Chiến Phố theo lời Bác "làm tăng gia sản xuất"
BHG - Khắc ghi lời căn dặn của Bác: “Đồng bào phải ra sức tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để làm cho mọi người áo ấm, cơm no”; những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Chiến Phố (Hoàng Su Phì) luôn gắn việc học tập và làm theo lời Bác với công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển KT – XH ở địa phương, từng bước đa dạng hóa các mô hình kinh tế, giúp nhân dân giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Sản phẩm bột đậu nành của HTX Nông nghiệp và thương mại Ngài Thầu. |
Xã Chiến Phố có 10 thôn, bản với 2 dân tộc chủ yếu là Nùng và Mông. Vượt lên những khó khăn do điều kiện địa hình chia cắt, thiếu đất, nước sản xuất, khí hậu khắc nghiệt; những năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã đã phát huy tinh thần đoàn kết, ra sức tăng gia sản xuất và trên địa bàn xã ngày một xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả.
Thời điểm này, xã Chiến Phố chìm trong giá rét, nhưng màu xanh tươi tốt của những luống rau vụ Đông vẫn vươn lên trên những mảnh ruộng bậc thang khô cằn. Bàn tay cần cù của người nông dân đã biến những thửa ruộng trước đây chỉ bỏ hoang trong mùa Đông thành những ruộng rau, màu, không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình mà còn góp phần nâng cao thu nhập. Vừa khẩn trương thu hoạch những luống rau bắp cải, su hào, củ cải để kịp đem bán trong phiên chợ chiều, anh Giàng Seo Sử, thôn Nhìu Sang vừa chia sẻ với chúng tôi: Trước đây những thửa ruộng này chỉ trồng lúa một vụ, còn mùa Đông thường bỏ hoang do thiếu nước. Được sự tuyên truyền của chính quyền xã, người dân trong thôn tích cực triển khai trồng rau vụ Đông. Đất cằn thì gánh phân bỏ xuống, thiếu nước thì làm đường dẫn nước từ khe núi về. Hầu hết các hộ dân trong thôn đều trồng rau vụ Đông. Trồng được nhiều thì đem bán ở chợ huyện, hoặc cung ứng cho các trường học bán trú trên địa bàn, nhờ đó thu nhập của người dân cũng được nâng lên.
Những năm gần đây, xã Chiến Phố trở thành một trong những xã có diện tích cây vụ Đông tương đối lớn của huyện. Trung bình hàng năm, người dân gieo trồng trên 14 ha rau màu vụ Đông, không chỉ trồng các loại rau mà còn trồng ngô, đậu tương, vừa đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho các hộ vừa góp phần cải thiện thu nhập cho người dân.
Là địa phương có lợi thế về trồng cây ăn quả, trong đó có mận Máu – một sản phẩm OCOP của huyện được người tiêu dùng ưa chuộng; những năm qua xã Chiến Phố đã mở rộng diện tích cây mận Máu và từng bước hướng đến chế biến sâu các sản phẩm từ mận như mận sấy khô, sản xuất rượu từ mận, siro mận Máu… Đặc biệt, trên địa bàn xã đã thành lập được HTX chuyên thu mua mận của bà con, với giá thành từ 45 – 60 nghìn đồng/kg, giúp người dân ổn định đầu ra, tránh tình trạng “được mùa – mất giá”, người dân yên tâm mở rộng diện tích. Bình quân 1 ha mận Máu cho thu nhập từ 150 – 300 triệu đồng/vụ, đem lại nguồn thu đáng kể cho các hộ. Hiện nay, toàn xã có 43 ha mận Máu, trong đó có 12 ha đang cho thu hoạch. Xã thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng của huyện tổ chức tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc mận Máu, thu hoạch, sơ chế, bảo quản mận cho các hộ để nâng cao giá trị kinh tế.
Dưới sự tuyên truyền, vận động của chính quyền xã, người dân Chiến Phố đã đổi thay trong tư duy sản xuất, chuyển từ manh mún, nhỏ lẻ sang liên doanh, liên kết, từng bước hướng đến sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa. Hiện nay, xã đã thành lập được 2 HTX là HTX Thương mại dịch vụ nông, lâm nghiệp Chiến Phố chuyên thu mua và chế biến sâu các sản phẩm từ mận Máu và cung ứng vật tư nông nghiệp với 18 thành viên; HTX nông nghiệp và thương mại Ngài Thầu với 18 thành viên, thu mua và chế biến các sản phẩm từ đậu tương và sản xuất, cung ứng giống cây ăn quả đã góp phần giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho các thành viên. Ngoài ra, người dân còn chủ động thành lập các nhóm cùng sở thích như: Chăn nuôi trâu, bò, trồng mận Máu, chăn nuôi lợn, gà, dê… để hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng mối liên kết bền vững trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương, qua đó góp phần nâng cao giá trị cây trồng, vật nuôi và thu nhập.
Chủ tịch UBND xã Chiến Phố, Lù Seo Seng cho biết: Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Tám lời căn dặn của Bác khi Người lên thăm Hà Giang, cấp ủy, chính quyền xã luôn chủ động gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển KT – XH ở địa phương. Đặc biệt, chú trọng phát triển kinh tế, giảm nghèo và thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới. Qua đó, đã giúp nhân dân cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 22,3 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 38%, bộ mặt nông thôn của địa phương ngày càng khởi sắc.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc