Giàng Sía Pó - điển hình phát triển kinh tế ở Tả Phìn
BHG - Sinh năm 1982, anh Giàng Sía Pó, thôn Tả Phìn B, xã Tả Phìn (Đồng Văn) đã là chủ mô hình kinh tế tổng hợp mang lại thu nhập ổn định, trở thành địa chỉ tin cậy, được bà con trong thôn, xã học tập.
Nuôi thỏ mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình anh Pó. |
Cũng giống như nhiều địa phương trên địa bàn huyện Đồng Văn, xã Tả Phìn còn nhiều khó khăn, quỹ đất sản xuất và nguồn nước rất khan hiếm nên đã ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống người dân. Với 2 con bò là tài sản bố mẹ chia cho sau khi ra ở riêng, anh Giàng Sía Pó đã mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, mua thêm bò, dê và lợn về nuôi.
Với bản tính cần cù, chịu khó, anh Pó dành nhiều thời gian đến nhiều nơi để tìm hiểu, học tập kinh nghiệm chăn nuôi. Sau nhiều năm cố gắng, đến nay, anh đã mở rộng quy mô chăn nuôi của gia đình với 7 con bò, 6 con dê và 5 con lợn nái. Khi tích lũy được vốn, anh tiếp tục tìm hiểu thêm các mô hình chăn nuôi có hiệu quả ở địa phương khác và bắt đầu nuôi thêm thỏ, chim Bồ câu. Hiện tại, gia đình anh đang có 70 con thỏ, 70 đôi chim Bồ câu. Mỗi năm anh bán được 3 lứa thỏ, với giá bán 130 nghìn đồng/kg và 120 nghìn đồng/đôi chim Bồ câu.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Pó cho biết: Hiện tại, mỗi năm gia đình thu lãi trên 80 triệu đồng từ chăn nuôi tổng hợp. Nhờ đó, các con anh đều được đến trường, anh còn mua sắm được nhiều phương tiện sinh hoạt đắt tiền. Anh Pó cho biết thêm, cán bộ xã cũng động viên anh rất nhiều trong việc mở rộng quy mô chăn nuôi, vì thế, anh đã làm hồ sơ vay vốn theo Nghị quyết số 209 của HĐND tỉnh với số tiền 100 triệu đồng để xây dựng lại chuồng trại.
Anh Thào Mí Páo, Chủ tịch UBND xã Tả Phìn cho biết: Vừa qua, trong chuyến công tác, làm việc với xã, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng đã đến thăm và động viên mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình anh Pó. Đối với xã khó khăn như Tả Phìn, người dân chưa mạnh dạn làm kinh tế, nhưng từ thành công của anh Pó, rất nhiều hộ đã đến học hỏi và mạnh dạn vay vốn chăn nuôi.
Bài, ảnh: MY LY
Ý kiến bạn đọc