bản thân anh Dương là Bác sĩ nhận nhiệm vụ thăm khám bệnh nhân, ra y lệnh điều trị, lấy mẫu xét nghiệm. Để đảm bảo sức khỏe công tác và phòng ngừa lây nhiễm nhóm anh Dương được chia làm 2, trực cách nhật. Hàng tuần được làm PCR định kỳ vào thứ 4 và đột xuất để đánh giá, phát hiện nguy cơ.
Bản thân Bác sỹ Dương cũng như các thành viên trong đoàn y tế luôn thấm thía lời dạy của Bác Hồ: “Lương Y như từ mẫu”. Mọi người đều phấn đấu, cố gắng rèn luyện đạo đức, tác phong lối sống, cách cư xử với bệnh nhân và học tập, tham khảo tài liệu, phác đồ điều trị, trao đổi kiến thức y khoa với nhau. Cụ thể hóa bằng hành động và luôn tận tình hỏi bệnh, thăm khám, chăm sóc cho người bệnh; thái độ niềm nở hòa nhã, dặn dò chu đáo người bệnh chế độ thuốc, ăn uống, sinh hoạt, hướng dẫn cụ thể các biện pháp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho người bệnh. Ai cũng mong muốn làm tất cả những gì tốt đẹp nhất cho người bệnh để họ mau chóng hồi phục, ổn định cuộc sống.
Đối với Thượng úy Nguyễn Đức Dưỡng, Chốt trưởng chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19, Mốc 450, Đồn Biên phòng Xín Cái (Mèo Vạc) - một trong những địa bàn “nóng” về hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép trên tuyến biên giới của tỉnh Hà Giang lại là những ngày đầy gian khó nơi tuyến biên giới.
Anh Dưỡng quê Nam Định, gắn bó với mảnh đất Hà Giang hơn 20 năm, trong đó anh có 19 năm gắn với đường biên giới. Anh lên nhận nhiệm vụ tại Đồn Biên phòng Xín Cái từ những ngày mà dịch Covid-19 chưa xuất hiện. Đến khi Covid xuất hiện ở Vũ Hán (Trung Quốc) từ đầu năm 2020 và có nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam là rất lớn từ lao động tự do Việt Nam trở về qua các tuyến biên giới. Chính vì vậy, nhiệm vụ đặt ra với lực lượng Biên phòng nói chung và Chốt 450 của anh Dưỡng nói riêng vô cùng nặng nề, đó là phải thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa bảo vệ biên giới, vừa phải phòng, chống dịch để quyết bảo vệ thành trì không cho dịch bệnh xâm nhiễm vào Việt Nam.
Các chiến sỹ Biên phòng Xín Cái tuần tra biên giới |
Thấm nhuần lời dạy của Bác với lực lượng biên phòng, trong đó Bác dặn “Phải dựa vào nhân dân, ra sức đoàn kết và giúp đỡ nhân dân”. Từ những lời dạy của Bác đến với thực tiễn trong phòng, chống dịch, với tinh thần “chống dịch như chống giặc” anh Dưỡng luôn quyết tâm bám nắm địa bàn, luôn cảnh giác và gương mẫu, động viên anh em cán bộ, chiến sỹ của chốt tuần tra, cảnh giới, nắm bắt tin báo của nhân dân để kịp thời phát hiện các đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép qua lại biên giới.
Anh chia sẻ: "Thời điểm nóng nhất là trong năm 2020, khi đó dịch bên Trung Quốc vô cùng phức tạp, người Việt Nam lao động tự do bên Trung Quốc trở về nhập cảnh trái phép rất lớn nên anh em trong chốt phải căng mình tuần tra, trực tuyến biên giới. Có thời điểm hơn 6 tháng không được về thăm gia đình. Chốt cắm ở biên giới xa xôi, đường xá đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, đặc biệt là thiếu nước sinh hoạt. Nhưng tất cả đều hiểu rằng cả phía sau mình là sự bình yên của Tổ quốc, của nhân dân, vậy nên mọi khó khăn chúng tôi đều vượt qua hết".
Từ sự cống hiến, nỗ lực hết mình vì Tổ quốc, vì nhân dân, Thượng úy Nguyễn Đức Dưỡng đã cùng 7 chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 của Đồn Biên phòng Xín Cái đã phát hiện, ngăn chặn gần 800 vụ với trên 8.800 công dân xuất, nhập cảnh trái phép, bàn giao cho ngành y tế địa phương cách ly theo quy định.
Bác sỹ Nông Văn Huyến, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Giang, phụ trách Chốt kiểm dịch liên ngành thị trấn Vĩnh Tuy |
Với Bác sỹ Nông Văn Huyến, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Giang, phụ trách Chốt kiểm dịch liên ngành thị trấn Vĩnh Tuy huyện Bắc Quang, chốt chặn được coi là quan trọng nhất của tỉnh Hà Giang. Nơi có lượng xe và người qua lại rất lớn, công dân Hà Giang trở về từ vùng dịch nhiều. Công việc đặt ra cho bản thân anh là phụ trách và các thành viên liên ngành của Chốt kiểm dịch là vô cùng nặng nề và phức tạp. Chỉ cần lơ là, mất cảnh giác là người từ vùng dịch có thể qua chốt vào sâu trong địa bàn. Lúc ấy nguy cơ lây lan dịch bệnh là vô cùng nguy hiểm.
Anh Huyến là người có kinh nghiệm, thâm niên trong ngành y tế và y học dự phòng, vì vậy qua 2 đợt lập chốt kiểm dịch tại cầu Trì, anh đều được lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Sở Y tế tin tưởng và giao trọng trách điều hành Chốt. Căn cứ công việc thực hiện tại chốt, anh tổ chức họp phân công nhiệm vụ cho các lực lượng công an, quân đội và các viên chức theo nhiệm vụ chức năng cụ thể đảm bảo công dân vào địa bàn tỉnh phải được khai báo y tế đầy đủ, không gây phiền hà cho khách đi vào tỉnh Hà Giang. Hàng ngày tổng hợp phân tích khách đến từ các tỉnh có dịch về các huyện, thành phố lập danh sách gửi cơ quan thường trực phòng, chống Covid -19 để theo dõi quản lý khách đến từ vùng dịch.
Chốt kiểm dịch liên ngành cầu Trì, thị trấn Vĩnh Tuy huyện Bắc Quang, chốt chặn được coi là quan trọng nhất của tỉnh Hà Giang |
Có nhiều lần anh Huyến cùng các anh em trong chốt đã phát hiện những lao động từ vùng dịch về mà trốn khai báo y tế, điển hình như vụ 6 công dân từ Hà Nội lên đi theo đường mòn để né chốt kiểm dịch; hay vụ công dân trốn trong cốp xem vì hết hạn giấy xét nghiệm PCR để vào tỉnh… Tất cả đều được phát hiện kip thời và đưa đi cách ly theo quy định.
Mặc dù làm việc dưới thời tiết nắng nóng, mưa gió, trong lúc yêu cầu khách khai báo y tế và cũng rất nhiều người không phối hợp khi khai báo y tế, như khai không trung thực nơi đi không đúng với nơi đang làm viêc và nơi ở. Nhưng với ý chí, quyết tâm và trách nhiệm với công việc được giao, anh Huyến luôn động viên, chia sẻ để các thành viên trong chốt vượt qua khó khăn, ngày đêm trực chốt, giữ sự bình yên cho nhân dân.
Thành phố Hà Giang bình yên bên dòng sông Lô |
"Vùng xanh" Hà Giang
Từ sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt và xuyên suốt của các đồng chí lãnh đạo tỉnh; từ những con người thầm lặng nơi tuyến đầu chống dịch; từ nhân dân là những “chiến sỹ” chống dịch, tỉnh ta đến thời điểm này là một trong những tỉnh “vùng xanh” của cả nước. Từ ngày 27.4 đến nay ghi nhận 22 ca mắc mới trong đó 2 ca nhập cảnh, 20 ca phát hiện tại các khu cách ly tập trung. Đến nay đã qua 52 ngày tỉnh Hà Giang không ghi nhận trường hợp nhiễm mới. Các ca sau khi phát hiện đều truy vết y tế và khống chế, khoanh vùng không có lây lan ra cộng đồng. Hiện các ca nhiễm đã được y, bác sỹ tỉnh ta điều trị, chữa khỏi. Đặc biệt là không có ca tử vong vì dịch bệnh Covid-19.
Niềm vui của bà và cháu khi được sống ở "Vùng xanh" Hà Giang |
Tại Chốt kiểm dịch cầu Trì từ ngày 30.5 cho đến 18.9.2021 số người khai báo y tế: 177.734; số người cách ly 1.469; số người lấy mẫu xét nghiệm 6.525. Số xe ô tô phun khử khuẩn 80.093.
Trên tuyến biên giới từ đầu năm 2020 đến nay, lực lượng Biên phòng phối hợp với lực lượng khác đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn trên chục nghìn công dân 2 nước xuất, nhập cảnh trái phép. Đồng thời phối hợp với các ngành chức năng tổ chức cách ly theo quy định.
Trẻ em được tung tăng nô đùa |
Những con số biết nói trên không phải tự nhiên có, mà trải qua quá trình tu dưỡng, rèn luyện, học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được cụ thể hóa bằng những việc làm thiết thực của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những người trên tuyến đầu chống dịch Covid-19. Và anh Huyến, anh Dưỡng, anh Dương đại diện cho hàng trăm, hàng nghìn đồng chí như vậy đang cố gắng vì Hà Giang bình yên.
Kết quả chống dịch đạt được là cơ sở để tỉnh ta quyết tâm bảo vệ và giữ “vùng xanh” cho tỉnh nhà. Đây là cơ sở để Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH, văn hóa, du lịch theo các nghị quyết chuyên đề mà BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVII đã đề ra.
Thực hiện: Lê Lâm
Ảnh: Tư liệu & CTV