Truyền thống của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang
3- Thời kỳ Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo phong trào cách mạng; Hà Giang dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Hà Giang:
Khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời (3-2-1930), dưới ánh sáng cách mạng của Đảng, tinh thần yêu nước của nhân dân các dân tộc Hà Giang như ngọn lửa được tiếp thêm dầu, bùng lên mạnh mẽ. Cán bộ của Đảng đến với dân, dân tìm đến Đảng để làm cách mạng.
Năm 1932, đồng chí Hồ Sanh đến sở Lục Lộ; năm 1933, đồng chí Lê Đình Tuyển đến làng Trần xã Đạo Đức huyện Vị Xuyên; năm 1936, đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh cán bộ Đảng của tỉnh Vĩnh Yên đến Hà Giang làm phụ hồ cho một chủ thầu rồi nấu bếp, dạy học cho con của viên thừa sát, làm thợ giặt ở một hiệu giặt quần áo cho lính Lê Dương; năm 1939 đồng chí Phạm Trung Ngũ đến xã Bằng Hành huyện Bắc Quang; năm 1943 đồng chí Tiến, đồng chí Thái cán bộ Việt Minh đến xã Hùng An huyện Bắc Quang, đồng chí Đặng Việt Hưng, đồng chí Hồng Quốc, đồng chí Hồng Đào, đồng chí Tô Vũ... vào khu vực Đường Âm (Bắc Mê), Đường Thượng (Yên Minh) để tuyên truyền vận động xây dựng cơ sở cách mạng. Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn phức tạp, nhưng với tinh thần yêu nước nồng nàn, tình yêu quê hương sâu nặng, chỉ trong một thời gian ngắn nhiều cơ sở cách mạng được hình thành từ Hùng An, khu Trọng Con, Gia tự (huyện Bắc Quang) đến Đường Thượng, Ngam La (huyện Yên Minh ), Thanh Vân, Nghĩa Thuận (huyện Quản Bạ), Đường m, Yên Phú (Bắc Mê), Vị Xuyên, Hoàng Su Phì... Lực lượng cách mạng của Hà Giang đã nhanh chóng phát triển, nơi nào cũng xây dựng được lực lượng du kích, tự vệ bao gồm những quần chúng tích cực đủ các thành phần dân tộc: Kinh, Tày, Dao, Nùng, Mông... Trong những năm 1944 – 1945, cùng với lực lượng vũ trang do xứ uỷ Bắc Kỳ tăng cường, lực lượng cách mạng của Hà Giang dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là các cán bộ Việt Minh, bằng nhiều hình thức đấu tranh khôn khéo, linh hoạt vừa đấu tranh chính trị, vừa đấu tranh vũ trang đánh Pháp đuổi Nhật, tiêu diệt quân Tưởng, dẹp trừ Thổ phỉ đã liên tiếp giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, giải phóng các huyện, thị xã. Đến ngày 25/12/1945 Hà Giang hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ, chính quyền cách mạng được thành lập.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), thực hiện lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân các dân tộc Hà Giang dưới sự lãnh đạo của Đảng đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ ra sức phát triển kinh tế, đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục tăng cường củng cố, xây dựng lực lượng vũ trang, thực hiện đường lối kháng chiến, toàn dân, toàn diện, chi viện sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhiều gia đình đã tự nguyện quyên góp ruộng đất, trâu, bò, tiền của cho cách mạng; hưởng ứng tuần lễ vàng, nông dân tích cực nộp thuế nông nghiệp, ủng hộ kháng chiến kiến quốc; động viên chồng và con, em lên đường kháng chiến giết giặc cứu nước. Trong những năm tháng kháng chiến đã có 1300 người vào bộ đội, nhiều người tham gia du kích. Nhân dân các dân tộc Hà Giang đã đóng góp được trên 27.500 tấn lương thực và hơn 1.800.000 ngày công phục vụ kháng chiến, được Bác Hồ gửi thư khen ngợi. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Bắc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta bước vào giai đoạn cách mạng mới, miền Bắc tiến lên xây dựng CNXH, miền Nam tiếp tục tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước để giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang đã quán triệt đầy đủ nhiệm vụ cách mạng, tiếp tục lãnh đạo nhân dân các dân tộc phát huy truyền thống cách mạng, dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu; cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất.
Giai đoạn 1955 – 1965 Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc Hà Giang tiến hành khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế – văn hoá – xã hội, thực hiện cuộc cải cách dân chủ với khẩu hiệu “Người cày có ruộng”, xoá bỏ áp bức, bóc lột của địa chủ phong kiến. Tiến hành việc thành lập, củng cố các tổ đổi công và hợp tác xã nông nghiệp. Đến năm 1958 toàn tỉnh có 3.185 tổ đổi công với 21.953 hộ tham gia, chiếm 68% số hộ nông dân. Đến năm 1963 đã có 56,4% số hộ nông dân trong tỉnh vào hợp tác xã, hoàn thành cải cách dân chủ ở vùng cao, giành lại cho hơn 10 vạn đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Nùng, Tày, Xuồng, Giấy... quyền làm chủ tư liệu sản xuất, hàng ngàn ha ruộng đất được chia cho đồng bào. Về giáo dục: đã tổ chức và đẩy mạnh phong trào xoá mù chữ, học bổ túc văn hoá, mở thêm các trường phổ thông ở khắp các huyện trong tỉnh. Năm 1963 huyện Bắc Quang, Thị xã Hà Giang và một số xã của huyện Vị Xuyên căn bản đã hoàn thành xoá mù chữ; công tác quốc phòng – an ninh được tăng cường, cuối năm 1959 – đầu năm 1960 Đảng bộ tỉnh cùng với khu uỷ và Trung ương Đảng lãnh đạo và chỉ đạo dập tắt vụ bạo loạn phản cách mạng ở Đồng Văn và mở chiến dịch tiễu phỉ cuối cùng ở Tây côn lĩnh. Cũng trong thời gian này các phong trào thi đua lao động sản xuất được đẩy mạnh đã thu được những thắng lợi to lớn trên các lĩnh vực, nhất là trên lĩnh vực giao thông đã huy động được nhiều nguồn lực để mở mang đường giao thông từ tỉnh lỵ đến Đồng Văn, Mèo Vạc; từ Bắc Quang đi Hoàng Su Phì, Xín Mần; từ huyện đến xã. Đến năm 1964 con đường Hạnh Phúc từ Hà Giang đi Đồng Văn, Mèo Vạc và con đường Lâm Đồng từ Bắc Quang đi Hoàng Su Phì, Xín Mần đã được khai thông. Xe ô tô đã chở dầu, muối, hàng hoá của cụ Hồ, của Chính Phủ đến với đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng rẻo cao. Ánh sáng của Đảng đã thắp sáng ngọn lửa, niềm tin trong trái tim mọi người. Một niềm vinh dự lớn lao đối với Hà Giang được Bác Hồ tặng cờ luân lưu về thành tích làm đường giao thông khá nhất miền Bắc và tặng thưởng 5 huân chương lao động cho 5 đơn vị.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hoà chung với khí thế sục sôi của cả nước, với khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả cho tiền tuyến”, “Sẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy truyền thống cách mạng, dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, đã không ngừng đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, tích cực đóng góp sức người, sức của chi viện cho miền Nam đánh Mỹ. Hàng vạn thanh niên, những người con ưu tú của đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang đã xung phong lên đường ra mặt trận, hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm, hàng vạn thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến với hàng triệu ngày công đóng góp cho chiến trường giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước. Hàng ngàn cá nhân và hàng trăm đơn vị của tỉnh đã được Bác Hồ, Quốc hội, Chính phủ tặng thưởng Huân chương chiến công các loại; 829 người con ưu tú của tỉnh đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường, 709 thương binh đã để lại một phần xương máu ngoài mặt trận. Công sức đó đã góp phần cùng với nhân dân cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
(Còn nữa)
(Theo Đề cương tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
Ý kiến bạn đọc