Bác Hồ kính yêu với những dấu ấn năm Hợi
Xuân 2019 - Nhớ mãi tuổi thơ tôi, cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, cùng lũ trẻ trong làng thường được người già kể lại cảm xúc đặc biệt khi nghe thơ chúc Tết đêm giao thừa lúc sinh thời của Bác Hồ. Cho dù Bác đã đi xa, nhưng những cảm xúc đặc biệt về mùa Xuân, về Bác như còn mãi với dân tộc. Nhân năm mới Kỷ Hợi 2019, chúng ta cùng nhớ về những năm Hợi với dấu ấn đặc biệt làm nên “sức Xuân dân tộc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh!
* Năm Tân Hợi, ngày 5.6.1911, tại Cảng Nhà Rồng (Sài Gòn), người thanh niên tên Ba (Bác Hồ) lên con tàu Đô đốc La-tút-sơ-tơ-rê-vin, bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước đầy gian khổ. Con tàu hướng tới nước Pháp, nơi Người nói rằng: “Tôi muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm những gì ẩn sau những từ Tự do – Bình đẳng – Bác ái”. Từ hành trình này, đã làm thay đổi lịch sử và số phận dân tộc Việt Nam. Năm 1920, người đã được đọc Sơ thảo Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lê-nin, rồi nhận ra con đường giải phóng dân tộc và tự do cho đồng bào ta, đó là con đường cách mạng vô sản.
* Năm Quý Hợi 1923, trong bối cảnh phong trào đấu tranh trong nước gặp khó khăn; tại Quảng Châu (Trung Quốc), các đồng chí: Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Phạm Hồng Thái, Lâm Đức Thụ…, đã thành lập tổ chức Tâm tâm xã nhằm tập hợp trí thức yêu nước, đấu tranh giành quyền tự chủ cho dân tộc ta. Tâm tâm xã sau này được Bác Hồ rèn giũa và trở thành nòng cốt để thành lập tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội - tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam (ra đời ngày 3.2.1930).
* Năm Ất Hợi 1935, Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ nhất tổ chức tại Ma Cao (Trung Quốc) với sự tham dự của 13 đại biểu; bầu Ban Chấp hành Trung ương, gồm 9 ủy viên chính thức và 4 ủy viên dự khuyết; đồng thời cử đồng chí Nguyễn Ái Quốc là đại biểu của Đảng bên cạnh Quốc tế Cộng sản. Với vai trò này, Nguyễn Ái Quốc tích cực kêu gọi sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản đối với cách mạng Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung.
Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh với 87 thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác được tuyên dương tháng 3.2018. ảnh: Tư Liệu |
* Năm Đinh Hợi 1947, là mùa Xuân đầu tiên dân tộc ta được nghe Hồ Chủ tịch đọc thơ chúc Tết đồng bào, chiến sỹ. Đêm giao thừa năm ấy, Bác từ Sơn Tây di chuyển xuống Hà Đông (Hà Nội ngày nay), nơi đặt Đài Tiếng nói Việt Nam để đọc thơ chúc Tết đồng bào cả nước. Đường sá đi lại khó khăn, thời khắc Bác đặt chân đến Chùa Trầm, nơi Đài đóng chân cũng là lúc giao thừa bước sang năm Đinh Hợi. Trong không gian đơn sơ của Đài Tiếng nói Việt Nam, Người đã đọc:
“Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió
Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non song
Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến
Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng,
Tiến lên chiến sỹ, tiến lên đồng bào!
Sức ta đã mạnh, người ta đã đông
Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi!
Thống nhất độc lập, nhất định thành công!”
Từ đó thành thông lệ, cứ mỗi dịp giao thừa, cả dân tộc ta lại được lắng nghe thơ chúc Tết của Người. Giọng thơ ấy đã trở thành động lực để dân tộc ta chiến thắng mọi kẻ thù, cho ngày thống nhất non sông.
* Năm Kỷ Hợi 1959, từ chủ trương của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch thực hiện cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cần phải chi viện cho miền Nam; tháng 5, những cán bộ đầu tiên được tập hợp để thành lập “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” - Đoàn 559, chuẩn bị cho mục tiêu mở đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh chi viện cho miền Nam. Đoàn 559 đã từng bước làm nên con đường huyền thoại, chi viện miền Nam đánh thắng Mỹ - Ngụy với 5 trục đường dọc, 21 trục đường ngang, 500km đường thủy, 1.400km đường ống xăng, dầu… Con đường đã kết nối hậu phương với tiền phương, làm nên sức mạnh thống nhất non sông mùa Xuân 1975. Sau này, ngày truyền thống của Đoàn 559 được chọn là sinh nhật Bác 19.5.
* Năm Tân Hợi 1971, lúc này chúng ta đã tiến những bước quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thực hiện ước nguyện của Bác Hồ, trên thế thắng, chúng ta đã cho họ một cơ hội lịch sử có thể chấm dứt sớm cuộc chiến đầy tổn thất cho cả 2 bên, đặc biệt là danh dự của nước Mỹ. Ngày 15.4.1971, Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy đã gửi đến Mỹ 3 điều kiện để chấm dứt chiến tranh, đó là: Hoa Kỳ phải rút hết quân trước 30.6.1971 hoặc một thời điểm do họ ấn định; Hoa Kỳ không được xâm phạm chủ quyền Việt Nam; phải chấp nhận Chính phủ liên hiệp 3 lực lượng chính trị ở miền Nam do Cộng hòa miền Nam Việt Nam đề xuất. Nhưng Mỹ đã bỏ lỡ cơ hội lịch sử, để rồi cuộc chiến đấu đã đi đến cái kết không thể cứu vãn cho nước Mỹ. Ngày 30.4.1975, Sài Gòn được giải phóng. Từ đây, ước mong “Bắc Nam xum họp Xuân nào vui hơn” của Hồ Chủ tịch đã trở thành hiện thực. Sài Gòn vinh dự được đổi tên thành thành phố Hồ Chí Minh.
Huy Toán (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc