Lời Bác dạy là "đuốc sáng" soi đường - Kỳ 1: Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước
BHG - Cách đây tròn 60 năm, tháng 3.1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên thăm Hà Giang. Xuyên suốt chiều dài lịch sử ấy, Tám lời căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang của Người trở thành “kim chỉ Nam”, “đuốc sáng” soi đường trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc miền cực Bắc thiêng liêng của Tổ quốc. Trong đó, lớp lớp cựu chiến binh (CCB) tỉnh nhà đã gương mẫu thực hiện Tám lời căn dặn để xứng đáng với kỳ vọng Người hằng mong: “Các chú đã kinh qua một lịch sử vẻ vang… với truyền thống oanh liệt của Quân đội thì bất kỳ đi đâu, làm gì đều phải gương mẫu”.
Cựu chiến binh phường Nguyễn Trãi (thành phố Hà Giang) tham gia đảm bảo trật tự, an toàn giao thông tại cổng Trường Tiểu học Lê Lợi. |
Tám lời căn dặn thể hiện cô đọng, sâu sắc tư tưởng đổi mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của Hà Giang. Khắc sâu lời Người dạy, Hội CCB từ tỉnh đến cơ sở đã đẩy mạnh các phong trào thi đua để thực hiện Tám lời căn dặn của Bác; nhằm góp sức xây dựng quê hương Hà Giang vững mạnh nơi cực Bắc Tổ quốc – Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh, Nguyễn Văn Thắng chia sẻ.
Căn cứ vào nhiệm vụ của Hội và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương; hàng năm, các cấp Hội đã phát động nhiều phong trào thi đua đột kích trên từng lĩnh vực, như: “Xóa nhà tạm cho hội viên”, “Quyên góp làm nhà tình nghĩa”, “Xây dựng quỹ Hội”, “Thi đua phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo”, “Xây dựng Nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh”… Đặc biệt, các phong trào thi đua yêu nước này đều hướng theo những lời căn dặn của Bác về tinh thần đoàn kết, thương yêu giúp đỡ nhau như anh em một nhà, “ra sức tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để làm cho mọi người áo ấm, cơm no”… Nhằm nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cuộc sống, nhiều cơ sở Hội có giải pháp, cách làm hay, như: Theo dõi, chấm điểm thi đua, nêu gương trong các buổi sinh hoạt, tổ chức học tập mô hình, sơ kết cụ thể từng nội dung, phong trào thi đua. Trong quá trình tổ chức thực hiện, Hội CCB các cấp còn duy trì tốt công tác kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, uốn nắn kịp thời hạn chế, khuyết điểm. Chính bởi vậy, các phong trào thi đua được duy trì thường xuyên, liên tục, hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị ở cơ sở.
Cựu chiến binh huyện Vị Xuyên, Bắc Quang chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cam Sành. |
Điển hình từ các phong trào thi đua có thể kể đến cuộc vận động hội viên tham gia xây dựng NTM với chủ đề: “Hộ gia đình hội viên đảm bảo vệ sinh môi trường và giữ gìn an ninh thôn, tổ dân phố”. Theo đó, các hội viên nông dân tích cực tham gia 250 đội tự quản về an ninh trật tự, duy trì hoạt động của 200 tuyến phố văn minh. Vận động hội viên làm vườn rau xanh gắn với phong trào “Nhà sạch, vườn đẹp”; thực hiện các công trình: Nền nhà láng xi măng, bể chứa nước sinh hoạt, nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh, di dời chuồng gia súc ra xa nhà. Tiêu biểu có thể kể đến Hội CCB xã Phương Thiện (thành phố Hà Giang) thực hiện thành công nhiệm vụ “xóa cầu tiêu trên ao”, một tập quán tồn tại lâu đời trong cuộc sống đồng bào Tày. “Chìa khóa” giúp Hội CCB xã giải “bài toán” chính là tinh thần tiên phong, gương mẫu “nói đi đôi với làm” của CCB. Sau nhiều năm tuyên truyền, vận động, “mưa dầm thấm lâu”, người dân xã Phương Thiện đã xóa bỏ hoàn toàn “cầu tiêu trên ao”, xây dựng công trình vệ sinh thay thế đảm bảo mỹ quan, không gây ô nhiễm môi trường.
Cùng với kết quả trên, chỉ trong năm 2020, các cấp Hội đã tổ chức cho hội viên sinh hoạt ở cấp xã tham gia ủng hộ 143 triệu đồng và hơn 11,4 nghìn ngày công để tu sửa, làm đường giao thông và các công trình nông thôn, giúp nhau xây dựng bể nước sinh hoạt, làm công trình chuồng trại hợp vệ sinh. Những kết quả này cũng là minh chứng sinh động, thực hiện lời dạy của Bác: “Đồng bào phải chú ý vệ sinh. Muốn giữ gìn sức khỏe thì phải ăn sạch, uống sạch, mặc sạch, ở sạch, có sức khỏe thì lao động mới tốt”.
Đặc biệt, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” khi trở về thời bình, các thế hệ CCB tích cực thi đua “Dân vận khéo” trong thực hiện nhiệm vụ QP-AN, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, “hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người lên thăm Hà Giang. Trong giai đoạn 2018 – 2020, các cấp Hội đã hòa giải thành công 150 vụ việc phức tạp ở cơ sở; triển khai 1.179 tổ nắm tin, dư luận xã hội với hơn 2.000 thành viên tham gia. Qua đó, cung cấp hơn 200 tin có giá trị phục vụ cho việc đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động của tội phạm.
Nhiều mô hình về an ninh, trật tự (ANTT) đã trở thành “thương hiệu” của người quân nhân cách mạng khi chứng minh hiệu quả trong thực tiễn, như: “Quản lý, giáo dục trẻ em và người chưa thành niên làm trái pháp luật” ở phường Quang Trung, “Cổng chợ văn minh, cổng trường an toàn” ở thành phố Hà Giang hay “Làng Mông kiểu mẫu về ANTT” ở xã Lũng Táo (Đồng Văn); tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, gìn giữ chủ quyền biên giới, lãnh thổ quốc gia ở các xã biên giới…
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc