Sức sống mới bên dòng Lô
BHG- 125 năm đấu tranh, xây dựng và phát triển, từ một tỉnh nghèo nàn, lạc hậu, mảnh đất Hà Giang nơi địa đầu Tổ quốc đã có bước phát triển vượt bậc, đạt nhiều thành tựu to lớn trong phát triển KT-XH, AN-QP; đời sống của người dân từng bước được nâng cao, góp phần vào sự lớn mạnh của đất nước.
Một góc của thành phố Hà Giang nhìn từ đỉnh núi Cấm. |
Trải qua nhiều thăng trầm cùng lịch sử dân tộc với nhiều tên gọi khác nhau, đến năm 1887, thực dân Pháp đặt các địa phương dưới chế độ quân quản. Vùng đất Hà Giang thuộc khu quân sự thứ 2. Ngày 20.8.1891, toàn quyền Đông Dương ra quyết định chia khu quân sự thứ 2 thành 3 tiểu quân khu gồm: Lạng Sơn, Cao bằng, Hà Giang; chính quyền nhà Nguyễn thừa nhận tính pháp lý của quyết định này. Từ đây, Hà Giang chính thức có tên trên bản đồ theo đơn vị hành chính là một tỉnh của nước Việt Nam.
Lịch sử đấu tranh, xây dựng và phát triển của mảnh đất đầu nguồn sông Lô gắn liền với lịch sử đấu tranh và phát triển của đất nước. Ở đó, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và quyết tâm đánh thắng kẻ thù xâm lược luôn sục sôi trong trái tim mỗi con người. Đặc biệt, dưới ánh sáng cách mạng của Đảng, tinh thần yêu nước của nhân dân các dân tộc Hà Giang càng dâng cao như ngọn lửa. Chỉ trong một thời gian ngắn nhiều cơ sở cách mạng được hình thành, lực lượng cách mạng nhanh chóng phát triển. Đến ngày 25.12.1945, Hà Giang hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ, chính quyền cách mạng được thành lập.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhân dân các dân tộc Hà Giang đã vượt qua mọi khó khăn, tăng cường củng cố, xây dựng lực lượng vũ trang, chi viện sức người, sức của cho cuộc kháng chiến; đã có 1.300 người vào bộ đội, đóng góp trên 27.500 tấn lương thực và hơn 1.800.000 ngày công phục vụ kháng chiến. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc tiến hành khôi phục, cải tạo và phát triển KT-XH, thành lập, củng cố các tổ đổi công và hợp tác xã nông nghiệp; các phong trào thi đua lao động sản xuất diễn ra sôi nổi; một số địa phương trong tỉnh hoàn thành xoá mù chữ; huy động được nhiều nguồn lực để mở đường giao thông từ tỉnh lỵ đến các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc; từ Bắc Quang đi Hoàng Su Phì, Xín Mần; từ huyện đến xã. Bên cạnh đó, hàng vạn thanh niên, những người con ưu tú của đồng bào các dân tộc tỉnh nhà đã xung phong lên đường ra mặt trận; hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm được gửi ra tiền tuyến, chung sức cùng cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Tháng 12.1975, tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang được sáp nhập thành tỉnh Hà Tuyên. Đến tháng 10.1991, trước yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ đổi mới, Quốc hội khoá VIII quyết định chia tách tỉnh Hà Tuyên thành 2 tỉnh: Hà Giang và Tuyên Quang. Tỉnh Hà Giang được tái lập theo địa giới hành chính cũ. Từ đây, phố núi bên dòng Lô giang bắt đầu chuyển mình mạnh mẽ; tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước, nhiệm ky sau cao hơn nhiệm kỳ trước. Nếu như nhiệm kỳ 1992 – 1995 (Đại hội lần thứ XI Đảng bộ tỉnh Hà Giang), mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm đạt 7,49%; tổng sản lượng lương thực quy thóc 154.158 tấn; bình quân lương thực đầu người 280 kg/người/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 597.000 đồng; tỷ lệ huy động trẻ 6 – 14 tuổi đến trường đạt 70%; Đảng bộ có 14.277 đảng viên sinh hoạt tại 481 tổ chức cơ sở Đảng... Thì đến nhiệm kỳ 2010 - 2015 (Đại hội lần thứ XV Đảng bộ tỉnh Hà Giang), tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân cả giai đoạn đạt 8,8%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2015 đạt 17,64 triệu đồng; thu ngân sách trên địa bàn đạt 1.550 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 3.923 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 6.500 tỷ đồng; bình quân lương thực đầu người 500kg/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4,72%/năm. Trong tổng số 100 chỉ tiêu chủ yếu và chỉ tiêu chi tiết Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra có 46 chỉ tiêu đạt và vượt, 34 chỉ tiêu đạt trên 50%. Hết năm 2015 có 11/177 xã đạt tiêu chí Nông thôn mới. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, đã hoàn thành đưa vào vận hành khai thác 13 nhà máy thủy điện với tổng công suất lắp máy 328,9 MW, sản lượng điện phát ra đạt 1.410 triệu KWh; 100% các xã có trường học trung tâm được đầu tư xây dựng kiên cố; 67,7% số xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về Y tế. Công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc, đào tạo nghề, giải quyết việc làm,... được quan tâm; chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh tăng cao; chế độ chính sách đối với người có công, chính sách an sinh xã hội được thực hiện hiệu quả. QP-AN được củng cố và tăng cường. Năm 2010, thị xã Hà Giang trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, Cao nguyên đá Đồng Văn chính thức là thành viên mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu đã mở ra cho Hà Giang nhiều cơ hội phát triển. Đảng bộ tỉnh Hà Giang không ngừng lớn mạnh, đến nay toàn Đảng bộ đã có trên 60 nghìn đảng viên và 917 tổ chức cơ sở đảng; 100% thôn bản đều có đảng viên và có chi bộ đảng, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng toàn diện và tuyệt đối.
Trao đổi về sự phát triển của tỉnh Hà Giang trong 25 năm qua, ông Triệu Đức Thanh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ: “So với 25 năm trước, Hà Giang thực sự đã “thay da, đổi thịt”, mà điểm nhấn là sự phát triển về kinh tế, cơ sở hạ tầng và nhận thức của người dân ngày càng cao; chương trình xây dựng Nông thôn mới những năm gần đây càng làm cho cuộc sống của người dân được nâng lên rõ rệt cả về vật chất lẫn tinh thần; các vấn đề về giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được nâng cao; khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố và giữ vững...”.
Trong giai đoạn hội nhập và phát triển hiện nay, Hà Giang đang mở cửa thu hút đầu tư bằng nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, chúng ta kỳ vọng vào sự phát triển nhanh và bền vững hơn của một Hà Giang trong tương lai.
BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc