Trải nghiệm kỹ thuật dệt vải lanh của người Mông trên Cao nguyên đá
BHG - Với gần 40 công đoạn để làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh từ cây lanh và tất cả đều được thực hiện bằng phương pháp thủ công truyền thống, Kỹ thuật trồng lanh và dệt vải lanh của phụ nữ Mông trên Cao nguyên đá đã được Bộ VHTT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Một ngày cuối tuần trước thềm Lễ hội văn hóa dân tộc Mông toàn Quốc lần thứ hai, chúng tôi đã có những trải nghiệm thú vị với công việc dệt vải lanh; những sản phẩm độc đáo được tạo ra từ đôi bàn tay khéo léo, tinh tế của người phụ nữ Mông trên Cao nguyên đá không chỉ phục vụ cho cuộc sống hàng ngày mà đang trở thành sản phẩm du lịch, được du khách trong và ngoài nước yêu thích.
Quay sợi, một trong những công đoạn đầu tiên khi những sợi lanh đang ở dạng thô, giúp các sợi lanh vào con quay một cách “Nề nếp”.
Việc lăn sợi sẽ giúp sợi lanh mềm hơn khi dệt, sau khi dệt xong, những tấm vải lanh dạng thô sẽ tiếp tục được lăn thêm nhiều lần để giúp tấm vải được trắng và sáng bóng.
Người Mông có câu hát “Gái đẹp không biết làm lanh cũng xấu/Gái xinh chưa biết cầm kim là hư…”, những cô gái người Mông đến tuổi trưởng thành đều có thể dệt vải lanh thành thạo ở tất cả các công đoạn.
Nhiều phụ nữ người Mông lớn tuổi vẫn miệt mài tạo ra những sản phẩm dệt lanh độc đáo.
Bên cạnh những sản phẩm thêu, vẽ bằng những hoa văn gắn với đời sống văn hóa người Mông, thì ngày nay, nhiều sản phẩm được tạo ra theo đơn đặt hàng của khách.
Sản phẩm từ vải lanh thu hút sự quan tâm, tìm hiểu của nhiều du khách nước ngoài.
Nghề dệt vải lanh được truyền từ đời này sang đời khác, em Giàng Thị Mo, 14 tuổi, xã Lùng Tám (Quản Bạ) đã có thể thực hiện nhiều công đoạn trong kỹ thuật dệt vải lanh sau 1 năm được học nghề.
BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc