Những người "giữ lửa" cho văn hóa dân tộc Mông trên Cao nguyên đá
BHG- Miền đất cực Bắc của Tổ quốc ẩn chứa những nét nguyên sơ bản địa, nơi chứa đựng những mảng màu riêng biệt của đồng bào dân tộc Mông. Giữ vai trò rất quan trọng trong việc duy trì sự tồn tại và phát triển của di sản văn hóa phi vật thể, những nghệ nhân dân gian đã tạo nên sự gắn kết, hòa quyện giữa văn hóa truyền thống dân tộc Mông với đất và người Cao nguyên đá. Họ là linh hồn, là người “giữ lửa” trực tiếp tham gia lưu giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Đội Nghệ nhân thôn Tả Lủng B, xã Tả Lủng, Mèo Vạc trong một buổi tập luyện. |
Là người con của dân tộc Mông sinh ra và lớn lên tại xã Pả Vi huyện Mèo Vạc, ông Ly Mí Ná được nhiều người biết đến là một Nghệ nhân bảo tồn văn hóa dân tộc. Ông cũng có công lớn trong việc sưu tầm và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của người Mông. Hàng ngày, ông Ná đều tự tay làm các nhạc cụ dân tộc như khèn Mông, nhị, sáo Mông và cũng chơi tốt tất cả các loại nhạc cụ này. Với vốn kiến thức và kinh nghiệm, ông thường truyền dạy cho bà con trong thôn những điệu khèn, lời ca, câu hát để góp phần lan tỏa bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Ông Ná được sinh ra trong gia đình có truyền thống văn hóa nên đã được cha dạy thổi khèn, làm nhiều loại nhạc cụ. Những điệu khèn, câu dân ca của người Mông đã thấm đượm vào ông từ khi còn nhỏ. Những lúc nông nhàn, bà con thôn Pả Vi Hạ lại đến nhà ông để được nghe những chia sẻ, truyền dậy về những nhạc cụ truyền thống như sự tích cây khèn Mông, cách lấy hơi, đá chân sao cho nhịp nhàng mà vẫn giữ được âm điệu... Ông Ná tâm sự: “ Với người Mông, tiếng khèn thiêng liêng và gắn bó nhất với đời sống. Tiếng khèn có nhiều chủ đề như tiếng khèn vui người Mông gọi bạn đi chơi Xuân, chơi hội, gọi bạn xuống chợ, chúc nhau những điều may mắn. Để thổi khèn hay thì phải đam mê, chịu khó học hỏi thì tiếng khèn mới tinh tế, da diết”. Trong những buổi như vậy thường thu hút rất đông bà con tham gia, chăm chú lắng nghe. Cũng chính từ đó, những nét văn hóa truyền thống ngày càng thấm đượm trong mỗi người.
Ở thôn Pả Vi Hạ, dưới những ngôi nhà trình tường, là cuộc sống của bao thế hệ người Mông. Đó cũng là nơi các thành viên của đội Nghệ nhân dân gian của thôn do ông Ná làm chủ nhiệm thường xuyên họp mặt. Họ kể cho nhau nghe những câu chuyện sinh hoạt đời thường, chia sẻ kinh nghiệm gieo trồng, lên nương làm rẫy... Rồi hỏi thăm nhau xem công tác tập luyện, những bài hát, điệu múa. Đó là cách mà các thành viên xây dựng đội văn nghệ của thôn ngày càng phát triển bền vững, lại hòa hợp tình làng nghĩa xóm. Hiện nay, đội Nghệ nhân dân gian thôn Pả Vi Hạ có hơn 30 thành viên. Tất cả đều là những người yêu ca hát, say mê văn nghệ. Sau hơn 2 năm thành lập, đội đã phát huy hiệu quả góp phần tích cực trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Nhờ các buổi sinh hoạt thường xuyên, đồng bào thêm quý mến những nét đẹp văn hóa của cha ông mình. Tuy tuổi đã cao, nhưng trong những buổi tập luyện đó ông Ná chưa bao giờ vắng mặt. Công việc của người Mông quanh năm vẫn thế, luôn cày xới, gieo hạt ngô, hạt thóc bắt đá nảy mầm để thu về những hạt vàng nặng chĩu trên vai. Và sau những giờ lao động vất vả trên nương, tiếng khèn, những câu hát lại được cất lên khoan thai, da diết, trầm bổng như xua đi cái mệt nhọc, vất vả.
Mỗi khi lên nương, nghệ nhân Ly Mí Ná vẫn thường mang theo cây khèn bên mình. |
Còn đối với ông Mua Chá Trình ở thôn Tả Lủng B, xã Tả Lủng, huyện Mèo Vạc cũng là một Nghệ nhân có uy tín và được mọi nhiều người kính trọng. Ông thường xuyên tham gia và dành nhiều công sức chỉ bảo, uốn ắn cho các thành viên của đội văn nghệ dân gian của thôn. Ngoài ra, trong những buổi sinh hoạt cũng là dịp để ông chia sẻ vốn hiểu biết phong phú, nhất là về phong tục, tập quán cho lớp trẻ gìn giữ, phát huy phong tục truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình. Cùng với những thay đổi của cuộc sống, không ít những nét văn hóa truyền thống của người dân đang dần bị mai một, nhưng văn hóa truyền thống dân tộc Mông sẽ không dễ dàng mất đi khi những người Mông trẻ tuổi vẫn còn tình yêu với những điệu dân ca Mông mượt mà đằm thắm. Nghe lời khuyên của ông, người dân thôn Tả Lủng B đã xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, tập trung vào phát triển kinh tế và đời sống văn hóa, tinh thần xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Do đó nhiều thành viên trong đội trở thành những “cây văn nghệ” xuất sắc tham gia biểu diễn tại các ngày hội lớn do huyện Mèo Vạc tổ chức như Lễ hội vỗ Mông, Chợ tình Khâu Vai và là các hạt nhân chính trong các hoạt động văn hóa văn nghệ tại địa phương.
Để thắp lửa cho văn hóa Mông ngày càng phát triển và trường tồn đến thế hệ mai sau. Hơn ai hết, chính những Nghệ nhân như ông Ly Mí Ná, Mua Chá Trình đang giữ vai trò kết nối giữa quá khứ với hiện tại, tương lai. Họ đang ngày đêm lặng lẽ góp phần giữ hồn văn hóa của người Mông, trong nhịp sống đầy màu sắc ở vùng cao nguyên đá. Từ đó nhên lên lòng tự hào, tinh thần trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc gìn giữ bản sắc của dân tộc mình. Và cứ như thế, nhịp cầu văn hóa nối trên miền Cao nguyên đá này chẳng khi nào đứt gãy.
PHẠM HOAN
Ý kiến bạn đọc