Bí thư chi bộ giúp dân ấm no theo lời Bác dặn
BHG - “Ấm no hôm nay nhờ công lớn của Bí thư chi bộ chúng tôi. Cả thôn nhà nào cũng biết ơn anh ấy, bởi không chỉ coi trọng mọi người, anh còn hết sức, hết lòng vì cuộc sống của bà con. Tấm gương dám nghĩ, dám làm, không sợ khó, sợ khổ đi đầu phát triển kinh tế của anh là động lực để chúng tôi làm theo” - đó là những tâm sự chân thành của đồng bào người Dao trong thôn khi nói về Triệu Mềnh Kinh, Bí thư Chi bộ thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì).
Anh Triệu Mềnh Kinh (ngoài cùng bên trái) cùng du khách trải nghiệm hái lá chè Shan tuyết. |
Quyết không cam chịu đói, nghèo
Chúng tôi cùng Bí thư Đảng ủy xã Thông Nguyên Hoàng Văn Sơn tới thôn Nậm Hồng vào những ngày cuối tháng 10 khi chiều Thu chỉ còn rơi rớt lại vạt nắng hanh hao trên những thửa ruộng bậc thang uốn mình theo lưng núi. Nơi đây, 38 năm trước chàng trai người Dao Triệu Mềnh Kinh chào đời. Đón chúng tôi bằng cái bắt tay nồng ấm nhưng có lẽ để lại ấn tượng hơn cả là vóc dáng cao, khỏe, nước da ngăm đen bởi nắng gió nhưng toát lên sự thông minh, nhanh nhẹn, đầy nhiệt huyết của Bí thư chi bộ trẻ Triệu Mềnh Kinh.
Thông Nguyên là xã cửa ngõ phía Nam của huyện Hoàng Su Phì, cách trung tâm huyện 33 km. Do địa hình xã nằm trên nhiều đồi núi cao, nên bị chia cắt; người dân quanh năm làm lụng, gắn bó với ruộng đồng; cả năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nên những năm về trước, năm nào thời tiết thuận lợi, mùa màng tốt tươi sẽ có cuộc sống ấm no; ngược lại, thời thiết bất thường sẽ khiến không ít gia đình lo ăn từng bữa. Lớn lên nơi mảnh đất “đỉnh trời mây phủ” khiến Triệu Mềnh Kinh cảm nhận rõ đói, nghèo bủa vây đời sống người dân bao đời nay. Giống bao chàng trai người Dao khác, năm 2007, khi bước sang tuổi 21 anh bén duyên với một thiếu nữ xinh đẹp trong thôn; lần lượt hai đứa con ra đời khiến cuộc sống gia đình càng khó khăn thêm.
Anh Triệu Mềnh Kinh (ngoài cùng bên trái) cùng khách du lịch nước ngoài bên ngôi nhà truyền thống của người Dao đỏ. |
Cuộc sống chỉ thực sự đổi thay khi tháng 2.2009, chàng thanh niên Triệu Mềnh Kinh trúng tuyển nhập ngũ tham gia bảo vệ Tổ quốc tại Trung đoàn 98, Sư đoàn 316. Tại đây, với sự nỗ lực của bản thân, chiến sỹ trẻ được kết nạp vào Đảng ngay trong đơn vị khi chưa tròn 1 năm thực hiện nghĩa vụ quân sự; đến tháng 7.2010, anh hoàn thành nhiệm vụ, xuất ngũ trở về địa phương. Những năm tháng được tu dưỡng, rèn luyện, học tập và trưởng thành trong quân ngũ, đến khi trở về anh nhận thấy người dân ở quê hương bao năm vẫn sống nghèo khó, trong khi đó lại được thiên nhiên ban tặng nhiều phong cảnh đẹp kỳ vỹ như ruộng bậc thang, thác nước, những đồi chè Shan tuyết cổ thụ, không khí ôn hòa; phong tục, tập quán, lễ hội đặc sắc. Quyết không cam chịu đói, nghèo, anh đã tìm đến Công ty Panhou đang hoạt động tại xã Thông Nguyên để xin làm việc.
Những ngày đầu được tiếp xúc với công việc mới, được trao đổi với những người làm du lịch nên sau 3 năm, khi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong hoạt động du lịch và nhận thấy chính ngôi nhà mình đang ở, quê hương mình đang sinh sống còn nhiều khó khăn, Triệu Mềnh Kinh nhiều đêm trăn trở, mong muốn biến những khó khăn đó trở thành tiềm năng, sản phẩm để phát triển du lịch, mang lại ấm no cho gia đình và mọi người trong thôn.
Tiên phong khởi nghiệp
Nghĩ là làm, Triệu Mềnh Kinh xác định để thực hiện được mơ ước phát triển thôn du lịch cần phải học tập nhiều hơn về kinh nghiệm và cách làm. Vì thế, năm 2013, anh tự khoác ba lô lên đường đi tìm hiểu cách làm du lịch gắn với cộng đồng tại các huyện có điểm du lịch nổi tiếng như Bắc Hà, Sa Pa (Lào Cai), Mai Châu (Hòa Bình), Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang).
Anh Triệu Mềnh Kinh (ngoài cùng bên trái) giới thiệu ẩm thực bản địa tới khách du lịch nước ngoài. |
Để có thể tìm hiểu cặn kẽ, mỗi nơi anh ở lại vài tháng để nhìn nhận, học tập cách làm và sau 2 năm tìm tòi, anh trở về nhà quyết tâm làm thử du lịch theo hướng dựa vào cộng đồng, gắn với sản xuất nông nghiệp khi nguồn vốn trong tay chỉ 5 triệu đồng. Nhận thấy du lịch là một ngành kinh tế tổng thể, khi du lịch phát triển sẽ tạo công ăn việc làm cho người dân, nhu cầu nguồn cung cấp thực phẩm tăng cao về số lượng và chất lượng sẽ thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa, các làng nghề thủ công truyền thống, bản sắc văn hóa của các dân tộc được khơi dậy, gìn giữ và phát huy; ý thức bảo vệ môi trường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; vai trò làm chủ và đời sống của nhân dân được nâng cao; nhất là trong thời gian đi làm giúp anh có nhiều trải nghiệm, biết được nhu cầu của du khách ngày một tăng nên anh quyết định làm dịch vụ homestay tại chính ngôi nhà truyền thống của gia đình.
Điều đáng nói, khi nhận thấy ngôi nhà truyền thống của gia đình vừa để các thành viên sinh hoạt, vừa là nơi đón tiếp du khách đến trải nghiệm, khám phá sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu và khó phát triển thêm. Khi đó, xác định bản thân là đảng viên phải gương mẫu, đi đầu thực hiện theo Tám lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người lên thăm Hà Giang năm 1961: “Đời sống của đồng bào rẻo cao còn nhiều khó khăn, còn phải ra sức giúp đỡ đồng bào rẻo cao nhiều hơn nữa…” nên chàng trai Triệu Mềnh Kinh quyết định thành lập hợp tác xã (HTX) để giúp bà con trong thôn có cuộc sống ấm no. Đến năm 2017, nhận thấy phát triển du lịch có hiệu quả, anh đã vận động một số hội viên, đoàn viên thanh niên tham gia thành lập HTX du lịch cộng đồng và dịch vụ tổng hợp thôn Nậm Hồng.
Mang ấm no về bản
HTX do chàng trai Triệu Mềnh Kinh sáng lập hoạt động theo mô hình chuỗi dịch vụ lưu trú (homestay), nuôi trồng, cung cấp thực phẩm cho khách du lịch, hướng dẫn du lịch, xe ôm và văn nghệ/trình diễn phong tục. Từ 4 cơ sở lưu trú ban đầu, với số lượng khách ngày càng tăng, HTX hiện có một khu nhà ở Bungalow và 14 homestay tại thôn Nậm Hồng.
Khách du lịch đến với Nậm Hồng được sinh hoạt và giao lưu cùng các chủ gia đình làm homestay tại những ngôi nhà đất lợp mái cọ điển hình của người Dao đỏ địa phương; xem trình diễn văn nghệ và phong tục độc đáo của người Dao như Lễ nhảy lửa, trải nghiệm làm bánh giày, xôi ngũ sắc, ẩm thực bản địa, làm giấy bản, trồng và thu hoạch lúa trên ruộng bậc thang, hái chè Shan tuyết. Các hộ tham gia HTX được phân công từng nhiệm vụ riêng theo khả năng và thế mạnh. Hiện, HTX được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh. Từ đó đến nay, HTX luôn phát triển ổn định; hiện đã liên kết với hơn 40 công ty du lịch trong và ngoài nước; hàng năm đón từ 1.000 đến trên 3.000 lượt khách trong nước và quốc tế.
Anh Triệu Mềnh Kinh (người ngồi xe ngoài cùng bên phải) tham gia dẫn đoàn khách du lịch nước ngoài trải nghiệm tại thôn Nậm Hồng. |
Năm 2019, doanh thu của HTX đạt 800 triệu đồng, năm 2020 đạt 400 triệu đồng, năm 2021 đạt 500 triệu đồng, doanh thu giảm nhiều do tác động của dịch bệnh Covid -19. Đến năm 2022, dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế thị trường ổn định trở lại, doanh thu của HTX tăng lên 1,1 tỷ đồng; năm 2023 đạt gần 2 tỷ đồng; các gia đình tham gia HTX đều có thu nhập khá, cuộc sống ấm no, đủ đầy. Bên cạnh đó, HTX tư vấn hỗ trợ và nhân rộng mô hình tại một điểm ở xã Hồ Thầu và một điểm tại xã Nậm Khòa (Hoàng Su Phì); bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho bà con với số lượng lớn và giá cả ổn định; tạo công ăn việc làm cho hội viên, đoàn viên thanh niên và hơn 20 lao động địa phương có thu nhập ổn định nên trong thôn không có thanh niên phải đi làm ăn xa nhà.
Đến với Nậm Hồng hôm nay, không khỏi ngỡ ngàng khi giữa đại ngàn rừng núi yên bình lại có một Làng văn hóa du lịch cộng đồng luôn rộn ràng du khách đến tham quan, trải nghiệm. Những con đường đất lầy lội nay được bê tông, sóng điện thoại và các dịch vụ thiết yếu đã về đến bản làng. Sau khi trải nghiệm bữa ăn đậm đà bản sắc dân tộc địa phương tại nhà “Kinh Homstay” - nhà của Bí thư Chi bộ thôn Nậm Hồng, chị Nguyễn Hải Anh, du khách đến từ thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) cảm nhận: “Lần đầu tiên tôi đến miền đất này và thực sự ấn tượng khi Nậm Hồng có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, không khí trong lành; ngồi bên cửa sổ có thể ngắm nhìn toàn cảnh khu ruộng bậc thang thật lý tưởng. Không những vậy, các chủ homstay và người dân rất thân thiện, gần gũi; được khám phá tục nhảy lửa của người Dao rất kỳ bí và nhiều nét văn hóa độc đáo của người dân nơi đây khiến tôi rất hài lòng”.
Hết lòng vì nhân dân
Thôn Nậm Hồng hiện là nơi sinh sống của gần 40 hộ đồng bào dân tộc Dao đỏ với gần 200 nhân khẩu. Cuộc sống ấm no hôm nay của người dân trong thôn là kết tinh của sự đồng lòng, đoàn kết, thống nhất trong chi bộ và người dân, mà hạt nhân chính là người Bí thư chi bộ Triệu Mềnh Kinh.
Bên ấm trà nóng, nhớ lại những ngày đầu tham gia cấp ủy, anh Kinh kể lại: Năm 2018 - 2019 được tin tưởng giao trọng trách bí thư chi bộ tôi vừa mừng, vừa lo; khó khăn lớn nhất là vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa điều hành hoạt động của HTX và dịch vụ của gia đình; nhưng xác định đây nhiệm vụ, trách nhiệm của người đảng viên, là bộ đội Cụ Hồ tôi luôn nỗ lực hết mình hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đến nhiệm kỳ 2020 - 2023, tôi không tham gia làm bí thư chi bộ để tập trung làm dịch vụ du lịch; nhưng đến nhiệm kỳ 2023 - 2025, tôi lại tiếp tục được giao trọng trách này.
“Xác định bản thân được tin tưởng sẽ cần phải cố gắng hơn nữa; nhớ lời dặn của Bác về cán bộ, đảng viên và đoàn viên phải đoàn kết chặt chẽ, phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, tôi cùng với ban chi ủy chi bộ đoàn kết, thống nhất, trọng tâm là nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, chất lượng đảng viên; nêu cao tính tiên phong, gương mẫu để nhân dân làm theo. Từ đó, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và tăng cường, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng” - Bí thư chi bộ thôn Nậm Hồng Triệu Mềnh Kinh cho biết.
Với mục tiêu hết lòng, hết sức vì cuộc sống ấm no của nhân dân theo lời Bác dặn, ngoài việc cùng chi bộ quán triệt, triển khai, cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng sát với thực tiễn đời sống, anh Kinh đang đặt ra mục tiêu và kế hoạch phát triển HTX du lịch bằng việc tăng cường đào tạo người quản lý, điều hành và đào tạo nguồn nhân lực địa phương để phục vụ du lịch. Chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch, như thực phẩm nông nghiệp chất lượng cao, khôi phục các làng nghề truyền thống, cải tạo cảnh quan, chú trọng trồng và chăm sóc cây xanh, hoa trên các tuyến đường làng, ngõ xóm, ưu tiên trồng đào rừng và đào phai để tạo thành hình ảnh thương hiệu riêng của du lịch xã Thông Nguyên.
“Tôi chỉ mong du lịch huyện Hoàng Su Phì ngày càng phát triển, vang danh thương hiệu. Trong xu thế du lịch hiện nay, việc nhân rộng mô hình phát triển du lịch gắn với văn hóa cộng đồng tại các xã là hướng đi hiệu quả. Với những kinh nghiệm trong nghề lâu năm, tôi sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ tư vấn và chia sẻ kinh nghiệm với những người có cùng đam mê, chịu khó, khát vọng vươn lên, làm giàu chính đáng, tất cả cùng hướng đến mục tiêu giúp đồng bào các dân tộc không còn đói, nghèo” - anh Kinh khẳng định.
Ghi những đóng góp thiết thực cho địa phương nên trong ngôi nhà truyền thống của gia đình Triệu Mềnh Kinh treo kín bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành; trong đó có Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng do “có thành tích tiêu biểu trong phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016 - 2019”; các bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh: Thanh niên có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào khởi nghiệp; “có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 - 2020”; “Giám đốc HTX có thành tích xuất sắc trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Hà Giang”…
Trên đường trở về, những thanh âm cuộc sống đủ đầy của đồng bào dân tộc Dao ở Nậm Hồng còn vang vọng trên suốt hành trình; nhưng có lẽ điều tâm đắc nhất mà Bí thư Đảng ủy xã Thông Nguyên Hoàng Văn Sơn nói với chúng tôi: “Tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, tính tiên phong, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hết lòng vì cuộc sống nhân dân chính là thước đo chất lượng cán bộ, đảng viên. Ở đâu có những người như Triệu Mềnh Kinh thì ở đó chắc chắn ấm no sẽ về”.
Bài, ảnh: Kim Tiến
Ý kiến bạn đọc