Nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh

19:38, 17/06/2021

Trong lịch sử Đảng ta và đất nước ta, đã có không ít nhà báo dùng ngòi bút làm vũ khí quan trọng trên bước đường hoạt động cách mạng, trở thành những nhà lãnh đạo lớn của Đảng, Nhà nước và của quân đội ta. Nhân kỷ niệm  96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925/21-6-2021), Báo Quân đội nhân dân Điện tử xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài về một số nhà báo – nhà lãnh đạo như thế.

Không phải ngẫu nhiên mà trong cuộc đời 79 mùa xuân của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh có tới  hơn 50 năm làm báo với hơn 170 bút danh và đã viết trên 2.000 bài báo, từ lúc còn là người công nhân nghèo tuổi đôi mươi giữa Paris hoa lệ đến khi trở thành Chủ tịch nước, Người vẫn không ngừng viết báo. Người đã bắt đầu đặt những viên gạch đầu tiên trên hành trình tìm đường cứu nước khi nhìn thấy sức mạnh to lớn từ báo chí và sau này trở thành người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Học viết báo ở tuổi 26

Paris năm 1917, chàng trai 26 tuổi Nguyễn Tất Thành trở lại nước Pháp với khát vọng tham gia các hoạt động chính trị sau hành trình 6 năm bôn ba trên con tàu buôn từ châu Âu qua châu Phi, châu Mỹ, tạm biệt những năm tháng trải qua nhiều công việc nặng nhọc như làm phụ bếp, cào tuyết hay đốt lò, bồi bàn ở khách sạn.

Bài đầu tiên được đăng trên tờ “Đời sống thợ thuyền”, năm 1917 của Nguyễn Ái Quốc
Bài đầu tiên được đăng trên tờ “Đời sống thợ thuyền”, năm 1917 của Nguyễn Ái Quốc

Mấy năm trước, trong thư gửi từ nước Anh về cho ông Phan Chu Trinh ở Pháp, Nguyễn Tất Thành cho biết anh đang có gắng học thêm tiếng Anh nhưng giờ đây về Pháp, vốn tiếng Pháp của anh vẫn còn rất hạn chế.

Trong cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, tác giả Trần Dân Tiên cho biết: Bác hiểu ngay rằng mình phải giao thiệp bằng tiếng Pháp để làm ăn sinh sống, để học tập và hoạt động cách mạng. Người gửi cả những truyền đơn về Đông Dương. Những hoạt động đó có tác dụng nhất định nhưng không cơ bản và lâu dài. Người bắt đầu suy nghĩ tới hoạt động báo chí. Nhưng hoạt động như thế nào khi “ông Nguyễn không đủ tiếng Pháp để viết báo Pháp”.

Như vậy động cơ làm báo đầu tiên của Hồ Chí Minh là để tuyên truyền cách mạng, tố cáo tội ác thực dân Pháp.

Cuốn sách “117 chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”  do Ban Tuyên giáo Trung ương phát hành năm 2007 cho biết bài báo đầu tiên Bác Hồ viết in năm 1917. Cuốn sách cho biết: “Nhưng bấy giờ, Bác chưa giỏi tiếng Pháp. Muốn viết gì, Bác phải nhờ luật sư Phan Văn Trường. Ông là một nhà trí thức yêu nước, đậu tiến sĩ luật khoa ở Pa-ri, nhưng ông không muốn ký tên ở dưới và không viết hết điều mà Bác muốn nói, Bác rất khó chịu vì mình kém tiếng Pháp, Bác nghĩ: muốn tuyên truyền cho nước ta, nhưng không viết được chữ Pháp. Làm thế nào bây giờ? Nhất định phải học viết cho kỳ được”. Bác làm quen với ông Gaston Monmousseau, Thư ký Tổng Liên đoàn Lao động Pháp, Chủ bút báo La Vie Ouvrière(“Đời sống thợ thuyền”). Bác ngỏ ý muốn viết bài nhưng ngại vì tiếng Pháp còn kém. Chủ bút bảo: “Điều đó không ngại, có thế nào anh viết thế ấy. Tôi sẽ chữa bài cho anh trước khi đưa in. Anh không cần viết dài; năm sáu dòng cũng được”. Monmousseau hướng dẫn Bác viết cho mục “tin tức vắn” trên báo của ông.

Viết xong bài, Bác chép thành hai bản, một bản giữ lại. Lần sung sướng nhất trong đời viết văn, làm báo của Bác là bài đầu tiên được đăng trên tờ “Đời sống thợ thuyền”. Năm ấy là năm 1917. Bác đã so lại xem đúng sai chỗ nào, tòa báo sửa cho như thế nào. Sau này, khi thấy đã bớt sai, ông chủ bút lại bảo: “Bây giờ anh viết dài một tí, viết độ bảy tám dòng”. Rồi cứ thế, Bác viết được cả một cột báo, có khi dài hơn. Lúc ấy, người chủ bút (là bạn thân của Bác) lại bảo viết ngắn lại. Rút ngắn cũng khó như kéo dài. Nhờ kiên trì rèn luyện nên Bác đã thành công.

Một số tài liệu cho biết, năm 1919, Nguyễn Ái Quốc gặp Jean Longuet, cháu ngoại Các Mác, chủ bút báo Dân chúng (Le populaire), cơ quan của Đảng Xã hội Pháp. Sau lần gặp gỡ đầu tiên, hai người trở nên thân thiết. Jean Longuet  luôn động viên Nguyễn Ái Quốc viết về Việt Nam. Ông đã giúp đỡ Nguyễn Ái Quốc viết và cho đăng một số bài báo tố cáo tội ác của thực dân Pháp. Sau này Bác Hồ kể lại: Jean Longuet  là người đầu tiên Bác gọi là “đồng chí”.

Cũng theo Trần Dân Tiên, Người đã vượt qua khó khăn bằng cách vừa làm vừa học, tự học và học những nhà báo người Pháp có kinh nghiệm. Bằng sự nỗ lực của bản thân trên cơ sở xác định rõ mục đích và cách viết, chỉ một thời gian ngắn, Nguyễn Ái Quốc đã vào làng báo. Một bài viết ấn tượng nữa của Nguyễn Ái Quốc được tờ L’Humanité (Nhân đạo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp) đăng ngày 18-6-1919 chính là bản yêu sách với tiêu đề “Yêu sách của nhân dân An Nam”.

Từ tháng 8-1919, Người đã có bài trên Báo Nhân đạo và tiếp theo Người viết nhiều bài cho Báo Dân chúng, Đời sống công nhân...

Sáng lập hàng chục tờ báo làm báo ở mọi khâu, mọi việc

Năm 1921, Nguyễn Ái Quốc cùng một số nhà hoạt động cách mạng người Maroc, Algeria, Tunisia... thành lập Hội Liên hiệp Thuộc địa và lập ra cơ quan ngôn luận của Hội - tờ Le Paria (Người cùng khổ), số đầu tiên xuất bản ngày 1-4-1922. Nguyễn Ái Quốc trở thành trụ cột của tờ báo.

Bác Hồ đọc Báo Nhân dân
Bác Hồ đọc Báo Nhân dân

Bác làm chủ bút, chủ nhiệm, giữ quỹ, phát hành và bán báo, việc nào cũng đòi hỏi dùng nhiều tiếng Pháp. Bác kể lại: “Các đồng chí người thuộc địa Á Phi viết bài quyên tiền, còn bao nhiêu công việc mình đều bao hết”. Trụ sở đầu tiên của Bác ở số nhà 16 phố Giắc Ca-lô, sau chuyển sang số nhà 3 phố Mác-sê đê Pa-tri-ác-sơ ở quận 6, là một nhà cổ xưa ở Pa-ri. Nơi đây, Bác làm việc để ra báo và cũng chính nơi đây là trụ sở của “Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa”. Bác là một trong những người có sáng kiến ra tờ báo của hội này. Báo ra cả thẩy được 38 số. Khổ lớn, tên báo bằng chữ Pháp đặt ở giữa, chữ Ả Rập bên trái và chữ Hán bên phải, do Bác viết. Báo này không có ban biên tập làm việc thường xuyên, vì ai nấy phải làm việc, sinh sống hoặc bận các công việc sửa chữa bài vở và bán báo. Một luật sư trong Ban biên tập làm cùng Bác đã nhận xét rằng: “Anh Nguyễn Ái Quốc đã đóng góp rất nhiều cho tờ báo, anh viết khỏe, có số viết tới hai, ba bài”, “lời văn anh sắc bén, tư tưởng anh rõ ràng và mạnh mẽ”, “xem và đọc những bài và tranh đó người ta thấy rõ tác giả có một tinh thần tiến công rất chủ động và rất thông minh”.

Tôn chỉ, mục đích của báo Người cùng khổ là chiến đấu để “giải phóng con người”. Le Paria số 1 ra ngày 1-4-1922; số 38 (cuối cùng) ra tháng 4-1926. Nguyễn Ái Quốc trực tiếp phụ trách từ số 1 (4-1922) đến số 15 (6-1923); sau đó, Người rời Pháp đi Liên Xô, nhưng vẫn gửi bài về đăng báo. Tổng cộng, Nguyễn Ái Quốc có trên 30 bài viết và tranh vẽ trên báo Le Paria. Có kỳ như số ra ngày 1-8-1922 có đến ba bài viết và một bức vẽ của Bác.

Nhà báo Nguyễn Ái Quốc ngày đó là một công nhân nghèo nhưng luôn bỏ tiền túi để góp sức nuôi tờ báo Người cùng khổ hoạt động. Theo nghiên cứu của Ian Birchall, một nhà sử học người Anh: Số lượng in ban đầu của nó dường như là 1.000, chỉ tăng lên 3.000. Phần lớn trong số này đã đến các thuộc địa; trong số 2.000 bản chỉ có 500 bản ở Pháp, trong khi 500 bản đến Madagascar, 400 bản đến Dahomey, 200 bản đến Maghreb, 100 bản đến Châu Đại Dương, và 200 bản ở Đông Dương. 99 năm trước, khi làm báo Người cùng khổ, Bác đã nỗ lực và năng động tới mức trang 4 của báo đã có đăng quảng cáo thuốc men, đăng giờ tàu đến và đi, quảng cáo cho các dụng cụ cắt cỏ... Bác cũng dùng các hình thức khuyến mại, cho bạn đọc góp cổ phần qua hợp tác xã để phát triển tài chính cho báo. Tài liệu của mật thám Pháp cho biết, có lúc Le Paria phát hành đến 2.000 bản, một nửa được gửi cho các nước thuộc địa và chính từ những bài báo Bác Hồ gửi về, một người học trò vĩ đại khác đã đọc được và đi theo con đường cách mạng. Đó là là Đại tướng Võ Nguyên Giáp (!).

Ngoài tờ “Người cùng khổ” ra, Bác còn viết cho nhiều tờ báo bằng tiếng Pháp nữa. Theo thống kê chưa đầy đủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp sáng lập và tham gia sáng lập hàng chục tờ báo. Ngoài “Người Cùng Khổ” (1922); Việt Nam Hồn (1923), “Quốc tế Nông dân” (1924); còn có nhiều tờ báo như:

Ngày 21-6-1925, Bác đã sáng lập báo Thanh niên, khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam và đã trực tiếp chỉ đạo, biên tập và viết nhiều bài chính luận cho tờ báo này.

Tháng 12-1926, Bác lập ra báo Công Nông cho giai cấp công nhân và nông dân Việt Nam.

Tháng 2-1927, báo Lính Kách Mệnh.

Mùa thu năm 1928, Nguyễn Ái Quốc bí mật đến Thái Lan, Người góp ý đổi tên báo Đồng Thanh của Việt kiều thành tờ Thân Ái.

Năm 1930, Bác sáng lập tạp chí Đỏ, xuất bản ngày 5-8-1930, đồng thời là người chỉ đạo và cộng tác mật thiết của các tờ báo Đảng như Búa Liềm, Tranh Đấu, Tiếng nói của chúng ta...

Năm 1941, Bác sáng lập tờ Việt Nam Độc Lập.

Năm 1942, Bác chỉ đạo sáng lập báo Cứu Quốc nhằm tuyên truyền, cổ động và tổ chức nhân dân các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn vào các đoàn thể cứu quốc của Mặt trận Việt Minh.

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2-1951), Bác chỉ đạo thành lập báo Nhân dân. Người đã viết hàng trăm bài báo cho báo Nhân Dân để chỉ đạo, tuyên truyền đường lối cách mạng.

Tìm ra con đường cứu nước nhờ… đọc báo

Chính nhờ làm báo, viết báo và đọc báo, Nguyễn Ái Quốc đọc được tác phẩm của Lênin “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” đăng trên báo L’Humanité số ra ngày 16 và 17-7-1920 và trình bày tại Đại hội lần thứ II của Quốc tế Cộng sản họp từ ngày 19-7 đến 7-8-1920. Trong tác phẩm này, có một nội dung quan trọng là Lênin yêu cầu các Đảng Cộng sản phải giúp đỡ các nước thuộc địa và phụ thuộc, thực hiện đoàn kết giai cấp vô sản các nước tư bản với các dân tộc bị áp bức để chống kẻ thù chung là đế quốc, phong kiến.

Sau này, trong bài “Con đường dẫn tôi đến Chủ nghĩa Lênin” đăng trên báo Nhân Dân ngày 22-4-1960 nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Lênin, Bác kể lại: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: ‘Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”.

Như vậy, tính từ bài báo đầu tiên “nhỏ như bao diêm” đăng trên tờ báo Đời sống thợ thuyền năm 1917 ở Pháp đến bài báo sau cùng mà Hồ Chí Minh viết là bài “Thư trả lời Tổng thống Mỹ R.M.Nich-xơn” (Báo Nhân Dân, ngày 25-8-1969) (có tài liệu ghi là bài "Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng", ký tên T.L, đăng trên báo Nhân Dân ngày 1-6-1969), Hồ Chí Minh đã có một sự nghiệp làm báo kéo dài 52 năm.

Người đã để lại một di sản báo chí lớn với hơn 2.000 bài báo các loại, gần 300 bài thơ, gần 500 trang truyện và ký… thể hiện qua hơn 170 bút danh, viết bằng nhiều thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, Nga, Hán…

Sinh thời, khi trả lời phỏng vấn nhà báo Liên Xô Ruf Bersatxki, Người không nhận mình là nhà báo mà tâm sự: “Tôi là cây bút tiểu phẩm, nhà chính luận. Gọi là nhà tuyên truyền tôi cũng không tranh cãi, nhà cách mạng chuyên nghiệp là đúng nhất”. Thực tế cho chúng ta thấy, nhà cách mạng, nhà báo Hồ Chí Minh là một.

Một số luận điểm quan trọng của Bác Hồ về báo chí

Người luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng của báo chí và những người làm báo.

Trong Thư gửi anh em trí thức Nam Bộ, năm 1947, Người khẳng định: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà” .

Năm 1949, trong Thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng, Bác Hồ căn dặn: Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung.

Tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam ngày 16-4-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung”.

 Tại Đại hội Hội Nhà báo lần thứ III (ngày 8-9-1962), Người khẳng định: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.

Bác căn dặn cán bộ của Đảng phải thường xuyên đọc báo. Trên Báo Nhân Dân số 197, ngày 24-6-1959, Bác viết bài “Cần phải xem báo Đảng”, vì theo Người: “Tờ báo Đảng là như những lớp huấn luyện giản đơn, thiết thực và rộng khắp. Nó dạy bảo chúng ta những điều cần biết làm về tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo và công tác”.

Ngày 24-4-1965, trong điện chúc mừng Ngày Nhà báo Á - Phi gửi Hội Nhà báo Á - Phi, Bác viết: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng”. 

Theo Báo Quân đội 


Cùng chuyên mục

Thiếu nhi Hà Giang thực hiện những điều Bác dạy

BHG - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm gần gũi, thân thương cho thiếu niên, nhi đồng. Ghi nhớ 5 điều Bác dạy, lớp lớp thế hệ măng non nơi cực Bắc xa xôi của Tổ quốc đã ra sức phấn đấu trong học tập và rèn luyện để trở thành con ngoan, trò giỏi, xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ. 

31/05/2021
Tuổi trẻ Đồng Văn xung kích, tình nguyện

BHG - Nhiều năm qua, thế hệ trẻ nơi địa đầu Tổ quốc Đồng Văn đã và đang khẳng định mình thông qua nhiều hoạt động thanh niên sôi nổi, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ; khẳng định là cánh tay phải đắc lực của Đảng. Bên cạnh việc tổ chức các hoạt động xung kích, tình nguyện, tuổi trẻ huyện Đồng Văn không ngừng nỗ lực, rèn luyện, học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại, xây dựng hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới.

"Làm theo Bác, nghĩa là... 

27/05/2021
Những Đội trưởng Công an gương mẫu

BHG - Bác Hồ từng căn dặn "Công an nhân dân phải là kiểu mẫu, phải là người chuyên trách thi hành chính sách, phương châm của Đảng và Chính phủ cho tốt. Công an nhân dân phải thực sự phục vụ nhân dân" thấm nhuần lời dạy của Người năm xưa, lực lượng Công an thành phố Hà Giang đã nỗ lực, phấn đấu, phát huy hết khả năng, hết lòng cống hiến vì nhân dân phục vụ. 

26/05/2021
Nghe lời Bác dặn, vì học sinh thân yêu
BHG - Ngày 26.3.1961, khi lên thăm tỉnh ta, Bác Hồ căn dặn: "Đồng bào phải cố gắng xóa nạn mù chữ, phải biết đọc, biết viết thì làm ăn mới tiến bộ". Những năm qua, Trường PTDT nội trú THCS - THPT Yên Minh luôn khắc ghi lời Bác dạy, dành sự quan tâm, chăm lo và giáo dục tốt nhất cho học sinh, giúp các em đủ hành trang, vững tin vào tương tai.
 
26/04/2021