Vượt lên số phận, trở thành điểm tựa của gia đình
BHG- Năm 23 tuổi, chàng thanh niên trẻ Ma Văn Dụng (sinh 1966) ở thôn Me Hạ, xã Vô Điếm (Bắc Quang) tạm biệt những người anh em, bạn bè cùng trực gác bảo vệ biên giới Vị Xuyên để trở về quê hương do vết thương nặng trong quá trình lao động. Với thương tật xếp loại 1/4, 81 %, bị mất hẳn một chân phải, nhưng người thanh niên giàu nghị lực ấy vẫn mạnh mẽ vượt lên trên số phận, trở thành tấm gương tiêu biểu về phát triển KT-XH không chỉ cho những thương binh khác noi theo, mà tất cả chúng ta đáng ngưỡng mộ.
Dù chỉ có 1 chân, nhưng thương binh Ma Văn Dụng vẫn leo đồi trồng rừng, biến hơn 1 ha đồi tạp thành đồi keo xanh mướt. |
Trên con đường trơn trượt đất đỏ vì trời mưa những ngày tháng 7 vào thôn Me Hạ, hỏi thăm người dân trong thôn về người thương binh Ma Văn Dụng, ai cũng hết lòng khen ngợi về ý chí của ông. Tháng 3.1988, người thanh niên Ma Văn Dụng rời quê hương Vô Điếm lên đường nhập ngũ và đóng quân tại biên giới Việt - Trung, xã Minh Tân (Vị Xuyên) trong niềm nhớ thương, chia ly của người vợ trẻ. Tháng 10.1988, ông chuyển sang đóng quân ở Trung đoàn 247. Tháng 5.1989, trong lần lao động ở Trung đoàn, bị cây đổ vào người khiến ông bị thương nặng, mất máu nhiều dẫn đến hôn mê sâu hơn 1 tuần. Suốt thời gian vài tháng, được anh em, bạn bè giúp đỡ đưa xuống Hà Nội cứu chữa. Tính mạng ông giữ được nhưng chân phải bị chấn thương nặng, buộc phải tháo khớp háng, mất đi toàn bộ chân phải. Tháng 11.1991, ông trở về quê nhà dưỡng bệnh. Khi đó, điều kiện gia đình đã khó càng thêm khó khăn. Ông thương mình một, nhưng nghĩ thương vợ mười phần, khi gánh nặng cơm áo đè thêm lên đôi vai bà . Làm gì để bảo đảm cuộc sống khi chính bản thân mình đang bị “què quặt”, đến đi còn đang dò dẫm từng bước là câu hỏi luôn trăn trở ông. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thương binh tàn nhưng không phế”. Quyết tâm vượt lên nghịch cảnh, ông Dụng bàn với vợ bắt đầu chăn nuôi lợn, trồng rừng gây dựng kinh tế. Những ngày đầu khó khăn vất vả, hai vợ chồng cả ngày lăn lộn trồng cây, làm cỏ và chăn nuôi lợn, gà, vịt. Nhưng vì thiếu kinh nghiệm, thiếu sức khỏe nên thời gian đầu ông gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi lần vết thương tái phát do trái gió trở trời, tưởng như đánh gục hết mọi hy vọng, nhưng tinh thần, nghị lực của người lính Cụ Hồ trở thành sức mạnh để ông và gia đình vươn lên. Việc bị mất đi một chân phải khiến việc di chuyển của ông thêm nặng nề và khó khăn, khi muốn làm kinh tế thì địa hình quanh nhà toàn đất dốc. Thế rồi, từng bước tập đi, ngày càng luyện vững chãi với chiếc nạng. Ông tìm cách phát triển kinh tế rừng, kết hợp chăn nuôi lợn và gia cầm.
Chỉ một thời gian ngắn sau, người ta thấy một ông thương binh khệ nệ từng bước nặng nhọc, hết sức bình sinh dùng đôi tay chống nạng thoăn thoắt leo lên đồi đi trồng cây, phát cỏ, vượt bộ quãng đường không hề ngắn để đi làm nương. Thật khó để có thể hình dung ý chí kiên cường và trải nghiệm cách ông leo đồi núi một cách dẻo dai, chân phải vẫn chống nạng, ông thoăn thoắt dùng dụng cụ lao động để cuốc hố trồng cây, tỉa cành, chăm sóc rừng trồng. Thậm chí, khi chúng tôi theo ông lên thăm đồi cây đôi lúc còn phải đuổi theo. Với những thành quả của sự nỗ lực không chịu sự khuất phục của số phận, ông Dụng đã phủ quả đồi một màu xanh gỗ keo trải dài hơn 1 ha. Đây không phải diện tích quá lớn, có thể so sánh với sức làm của những người lành lặn, nhưng lại là “kỳ tích” với những người thương binh như ông. Trời đã không phụ công người, hiện nay, gia đình ông có hơn 1 ha đồi keo, hơn 200 con gà vịt, 3.500 m2 ruộng và mới bán đi 7 con trâu, gần 20 con lợn. Năm 2015, ông bán keo được hơn 70 triệu đồng, ngoài ra vợ chồng ông còn thầu ao nuôi cá của tập thể Hội Cựu chiến binh với diện tích hơn 1 ha, ao cứ 2 năm thu một lần, mỗi lần thu từ 7 tạ đến 1 tấn cá bán được hoảng 60 - 70 triệu. Mỗi năm, tổng gia đình ông Dụng thu nhập trên 90 triệu đồng. Ngôi nhà xây 2 tầng khang trang chính là thành quả sau những ngày tháng miệt mài của vợ chồng ông. Cùng đó, 4 người con của ông lần lượt được sinh vào các năm 1987, 1990, 1992, 1994 đều được ăn học đàng hoàng.
Nhớ lại lúc khó khăn, ông Dụng cho biết: “Có lúc định từ bỏ tất cả nhưng cuộc sống gia đình thôi thúc khiến tôi không thể ỷ lại. Trở về nhà với hai bàn tay trắng, mất hẳn 1 chân, sức khỏe yếu, khó khăn chồng chất khó khăn. Tôi luôn cố gắng để mình không trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội”. Phát huy phẩm chất, truyền thống tốt đẹp của người lính Cụ Hồ, ông Dụng còn luôn quan tâm giúp đỡ những người xung quanh, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, chấp hành nội quy, quy ước, đóng góp nghĩa vụ theo quy định của thôn, xã. Ngang qua những cánh rừng phủ một màu xanh của cây trồng mới thấy hết nghị lực vượt khó của ông Dụng. Anh Mai Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Vô Điếm, cho biết: “Là thương binh, nhưng ông Dụng là người có ý chí, quyết tâm cao, vượt khó làm giàu, vượt lên số phận, trở thành điểm tựa và niềm tự hào của gia đình. Là tấm gương sáng không chỉ cho các cựu chiến binh khác mà mỗi chúng ta cần noi theo”.
MỸ HẰNG
Ý kiến bạn đọc