Mở đường - bản hùng ca trên miền cực Bắc
BHG- Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đối với mảnh đất Hà Giang, lúc đó KT – XH còn vô cùng khó khăn. Nhiều cản trở cho quá trình vươn lên, trong đó đặc biệt là vấn đề giao thông. Tỉnh ta khi ấy chỉ có duy nhất tuyến QL 2 từ thị xã Hà Giang - Tuyên Quang là xe cơ giới đi được. Đường từ tỉnh lỵ đi các huyện là đường mòn đi bộ, đường ngựa thồ.
Đường nhựa đã nối đến nhiều xã khó khăn trong tỉnh. Trong ảnh: Trung tâm xã Lũng Táo, Đồng Văn đã có đường nhựa đến tận nơi. |
Nhớ về giao thông của Hà Giang những năm 60 của thế kỷ trước, cụ Vù Mí Kẻ, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh, người có nhiều khóa là đại biểu Quốc hội kể lại, mỗi lần về Thủ đô họp là cả một vấn đề. Đi bộ dòng vài ngày từ Đồng Văn mới về đến thị xã, rồi tiếp tục dòng dã về Tuyên Quang, xuống Phú Thọ bắt tàu hỏa về Hà Nội, vất vả vô cùng.
Tôi còn nhớ lần trò chuyện với cố Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đình Dy về vấn đề xây dựng giao thông của Hà Giang cuối thập kỷ 50 của thế kỷ trước, ông có nói, giao thông là một trong những vấn đề rất lớn đối với Hà Giang thời bấy giờ. Khi chưa có đường xe ô tô lên các huyện phía Bắc, phía Tây thì mỗi chuyến đi công tác từ tỉnh về cơ sở phải mất cả tuần trời còn chưa chắc làm được gì. Cũng chính bởi vậy mà đồng chí Nguyễn Văn Xã, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang thời bấy giờ đã nhìn nhận ra ngay và đã có tầm nhìn về việc phải làm “cách mạng” với giao thông Hà Giang.
Từ những khó khăn đó, Đảng bộ tỉnh rất quyết tâm cho “cuộc cách mạng” của giao thông Hà Giang. Cố Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đình Dy từng kể lại rằng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Xã khi ấy có lần nói với các ngành, các cấp trong tỉnh câu nói, “tỉnh ta còn khó khăn quá, ra khỏi thị xã là chẳng muốn đi đâu”. Chính vì thế, đẩy mạnh phát triển giao thông là một trong những trọng tâm được Đảng bộ, chính quyền tỉnh cụ thể hóa bằng những nhiệm vụ cụ thể, đó là mở đường lên phía Bắc, làm đường sang phía Tây và những tuyến đường quan trọng khác. Và trong giai đoạn từ cuối năm 1959 – 1967, với quyết tâm cao, chúng ta đã thực sự tạo nên một “cuộc cách mạng” về giao thông khi mở được tuyến đường lên phía Bắc, đường sang phía Tây và một số tuyến đường quan trọng khác.
Đầu tiên là công cuộc “chinh phục đá”, bắt đầu từ cuối năm 1959 với việc mở đường Hà Giang lên Cao nguyên đá Đồng Văn (QL 4C), hành trình này kéo dài đến tháng 3.1965, tạo nên tuyến đường vô cùng quan trọng, dài 185km, đi qua 4 huyện Cao nguyên đá. Công trình là một bản hùng ca về tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường của thanh niên xung phong nhiều tỉnh, cùng đồng bào các dân tộc Hà Giang. Qua đó, khắc vào lịch sử ngành giao thông Việt Nam với hơn 2,2 triệu ngày công lao động; đào đắp gần 3 triệu m3 đất đá. Nhiều thanh niên xung phong, dân công vì điều kiện thời tiết, lao động, địa hình khó khăn..., đã phải hy sinh trên công trường. Có lẽ từ những hy sinh ấy và những thành quả đem đến cho đồng bào Cao nguyên đá, QL4C đoạn đi qua Cao nguyên đá Đồng Văn được gọi là đường Hạnh Phúc.
Cùng với con đường lên phía Bắc, tháng 4.1961, ngay sau khi Bác Hồ lên thăm Đảng bộ, chính quyền và đồng bào Hà Giang, tỉnh ta đã thành lập công trường khởi công tuyến đường Lâm Đồng, đoạn từ Bắc Quang đi huyện Hoàng Su Phì. Đến tháng 2.1965, tuyến đường Bắc Quang – Hoàng Su Phì được hoàn thành, có chiều dài 61km. Sau 4 năm lao động vất vả với tinh thần “Vì miền Nam ruột thịt, hơn 20 ngàn lượt nhân công đã thục hiện 745 ngàn ngày công, đào đắp 580 ngàn m3 đất đá. Đến năm 1972, đường Lâm Đồng từ Hoàng Su Phì đến thị trấn Cốc Pài (Xín Mần) tiếp tục được hoàn thành với chiều dài 41km. Như vậy, đường sang phía Tây đã hoàn thành, cùng với đường lên phía Bắc đã tạo nên huyết mạch giao thông quan trọng nhất của tỉnh ta.
Đường từ QL 4C nối ra 3 xã biên giới gồm Sơn Vĩ, Xín Cái, Thượng Phùng (Mèo Vạc) là một kỳ công mở đường của giao thông Hà Giang. |
Với nỗ lực phi thường, thời gian từ năm 1964 – 1966, tỉnh ta tiếp tục mở rộng và làm tuyến QL 2, từ thị xã Hà Giang đi Thanh Thủy, một con đường có ý nghĩa thúc đẩy giao thương với nước bạn Trung Quốc. Con đường có độ dài 23km, ngày nay là tuyến đường kinh tế với việc chúng ta đã xây dựng được cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy – Thiên Bảo.
Viết tiếp bản hùng ca giao thông Hà Giang, tháng 3.1973, tại xã Ngọc Đường của thành phố Hà Giang ngày nay, chúng ta tiếp tục khởi công QL 34 từ thị xã Hà Giang đi huyện Bắc Mê. Đến năm 1976, con đường này được hoàn thành với chiều dài 64km. Và đến mốc thời gian này, cuộc “cách mạng” về mở đường của Hà Giang đã tạo nên hệ thống giao thông cơ bản với QL2 nối miền xuôi; hệ thống đường giao thông cho xe cơ giới từ trung tâm tỉnh lỵ đến các huyện lỵ. Cùng với đó là hệ thống nhiều tuyến đường từ các huyện đi xã, từ xã đi xã tiếp tục được nâng cấp, mở mới, giúp cho huyết mạch giao thông ngày càng được hình thành mạnh mẽ, tạo đà cho sự phát triển KT – XH của tỉnh.
Có thể nói, giai đoạn từ năm 1959 – 1967 như là giai đoạn “cách mạng” về mở đường ở Hà Giang. Tháng 10.1967, tỉnh ta đã mở một Hội nghị chuyên đề tổng kết, đánh giá về giao thông, vận tải. Và qua tổng kết, đánh giá cho thấy, sau 8 năm từ 1960 – 1967, Hà Giang đã mở mới được gần 500km Quốc lộ, tỉnh lộ, 30% số xã trong tỉnh đã có đường ô tô. Trong đó, công lao đóng góp của riêng đồng bào các dân tộc Hà Giang là trên 1 triệu 17 vạn ngày công. Trong bối cảnh việc mở đường chủ yếu dựa vào sức người, máy móc rất hạn chế thì vai trò của Đảng bộ, sức mạnh của công tác tuyên truyền, vận động là hết sức quan trọng. Cố Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đình Dy từng nhấn mạnh, thành quả trong quá trình mở đường là thuộc về nhân dân, sự hy sinh lớn nhất thuộc về nhân dân. Quả đúng vậy, cùng với sự chỉ đạo của Đảng, sự góp sức của thanh niên xung phong nhiều tỉnh khác thì vai trò của đồng bào các dân tộc Hà Giang trong mở đường là vô cùng to lớn. Sự đoàn kết, thống nhất trên dưới một lòng, tinh thần xây dựng chủ nghĩa xã hội chính là sức mạnh để tạo nên những con đường “Ý Đảng, lòng dân”.
Lần lại quá khứ đầy ắp khó khăn, nhưng rất đỗi tự hào của ngành Giao thông Hà Giang, bởi so với cả nước, công cuộc làm đường của Hà Giang được xếp vào loại khó khăn bậc nhất. Đường lên phía Bắc được làm trên nền đá, nhiều đoạn tạc vào vách đá; còn đường sang phía Tây được làm trên nền đất pha cát. Với sự quan tâm, đầu tư rất lớn của T.Ư, sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang, đến nay Hà Giang có gần 583km đường Quốc lộ, 264km tỉnh lộ, 2.139km đường huyện và 5.457km đường xã. Cùng với việc 195/195 xã, phường, thị trấn đã có đường ô tô đến trung tâm; đường nhựa đã nối từ tỉnh lỵ đến 100% số huyện trong tỉnh.
Những thành quả đạt được của giao thông Hà Giang đến ngày hôm nay là điều kiện để một tỉnh có những khó khăn nhất cả nước như nhiều đá nhất, ít nước nhất, thoát khỏi chiến tranh muộn nhất... vươn lên trong công cuộc phát triển KT – XH, hội nhập và từng bước bắt nhịp phát triển với miền xuôi.
HUY TOÁN
Ý kiến bạn đọc