Cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn chống phá cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 của các thế lực thù địch, phản động

21:37, 25/03/2016

BHG- Đối với mỗi người dân Việt Nam, bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp là dịp thể hiện quyền công dân cao nhất, bằng việc lựa chọn người đủ đức, đủ tài làm đại diện cho mình. Đối với Nhà nước, cuộc bầu cử lần này nhằm tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển kinh tế nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Có thể nói, đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thể hiện sự phát triển, đổi mới của đất nước, sự sáng suốt, tin tưởng và sự kỳ vọng của nhân dân vào cơ quan đại diện quyền lợi cho họ.

Để cuộc bầu cử đạt được mục đích trên, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức đang ra sức chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ công tác bầu cử diễn ra đúng thời gian, an toàn và đạt kết quả cao nhất. Tuy nhiên, cứ mỗi lần đất nước ta có những hoạt động chính trị quan trọng thì các thế lực phản động, thù địch luôn tìm cách chống phá Đảng, phá hoại chế độ và sự nghiệp đổi mới của Nhà nước, nhân dân ta. Vì thế, bên cạnh việc chuẩn bị cơ sở vật chất, nắm vững nguyên tắc, quy định bầu cử, sắp xếp thời gian... chúng ta phải nâng cao cảnh giác trước những âm mưu của các phần tử bất mãn, phản động phá hoại hoạt động trọng đại, đầy ý nghĩa này.

Qua các cuộc bầu cử trước đây và việc tổ chức Đại hội Đảng các cấp vừa qua cho thấy, bằng chiến lược “Diễn biến hoà bình” các thế lực thù địch đã sử dụng nhiều thủ đoạn để chống phá ta với phương thức ngày càng tinh vi và cường độ ngày một điên cuồng hơn. Vì vậy, trước hết cán bộ, chiến sỹ và nhân dân các dân tộc tỉnh ta cần cảnh giác với thủ đoạn tung tin, dựng chuyện chia rẽ đoàn kết nội bộ, gây nghi ngờ lẫn nhau, đây là mục tiêu tiên quyết của các thế lực thù địch nhằm thực hiện cho được âm mưu “Diễn biến hòa bình”. Trong khi đó, đặc điểm chung của hoạt động bầu cử luôn có sự phân bổ số lượng đại biểu cũng như được phản ánh bằng lá phiếu, nên các thế lực phản động lợi dụng dựng chuyện cho rằng thiếu “công bằng”, thiếu “đồng đều” giữa các vùng miền hay dân tộc; đặc biệt hơn, chúng dựng lên những phe, nhóm để suy đoán và tạo “diễn đàn” ủng hộ “một phe nhóm vô hình” do chúng đặt ra nhằm thu hút cộng đồng bày tỏ quan điểm, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Ở tỉnh Hà Giang, do có nhiều dân tộc anh em với sự đa dạng và phong phú về văn hóa, với những bản sắc riêng, nhưng dưới sự lãnh, chỉ đạo sáng suốt, kịp thời, sâu sát của các cấp uỷ Đảng, khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn luôn được giữ vững. Dù vậy, chúng ta vẫn cần phải nêu cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn thâm độc, tinh vi, xảo quyệt của kẻ thù luôn tìm cách “bới móc”, “bịa đặt” để gây mâu thuẫn, tìm cách chia rẽ các dân tộc, đặc biệt trong dịp bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Chúng ta cần cảnh giác với thủ đoạn kích động, khoét sâu vào những hạn chế trong quản lý nhà nước, tung tin vu cáo cán bộ lãnh đạo. Các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị luôn tập trung vào một số hạn chế, khuyết điểm như: Nạn tham nhũng, lãng phí... để kích động dư luận bày tỏ thái độ bất mãn, làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng và các cơ quan Nhà nước, từ đó phủ nhận những thành tựu to lớn mà chúng ta đã đạt được. Đồng thời tăng cường việc vu cáo, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, các cán bộ đứng đầu chính quyền địa phương, đặc biệt những người được đề cử bầu vào đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; từ đó hạ thấp uy tín các đại biểu, phủ nhận vai trò của cơ quan quyền lực cao nhất... Ở tỉnh ta, cũng từng có nhiều vấn đề bị các thế lực phản động lợi dụng, chúng tập trung vào những vụ án cũ đã được giải quyết, xoáy vào những khuyết điểm của một số cán bộ thiếu gương mẫu  để “quy chụp” cho nhiều cán bộ, nhiều đại biểu của nhân dân; nguy hiểm hơn, chúng tìm cách khai thác đời sống riêng tư, sử dụng công nghệ thông tin cắt ghép hình ảnh về gia đình của một số “cán bộ tỉnh” nhằm gây dư luận không tốt, gây hoài nghi cho quần chúng nhân dân.

Bằng những thủ đoạn khai thác thông tin, nắm bắt những vụ việc, vụ án chưa được giải quyết dứt điểm trên địa bàn tỉnh, chúng kích động người dân phát tán đơn thư, tìm cách xúi giục khiếu kiện đông người; đặc biệt bọn chúng đánh vào tâm lý nôn nóng của một bộ phận dân cư, sự thiếu hiểu biết về pháp luật, để tích cực hỗ trợ người dân khiếu kiện đông người và vượt cấp nhằm phá hoại các hoạt động lớn của dân tộc và mượn những hình ảnh đó tiếp tục xuyên tạc không đúng về tình hình trong nước để kêu gọi can thiệp từ bên ngoài. Thực tiễn từ nhiều vụ việc cho thấy, phần lớn người dân nhận thức hạn chế và những yêu cầu của họ chưa phải bức thiết để tụ tập khiếu kiện vượt cấp mà chủ yếu do bị các phần tử xấu kích động. Nguy hại hơn, nhiều người dân không biết mình bị lợi dụng, không nhận thấy âm mưu thâm độc của kẻ thù đang mượn việc làm của họ để phá hoại sự nghiệp của dân tộc do nhiều thế hệ cha ông đã đổ xương máu mới giành lại được. Vì vậy, để ngăn chặn các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề này, các cơ quan Nhà nước cần làm tốt trách nhiệm của mình trong giải quyết quyền lợi chính đáng cho nhân dân, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích cho người dân về pháp luật và âm mưu của các thế lực phản động, thù địch... Trong điều kiện của Hà Giang là tỉnh miền núi, nhận thức của nhân dân không đồng đều, nắm luật pháp, cũng như quy trình giải quyết khiếu kiện của các cơ quan chức năng chưa đầy đủ, nên dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng kích động, dẫn tới có thể nảy sinh một số vụ việc đáng tiếc.

Mặt khác, trong vài năm gần đây, do nhu cầu về việc làm và thu nhập, tình trạng người dân tỉnh ta xuất cảnh qua biên giới lao động tự do có xu hướng gia tăng (năm 2015 có 23.226 người), làm ảnh hưởng đến quá trình tham gia thực hiện quyền công dân trong bầu cử, khó được đầy đủ; mặt khác, khi con người bị chi phối về kinh tế thì cũng có thể bị chi phối, xúi giục về mặt tư tưởng từ các phần tử cơ hội, phản động dẫn tới nguy cơ bị kẻ xấu lợi dụng chống phá. Do đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân để tất cả công dân đều tham gia thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của mình; đẩy mạnh thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, tạo việc làm tại chỗ, giúp người dân ổn định, nâng cao cuộc sống, yên tâm gắn bó với quê hương.

Bên cạnh những âm mưu, thủ đoạn chống phá đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nêu trên, chúng ta cũng cần cảnh giác với chiêu bài của các thế lực phản động, thù địch như gia tăng các hoạt động phỏng vấn, trao đổi quan điểm đối với phần tử bất mãn qua đó khẳng định vai trò của cơ quan đại diện cho nhân dân là Quốc hội, từ đó đặt ra vấn đề “đưa Quốc hội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản”... Đây là thủ đoạn thâm độc mà mục đích cuối cùng của chúng là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan Nhà nước, qua đó từng bước thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”. Vì vậy, chúng ta cần nâng cao cảnh giác với âm mưu của chúng, đặc biệt trên các phương tiện thông tin, các trang mạng xã hội như facebook, twitte... với sự tham gia của phần lớn bạn trẻ nhận thức thiếu sâu sắc và có phần nông nổi dễ bị kẻ xấu lợi dụng.

Những thủ đoạn trên chỉ là một số âm mưu mà các thế lực thù địch đã và đang triển khai chống phá cách mạng Việt Nam cũng như trên địa bàn tỉnh ta, nhất là trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021. Vì thế, các cấp ủy, chính quyền cần cảnh báo sớm cho người dân về những âm mưu đó, đồng thời tuyên truyền vận động, giúp cho nhân dân hiểu đúng về quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; nêu cao trách nhiệm của mình, hết sức phụng sự nhân dân. Đối với mỗi người dân cần  nhận thức, đặt lợi ích cá nhân dưới lợi ích của dân tộc, đất nước, tránh vì lợi ích trước mắt mà ảnh hưởng tới lợi ích lâu dài của cộng đồng, dân tộc; góp phần bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, xây dựng đất nước Việt Nam không ngừng phát triển với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Sèn Chỉn Ly

Ủy viên BTV, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Luật Tổ chức chính quyền địa phương

29/02/2016
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân

24/02/2016
Họp Tiểu ban đảm bảo phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021

BHG- Ngày 22.3, Tiểu ban đảm bảo phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 của tỉnh đã tổ chức cuộc họp, đánh giá tiến độ công tác chuẩn bị phục vụ và triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm của tiểu ban. Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Tiểu ban đảm bảo phục vụ Ủy ban Bầu cử tỉnh chủ trì cuộc họp.

23/03/2016
Hỏi- đáp bầu cử: Về việc làm tròn số khi xác định tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện

Hỏi: Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia nhận được Công văn số 164/SNV-XDCQ &CTTN ngày 20/02/2016 của Sở Nội vụ tỉnh Sơn La đề nghị hướng dẫn về việc làm tròn số khi xác định tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân đối với huyện có trên 40 nghìn dân và đối với xã có trên 04 nghìn dân.

23/02/2016