Những đôi tay khéo léo
BHG - Trong chuyến công tác lên với Cao nguyên đá Đồng Văn lần này, chúng tôi chọn ghé thăm những làng nghề truyền thống của người Mông để cảm nhận rõ hơn về nhịp sống, sự khéo léo và tinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số nơi miền cực Bắc của Tổ quốc.
Cao nguyên đá Đồng Văn trải dài trên 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc với dân số chủ yếu là đồng bào người Mông. Trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, người Mông vẫn kiên cường bám trụ trên miền đá xám để sinh tồn; ở đó, những công việc hàng ngày để tạo ra vật dụng, nông cụ phục vụ cho cuộc sống như: Trồng lanh dệt vải để may quần áo, đúc lưỡi cày, đan quẩy tấu, làm khèn... đã thể hiện được sự tinh tế, đôi tay khéo léo và sáng tạo của người dân.
Điểm dùng chân đầu tiên của đoàn công tác chúng tôi là Làng nghề dệt vải lanh Lùng Tám (Quản Bạ). Đây là làng nghề dệt vải lanh duy nhất của người Mông trên Cao nguyên đá, không chỉ được du khách cả nước biết đến mà còn nổi tiếng khắp 20 nước tận trời Âu. Những đơn đặt hàng thường xuyên của khách trong và ngoài nước đã mang về nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên. Nếu du khách chỉ nhìn thấy một sản phẩm dệt lanh đã hoàn chỉnh với hoa văn đẹp, bắt mắt thì chắc chắn chưa thể hình dung được nhưng giọt mồ hôi, sự kỳ công, khéo léo và tâm huyết mà những người phụ nữ Mông gửi gắm vào sản phẩm của mình. Chị Vàng Thị Mai, Giám đốc HTX dệt lanh Lùng Tám, chia sẻ: “Để làm được một sản phẩm từ cây lanh, chúng tôi phải trải qua gần 40 công đoạn từ thu hái nguyên liệu, tước vỏ, phơi khô, giã nát, nối sợi, luộc tro nghiến, lăn sợi, dệt, nhuộm chàm, vẽ sáp ong... Nhiều công đoạn phải làm đi làm lại nhiều lần thì sợi lanh mới đạt được độ trắng, đẹp. Ở mỗi công đoạn lại đòi hỏi người phụ nữ phải khéo léo, tỷ mỉ và thực hiện hoàn toàn bằng phương pháp thủ công; trong đó giai đoạn tạo hình, thêu hoa, vẽ sáp ong và tạo màu thành phẩm là quan trọng và đòi hỏi sự khéo léo, tinh xảo nhất. Hiện nay, theo nhu cầu của khách hàng, sản phẩm dệt không chỉ có áo, váy mà HTX còn may cả túi xách, khăn, gối...
Quay sợi lanh, một trong nhưng công đoạn của quy trình dệt ở HTX dệt lanh Lùng Tám (Quản Bạ). |
Chia tay Lùng Tám với ấn tượng về những hoa văn sắc nét, tinh xảo trên những bộ sản phẩm rực rỡ màu sắc, chúng tôi tìm về thôn Tả Cổ Ván, xã Hố Quáng Phìn (Đồng Văn) để được tận mắt chứng kiến những nghệ nhân khéo léo tạo ra những chiếc khèn Mông độc đáo. Hình ảnh những chàng trai người Mông điêu luyện trong điệu múa khèn, cùng tiếng khèn tha thiết, xốn xang ở những buổi chợ phiên làm say lòng du khách dù đã trở nên quen thuộc nhưng khi được “mục sở thị” kỹ thuật chế tác khèn Mông, tôi càng khâm phục hơn đôi bàn tay khéo léo của họ. Mỗi ngày, những nghệ nhân chế tác khèn Mông phải tỉ mẩn, khéo léo thực hiện nhiều công đoạn, từ việc chọn được cây thông tốt để làm bầu, khéo léo tạo dáng cho bầu, chọn ống làm khèn là những thân trúc già, thẳng, đẹp, để khô mới tiện lỗ, lắp ráp lại với thân khèn; vỏ cây đào rừng dùng làm dây cuốn quanh thân khèn. Phải cẩn thận chọn lựa nguyên liệu kỹ lưỡng và lắp ráp bằng một tỷ lệ kỹ thuật chuẩn xác mới có thể cho ra được một chiếc khèn có tiếng thổi hay. Điều kỳ diệu là những Nghệ nhân chế tác khèn Mông đều làm theo kinh nghiệm, không dùng đến thước, chỉ đo bằng tay, ước lượng bằng mắt nhưng độ chính xác rất cao. Để hoàn thành một chiếc khèn Mông, người Nghệ nhân mất gần 10 ngày. Tại Festival khèn Mông lần thứ nhất năm 2011, chiếc khèn Mông của Hà Giang đã được xác nhận kỷ lục Guinness Việt Nam là chiếc khèn Mông lớn nhất với chiều cao 10 m, dài 12 m; có tỷ lệ lớn gấp 10 lần so với chiều cao, chiều dài và lớn gấp 100 lần so với thể tích chiếc khèn bình thường của người Mông Hà Giang, nhưng khi thổi có thể đảm báo âm thanh như những chiếc khèn bình thường khác. Việc chế tác khèn Mông mới nghe thì rất đơn giản với sự kết hợp của 6 ống trúc và 1 bầu cộng hưởng; nhưng để làm ra chiếc khèn đạt chuẩn âm thanh là cả một sự khéo léo của đôi tay và con mắt tinh tường. Hiện tại, cả xóm Tả Cồ Ván có gần 30 gia đình làm khèn, những chiếc khèn Mông đã theo chân du khách vè tận những miền đất xa xôi so với nơi sản sinh ra nó. Được biết, kỹ thuật trồng lanh và dệt vải lanh, nghệ thuật làm khèn Mông là 2 trong số những di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia của tỉnh Hà Giang.
Một ngày trước khi về lại thành phố Hà Giang, chúng tôi có mặt tại chợ phiên huyện Mèo Vạc. Ở đây, nhiều gian hàng là đặc sản của miền sơn cước đều hấp dẫn du khách, tuy nhiên, gian hàng bán lưỡi cày của những người đàn ông khiến chúng tôi ấn tượng hơn cả. Mèo Vạc là nơi nhiều người dân vẫn còn giữ được nghề rèn đúc truyền thống. Với người Mông trên Cao nguyên đá, chiếc lưỡi cày, cây quốc, con dao quắm là những dụng cụ phục vụ cho sản xuất không thể thiếu trong mỗi gia đình. Đằng sau cuộc trò chuyện ở chợ phiên, tôi nhận ra sự tài hoa, tinh tế của người đàn ông Mông khi tự tay rèn đúc ra chiếc lưỡi cày độc đáo, có thể nhẹ nhàng lướt trên nương đá mà không bị sứt mẻ gì. Cũng giống như các làng nghề khác, để làm ra một sản phẩm rèn dúc, người nghệ nhân cũng trải qua nhiều công đoạn công phu, từ việc đi lấy đất sét ở các bờ suối cách nhà hàng km để chuẩn bị khuôn đúc, lò đúc, nồi đúc, đến chuẩn bị nguyên liệu. Điều đặc biệt khác với nghề rèn đúc của người dân miền xuôi là lưỡi cày của người Mông được đúc bằng than củi, được thổi gió từ trên xuống, chiếc lưỡi cày nhỏ, mũi cong, có độ bền, sắc bén, cứng và có thể lướt dễ dàng trên những nương đá. Những người làm nghề rèn lâu năm ở Mèo Vạc chia sẻ: Để rèn được lưỡi cày tốt phải có kỹ thuật, bí quyết riêng, loại sắt chọn làm lưỡi cày cũng phải loại tốt, đó là các loại phụ tùng máy móc cũ được tuyển chọn kỹ càng.
Nếu người phụ nữ Mông khéo léo, tinh tế tạo ra những sản phẩm dệt lanh độc đáo thì người đàn ông Mông mộc mạc, chân thành cùng tài hoa không kém, họ có thể chế tác ra những chiếc khèn Mông làm trái tim ai xao xuyến, những chiếc lưỡi cày mang về những mùa bội thu. Không thể nói hết những giá trị cả về vật chất và văn hóa mà các làng nghề truyền thống của người Mông trên Cao nguyên đá mang lại. Chỉ biết rằng, thế hệ hôm nay, cần có giải pháp hiệu quả để bảo tồn và phát huy những nét đẹp truyền thống đó, để sự tinh tế, khéo léo trong cuộc sống của đồng bào Mông mãi mãi được giữ gìn.
BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc