Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mông
BHG- Cao nguyên đá Đồng Văn trải dài qua 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn, là địa bàn cư trú chủ yếu của người Mông. Những năm qua, cùng với các chính sách đầu tư phát triển kinh tế, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo; tỉnh ta đã có nhiều chương trình, đề án, giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông nơi đây, góp phần làm nên một Hà Giang đa sắc màu văn hóa.
Dệt vải lanh tại Tuần văn hóa Lễ hội Chợ tình Khau Vai. Ảnh: TƯ LIỆU |
Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, các ngành cụ thể hóa từ công tác chỉ đạo, đến việc triển khai thực hiện hiệu quả tại cơ sở. Ngày 29.3.2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 62 – CTr/TU về phát triển văn hóa gắn với du lịch, giai đoạn 2013 – 2020; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 132/KH-UBND ngày 26.7.2013 triển khai thực hiện Chương trình số 62 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, chỉ đạo các cấp, các ngành gắn công tác phát triển du lịch với việc khai thác, bảo tồn các giá trị văn hóa; các địa phương đầu tư khôi phục các làng nghề truyền thống, các lễ hội; đặc biệt từ khi Cao nguyên đá Đồng Văn góp mặt vào mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu đã có hàng trăm ngàn lượt du khách đến Cao nguyên đá mỗi năm với mong muốn trải nghiệm, tìm hiểu, khám phá những giá trị văn hóa gắn liền với đời sống của người dân bản địa,... thì các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Mông càng được quan tâm, đầu tư bảo tồn và gìn giữ.
Ngoài việc đầu tư, tôn tạo, trùng tu các công trình kiến trúc, nghệ thuật mang đậm nét văn hóa của người Mông như: Phố cổ Đồng Văn, Dinh thự nhà Vương... Các chương trình, dự án được ưu tiên đầu tư phát triển gắn với đời sống văn hóa người Mông như: Khuyến khích phát triển các làng nghề truyền thống: Nghề dệt lanh thổ cẩm Lùng Tám (Quản Bạ), nghề chế tác khèn Mông ở Hố Quang Phìn (Đồng Văn), nghề rèn, đúc, nghề đan quẩy tấu ở Mèo Vạc, việc đầu tư phát triển các làng nghề vừa bảo tồn văn hóa vừa tạo ra sinh kế cho người dân. Các đề án về nâng cao hiệu quả công tác quản lý chợ, phát triển kinh tế biên mậu vừa để phát triển thương mại, tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, đồng thời cũng là để bảo tồn văn hóa; bởi chợ phiên được ví như “Bảo tàng sống” về sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Mông. Một số chợ phiên đặc trưng thu hút nhiều sự quan tâm, tìm hiểu của du khách như: Chợ trung tâm huyện Đồng Văn, chợ Lũng Phìn, Sà Phìn, Phố Cáo (Đồng Văn), Chợ trung tâm huyện Mèo Vạc, các chợ biên mậu như Phố Bảng (Đồng Văn), Bạch Đích (Yên Minh). Bên cạnh đó, việc phát huy vai trò của Hội Nghệ nhân dân gian và mở các lớp truyền dạy khèn Mông cho thế hệ trẻ được xem là cách để “gửi gắm” văn hóa dân tộc mình cho thế hệ mai sau. Việc bảo tồn văn hóa bằng cách khôi phục và phát triển các lễ hội đặc sắc mang đậm nét văn hóa riêng của người Mông cũng mang lại hiệu quả rõ nét như: Lễ hội vỗ mông ở Mèo Vạc, Lễ hội Gầu Tào, Lễ hội Chợ tình Khau Vai, Lễ hội khèn Mông, Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông, Lễ hội hoa Tam giác mạch... gắn với nhiều hoạt động văn hoá độc đáo tại lễ hội như: Thi dệt vải lanh, múa khèn, các trò chơi gian gian, hát dân ca, dân vũ, thi người đẹp dân tộc Mông trình diễn trang phục dân tộc đẹp; giới thiệu về lễ nghi ăn hỏi, ma chay, kỹ thuật “Cày trên nương đá”, thổ canh hốc đá, xếp tường rào đá; đan quẩy tấu, kỹ thuật đúc lưỡi cày; ý nghĩa về cây lanh, cây khèn Mông trong đời sống sinh hoạt, tâm linh và quy trình dệt thành tấm vải lanh hoàn chỉnh, hay chế tác khèn Mông; đặc biệt là giao lưu ẩm thực với chảo thắng cố nghi ngút khói, chén rượu ngô chếnh choáng và bát mèn mén ấm lòng. Việc tổ chức các hoạt động trong các lễ hội không chỉ góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mông mà còn giáo dục tinh thần đoàn kết, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đồng thời là dịp để các Nghệ nhân, diễn viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, giới thiệu giá trị văn hóa, lễ hội truyền thống với du khách.
Trong tổng số 12 di sản văn hóa phi vật thể (VHPVT) của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được công nhận là Di sản VHPVT Quốc gia, văn hóa người Mông góp mặt các di sản: Lễ hội Gầu Tào, Nghệ thuật khèn Mông, kỹ thuật trồng lanh và dệt vải lanh; Tri thức canh tác hốc đá của cư dân Cao nguyên đá Hà Giang. Hiện nay, UBND tỉnh và ngành chức năng đang phối hợp với các Bộ, ngành tích cực lập hồ sơ trình UNESCO công nhận “Tri thức canh tác hốc đá của cư dân Cao nguyên đá Hà Giang” là di sản VHPVT đại diện của nhân loại.
Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú, sự vào cuộc của chính quyền địa phương và tham gia tích cực của người dân trong bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số đang góp phần giữ lại những nét đẹp văn hóa trong cộng đồng người Mông trước sự phát triển và du nhập ồ ạt, không có chọn lọc của văn hóa ngoại lai.
Chiếm trên 32% dân số toàn tỉnh, sở hữu nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc vẫn còn vẹn nguyên, Cao nguyên đá Đồng Văn tự hào là quê hương của người Mông trên cả nước.
BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc