“Nói cho bà con rõ, chỉ rõ cho bà con làm” trong dân vận khéo ở Quang Bình

11:45, 22/03/2023

BHG - Trong những năm qua, huyện Quang Bình luôn nỗ lực đổi mới trong công tác dân vận và làm theo lời Bác: “Cốt lõi nhất của công tác dân vận cần hướng vào tuyên truyền, động viên nhằm phát huy các nguồn lực trong Nhân dân”. Qua đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo để xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình dân vận phù hợp với thực tiễn từng địa phương, đơn vị. Với phương châm “Nói cho bà con rõ, chỉ rõ cho bà con làm” đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác dân vận, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân; thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, đưa KT - XH của huyện Quang Bình ngày càng phát triển.

 Lãnh đạo huyện thăm mô hình Dân vận khéo trồng Su su của anh Hoàng Văn Dũng (phải) thôn Then, xã Xuân Giang.
Lãnh đạo huyện thăm mô hình Dân vận khéo trồng Su su của anh Hoàng Văn Dũng (phải) thôn Then, xã Xuân Giang.

Đến nay, toàn huyện xây dựng được 389 mô hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt đã chú trọng xây dựng các mô hình, câu lạc bộ xóa bỏ hủ tục, lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh ở các thôn, bản. Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, toàn huyện có 273 mô hình, nổi bật như “Tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng nâng cao hiệu quả kinh tế”; “Tuyên truyền, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng mô hình chăn nuôi trâu, lợn, gà theo hướng hàng hóa”; “đồng hành giúp dân nâng cao, cải thiện đời sống hướng tới thoát nghèo”; vận động người dân, chăm sóc, bảo vệ vườn trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp từ việc cải tạo vườn tạp để phát triển kinh tế, góp phần làm thay đổi nhận thức của nhân dân trong sản xuất nông, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các loại hình dịch vụ, tạo việc làm cho người lao động, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.

Chị Lý Thị Lý (phải) người mạnh dạn tiên phong trong xóa bỏ hủ tục, phát triển kinh tế trong cộng đồng người Nùng tại thôn Khuổi Cuốm, xã Yên Hà.
Chị Lý Thị Lý (phải) người mạnh dạn tiên phong trong xóa bỏ hủ tục, phát triển kinh tế trong cộng đồng người Nùng tại thôn Khuổi Cuốm, xã Yên Hà.

Đến với thôn Then, xã Xuân Giang, một trong những thôn đã thay đổi tích cực, mang lại nhiều “trái ngọt” từ dân vận khéo không chỉ thay đổi diện mạo nông thôn, mà kinh tế của người dân ngày càng nâng cao. Bí thư Chi bộ thôn Then, Hoàng Văn Dũng, cho biết: Toàn thôn có hơn 140 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày. Nhờ được sự quan tâm của các cấp, thường xuyên được lãnh đạo huyện, xã xuống cơ sở nắm bắt thực trạng phát triển kinh tế, sản xuất nông nghiệp và kịp thời hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Đến nay, toàn thôn có hơn 10 hộ thu nhập trên 100 triệu đồng và có 5 hộ thu nhập trên 300 triệu đồng/năm, các hộ chủ yếu chăn nuôi gà, lợn và đào ao thả cá, trồng cây ăn quả và cải tạo vườn đồi từ trồng cây khai thác… Điển hình như mô hình trồng Su su trên đất một vụ của anh Hoàng Văn Dũng, Bí thư Chi bộ thôn Then. Với hơn 1 ha Su su xanh ngát, đầy những búp non chuẩn bị thu hái cho các thương lái. Anh Dũng vui mừng chia sẻ: Trên cùng diện tích này, trước đây gia đình trồng lúa, kém hiệu quả, năng suất thấp. Nhờ được sự quan tâm của cán bộ nông nghiệp cùng cán bộ Ban Dân vận Huyện ủy thường xuyên đến động viên, hướng dẫn gia đình chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Năm 2018, gia đình trồng thử nghiệm 250 m2 cây Su su. Qua đó, nhận thấy phù hợp với thổ nhưỡng và phát triển rất tốt, gia đình tiếp tục được quan tâm, động viên mở rộng quy mô để thành mô hình sản xuất. Đến năm 2022, gia đình đã tăng diện tích trồng Su su lên trên 1ha.  Thu nhập từ ngọn Su su đạt hơn 160 triệu đồng/vụ (5 tháng). Hiện tại, với kinh nghiệm của mình, anh Dũng đã và đang vận động, hướng dẫn người dân trong thôn cùng trồng Su su để có thêm thu nhập.

Đối với thôn Đồng Tâm, xã Yên Thành và thôn Khuổi Cuốm, xã Yên Hà, là hai thôn có nhiều chuyển biến tích cực về xóa bỏ hủ tục và xây dựng nếp sống văn minh. Ông Phàn Văn Thanh, thầy cúng người dân tộc Dao, thôn Đồng Tâm chia sẻ: Là một thầy cúng trong thôn, trước đây tôi thường xuyên được bà con mời đến cúng khi ốm đau, bệnh tật, có người ho, đau bụng, đau đầu cũng mời tôi đến cúng… Thời gian qua, tôi được cán bộ xã, huyện đến từng thôn tuyên truyền về bài trừ hủ tục. Bản thân tôi cũng thấm nhuần và thường xuyên giải thích cho bà con hiểu khi ốm đau phải đi khám bác sỹ, trong các ngày lễ lớn của người Dao như Cấp sắc, đám ma, cưới xin cũng đã được xóa bỏ một số thủ tục rườm rà, tốn kém như: Không giết mổ nhiều trâu, lợn, rút ngắn thời gian tổ chức… Qua đó, người dân thôn Đồng Tâm cũng như thôn Khuổi Cuốm, xã Yên Hà từng bước xóa bỏ được những thủ tục rườm rà, tập quán lạc hậu, chăm lo phát triển kinh tế, hướng đến xây dựng đời sống ngày càng văn minh hơn.

Đồng chí Sùng Thị Giang, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Quang Bình, cho biết: Để công tác dân vận đạt hiệu quả, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện đã chủ động mở rộng và đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân thông qua các phong trào thi đua yêu nước. Mỗi xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị trên địa bàn đều bám sát vào nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, đơn vị để xây dựng các mô hình “Dân vận khéo”. Để làm tốt phong trào “Dân vận khéo”, huyện Quang Bình đã tập trung xây dựng phong cách của người cán bộ phải gần dân, thân dân, phải làm cho nhân dân tin tưởng hay phải “nói cho bà con rõ, chỉ rõ cho bà con làm theo”; thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, từ đó giải quyết kịp thời những phát sinh từ cơ sở. Đồng thời không ngừng phát huy trách nhiệm của cấp ủy, cán bộ, đảng viên trong việc tiếp thu và lắng nghe ý kiến của nhân dân trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Bài, ảnh: Vương Mai


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xứng đáng là “gốc rễ” của Đảng
- Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Chi bộ là gốc rễ của Đảng. Chi bộ tốt thì mọi việc tốt”; “Nhân dân ta rất tốt, nếu chi bộ khéo lãnh đạo và đảng viên hăng hái xung phong làm gương mẫu thì khó khăn gì cũng vượt qua, công việc gì cũng làm tốt”. Do đó, để chi bộ khu dân cư thực sự là hạt nhân chính trị ở cơ sở, cấp ủy huyện Bắc Quang đặc biệt quan tâm việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ để hình thành nên những chi bộ trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là “gốc rễ” của Đảng trong quần chúng.
31/01/2023
Gieo “hạt giống” đoàn kết – Kỳ cuối: Đổi mới hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên
BHG - Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định: Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH) trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, MTTQ và các tổ chức thành viên không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, linh hoạt các giải pháp tập hợp hội viên và nhân dân.
29/11/2022
Lời Bác dặn giúp Đồng Văn vượt khó
BHG - Khi Bác Hồ lên thăm Hà Giang, Người căn dặn: “Đồng bào ta phải ra sức tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, để làm cho mọi người áo ấm, cơm no”. Lời dặn đó như ánh sáng dẫn lối, soi đường giúp Đảng bộ, nhân dân các dân tộc huyện Đồng Văn đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn để giữ biên cương cực Bắc luôn vững chắc.
29/10/2022
Gieo “hạt giống” đoàn kết: Kỳ II - Huy động sức dân
BHG - “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, lịch sử dân tộc đã chứng minh, đoàn kết, huy động sức mạnh tổng hợp trong nhân dân chính là sức mạnh để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ. Trong thời kỳ mới, sức dân đang hiện hữu trên tất cả các thành tựu phát triển KT - XH của tỉnh.
25/11/2022