Thấm sâu lời Bác trong gìn giữ "lá phổi xanh" ở Xín Mần

09:43, 21/05/2018

BHG - Nắng Xuân ấm áp trải rộng trên những cánh rừng nguyên sinh dải Tây Côn lĩnh. Hòa quyện mầu xanh lúa, ngô, đậu, lạc trên những thửa ruộng bậc thang nhấp nhô sóng lượn, nhìn xa như một bức tranh họa đồ thu hút du khách gần xa.

Chiếc ô - tô chở khách lướt nhẹ trên Quốc lộ 279 trải nhựa, tiến thẳng tới trung tâm huyện Xín Mần. Mọi người trên xe cười nói rôm rả, thỉnh thoảng lại bị xáo trộn bởi những vòng cua tay áo. Tôi chăm chú ngắm cảnh hai bên đường, một mầu xanh bạt ngàn rừng nguyên sinh, điều làm tôi ngỡ ngàng là ở đây có nhiều cây gỗ quý, to mấy người ôm ở gần đường, cành lá xum xuê tạo bóng mát cho đất rừng luôn ẩm ướt, đặc biệt là rừng cây vầu to, cao, măng rừng vươn lên tua tủa.

Để tìm hiểu ngọn ngành bí quyết bảo vệ rừng nơi đây, tôi quyết định đến cơ quan Kiểm lâm của huyện. Thời điểm này giáp ngày nghỉ Lễ 30.4 và 1.5, các cơ quan, mọi người gấp rút công việc, thu xếp hành lý chuẩn bị về thăm quê, vì đây là dịp nghỉ lễ dài ngày, ai cũng mong muốn được sum họp cùng gia đình. Thế nhưng ở Hạt Kiểm lâm Xín Mần, lãnh đạo và cán bộ các phòng vẫn cặm cụi với công việc hàng ngày. Thấy khách đến, anh Hoàng Vĩnh An, Hạt trưởng niềm nở pha trà mời.

Qua câu chuyện ban đầu, giới thiệu, hỏi thăm... tôi được biết Hạt Kiểm lâm huyện chỉ vẻn vẹn 13 thành viên, trong đó có một Hạt trưởng, một Hạt phó, một kế toán, một lái xe còn lại 9 cán bộ thành viên của hạt được phân công nằm vùng 3 trạm chính là Ngán Chiên, Khuôn Lùng, Bảo vệ rừng đèo Gió.

- Mọi thành viên trong trạm phải trực 24/24 giờ kể cả ngày nghỉ cuối tuần, đặc biệt là ngày lễ lớn. Anh nói xong, tôi hỏi:

- Anh nói, cán bộ trong Hạt phải làm cả ngày lễ, ngày nghỉ cuối tuần sao? Làm thêm giờ như vậy chắc lương cao lắm!?

Anh nhìn tôi nở nụ cười.

- Nghề của chúng tôi khác với các ngành nghề khác là phải trực cả các ngày nghỉ. Rồi anh từ từ giải thích.

- Lý do là thế này, rừng đem lại rất nhiều nguồn lợi cho con người. Chính vì vậy mà một số người xấu có tư tưởng phá rừng khai thác gỗ quý trái phép, thu gom lợị nhuận từ rừng cho riêng mình. Chúng thường nhằm vào những ngày nghỉ để dễ bề hoạt động. Chính vì thế mà cán bộ trong hạt chúng tôi phải luân phiên túc trực ngày đêm để tuần tra, ngăn ngừa chặt cây, phá rừng và phòng chống cháy rừng, kiểm tra xe vận chuyển gỗ ra khỏi địa bàn huyện.

-  Cơ quan mình ít người như vậy làm sao có thể tuần tra, bảo vệ hết các dải rừng xa trong huyện được?

Nghe tôi hỏi vậy, anh lặng im một lát như suy nghĩ điều gì rồi anh thong thả.

- Cả cơ quan tôi đều thấm nhuần Tám lời dạy của Bác Hồ khi lên thăm Hà Giang mùa Xuân năm 1961. Chúng tôi lấy đó làm then chốt trong mọi công việc để mọi người phấn đấu làm theo. Đặc biệt đối với ngành Kiểm lâm, việc bảo vệ rừng là mục tiêu rất quan trọng. Đồng thời cũng đề ra mức kỷ luật nghiêm minh đối với cán bộ vi phạm. Coi việc học tập là một trong những tiêu chí để xét thi đua hàng năm. Dọc đường vào đây chị đã thấy rồi. Huyện Xín Mần còn nhiều diện tích rừng nguyên sinh. Để quản lý,  bảo vệ và phòng, chống cháy, giữ cho rừng không bị chặt phá, chúng tôi cử cán bộ đến nằm tại các trạm ở các vùng trọng điểm. Mỗi trạm có 2 cán bộ phụ trách mấy xã quanh đó và phải trực 24/24 giờ, khi có việc đột xuất phải có mặt tại hiện trường bất kể đêm khuya hay thời tiết khắc nghiệt. Phải cùng chính quyền và nhân dân trong khu vực giải quyết dứt điểm các vụ việc, đồng thời báo cáo ngay với lãnh đạo hạt. Còn những ngày nghỉ cuối tuần thì hai người có thể thay nhau nghỉ, tuyệt đối không được bỏ trạm.

Câu nói của anh rõ ràng, dứt khoát nghe như một mệnh lệnh. Ngừng giây lát rồi anh tiếp tục trả lời theo câu hỏi của tôi.

- Mỗi cán bộ ở đây được hưởng lương theo quy định của Chính phủ, đều hưởng phụ cấp, khu vực, theo bằng cấp như các ngành nghề khác của  huyện, không có tiền làm ngoài giờ đâu.

- Các cán bộ phụ trách cơ sở xa chắc khó khăn lắm phải không anh?

 Nghe tôi hỏi, anh mỉm cười. 

- Như chị biết đấy, mỗi nơi công tác đều có thuận lợi và khó khăn khác nhau. Nhưng mình thực sự yêu nghề, biết suy nghĩ, sáng tạo trong công việc thì sẽ giải tỏa được mọi khó khăn. Đem đến một niềm vui mới trong công việc.

Câu nói ấy làm cho tôi mở mang được phần nào trong công việc của ngành. Để tìm hiểu công việc thực tế hàng ngày của cán bộ cơ quan theo lời anh kể, tôi quyết định đề xuất ý kiến là được đến một trạm của hạt. 

Nghe xong anh nhìn tôi rồi cười, nói.

- Thấy chị quyết tâm vậy thì tôi không dám ngăn. Nhưng đi cơ sở không đơn giản chút nào. Đường xa khó đi, phần đa là nơi heo hút, sống quanh vùng đó chủ yếu là người dân tộc thiểu số... Nói tóm lại là rất khó. Nếu chị muốn, tôi sẽ giới thiệu chị đến Trạm Khuôn Lùng, cách trung tâm huyện gần 50 km. Chia tay anh với cái bắt tay thật chặt, tôi đặt niềm tin ở chặng đường phía trước.

 Lộ trình hơn 2 giờ đồng hồ từ trung tâm huyện mới đến Trạm Kiểm lâm Khuôn Lùng. Xe đi vòng vèo qua các đoạn cua tay áo đến chóng mặt, thỉnh thoảng lại chồm lên bởi đoạn đường sạt lở, gồ ghề và những cây gỗ già đổ xuống sau trận mưa bão đêm qua. Hơi ẩm kết thành những vầng mây trắng dày đặc phủ kín rừng nguyên sinh. Xe từ từ leo lên đèo Gió cao vút, thời tiết như lạnh hơn, lên tới đỉnh đèo hai tai ù đi bởi gió ở độ cao hơn hai ngàn mét… Chiếc xe đi chầm chậm và dừng lại. Anh tài xế chỉ đường cho tôi vào trạm.

  Trạm là ngôi nhà xây cấp 4 lợp Prô xi măng 3 gian có đủ phòng họp, phòng ngủ, phòng khách được bố trí ở giữa vừa tiếp khách vừa làm việc. Căn phòng được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng. Ngồi tiếp tôi là anh Nguyễn Mạnh Đương, dáng người khỏe mạnh, nhanh nhẹn, thái độ niềm nở. Qua câu chuyện tôi được biết, gia đình anh ở thành phố Hà Giang. Tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp Xuân Mai - Hòa Bình anh về nhà chờ việc, giúp gia đình được 2 năm. Năm 2014 có đợt tỉnh tổ chức thi tuyển công chức anh làm hồ sơ  tham gia. Kết quả, anh đạt số điểm cao nhất.

Anh được tỉnh điều động lên Hạt Kiểm lâm huyện Xín Mần công tác từ năm 2015. Là đoàn viên trẻ, anh nhiệt tình học hỏi người đi trước và vận dụng những kiến thức đã học được ở trường vào công việc. Vì thế năm nào anh cũng hoàn thành xuất sắc công việc được giao và được lãnh đạo cấp trên khen ngợi và tin tưởng. Với thành tích đó, anh được cử đi học lớp cảm tình Đảng và phân công đi cơ sở Trạm Kiểm lâm Khuôn Lùng. Trạm chỉ có 2 người, phụ trách 3 xã là Khuôn Lùng, Nà Trì, Quảng Nguyên. Nơi đây phần đa là dân tộc thiểu số, đời sống người dân còn nhiều thiếu thốn... Đây là thử thách lớn đối với anh.

Anh tâm sự: - Ngày đầu mới đến trạm, nhìn quang cảnh nơi đây ảm đạm, khác xa với nơi gia đình tôi đang sống, biết tôi buồn, anh Trạm trưởng Hoàng Ngọc Thang luôn động viên tôi. Ngày tháng trôi qua, công việc  cuốn hút vì thế tôi chẳng còn thời gian để buồn nữa.

Nói đến đây nét mặt anh rạng rỡ, tôi cũng thấy vui cùng.

-  Động lực nào để anh làm tốt công việc của mình? Tôi hỏi.

 Mặt anh thoảng đỏ rồi nói nhỏ vừa đủ nghe:

- Cái chính là mình phải thực sự yêu nghề. Mỗi lần lên huyện họp, lãnh đạo đều nhấn mạnh thực hiện nội dung Tám lời căn dặn của Bác Hồ khi Người lên thăm Hà Giang năm 1961, mọi người trong cơ quan ai cũng phải học thuộc và làm theo. Lời dạy của Bác có ý nghĩa rất lớn đối với công tác trồng và bảo vệ rừng. Thực hiện lời căn dặn của Bác, mọi người trong cơ quan Hạt Kiểm lâm huyện Xín Mần luôn đoàn kết bên nhau vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, quyết tâm làm tròn trách nhiệm của mình, đem lại niềm tin với Đảng, với dân.

Nghe anh nói thật lưu loát, nét mặt rạng ngời. Qua chuyện trò với anh, tôi được biết, công việc hàng ngày của các anh là luôn gần gũi với nhân dân trong vùng, chú ý lắng nghe ý kiến phản hồi từ người dân trong thôn bản và phối hợp với lãnh đạo chính quyền địa phương của 3 xã để có những biện pháp thực hiện tốt nhiệm vụ. Công việc đầu tiên là tăng cường tuyên truyền trong nhân dân về cách trồng rừng, bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, nhất là mùa đốt nương làm rẫy. Phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng cho người dân hiểu được, rồi ký cam kết giữa thôn bản và UBND xã, trạm y tế, khối trường học...; từng gia đình trong thôn lại ký cam kết với UBND xã.

Ngoài làm tốt công tác chuyên môn, thành viên trong trạm còn thực hiện tốt Quyết  định số 4031/QĐ-UBND huyện Xín Mần chỉ đạo khối nông lâm nghiệp xuống các cơ sở thôn tuyên truyền công tác phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm, kết hợp với việc tuần tra rừng. Chỉ trong tháng 3.2018, tại xã Nà Trì đã tuyên truyền 5/13 thôn bản với 295 lượt người đến dự. Xã Quảng Nguyên tuyên truyền được 13/15 thôn bản với 816 lượt người tham dự và ký cam kết bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng... Công tác tuyên truyền có hiệu quả rất lớn trong nhân dân, để họ cùng nhau thực hiện tốt. Hiện các khu rừng đều có biển cấm chặt phá rừng và lấy măng. Người dân chấp hành rất tốt nên măng vầu tua tủa, những cây gỗ quý to, cao, thẳng  tắp vẫn đứng oai phong trong khu rừng nguyên sinh.

Khu vực rừng đèo Gió là điểm nhấn của huyện, rừng nguyên sinh diện tích rộng, nếu không bám sát với người dân thì khó mà giữ được. Vì vậy, các anh luôn thực hiện đúng theo Quyết định số 07/2012/QĐTTg ngày 8.12.2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành mộ số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng; Kế hoạch 313KH-UBND ngày 13.2.2016 về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và lâm sản trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2017-2020. Thành viên trong trạm phối hợp với lãnh đạo các xã thống nhất thực hiện chỉ đạo theo nội dung trên. Công việc trước tiên là tổ chức họp dân của các thôn trong 3 xã, phân tích cho dân hiểu về việc quản lý, phát triển, bảo vệ, phòng chống cháy rừng. Xử lý nghiêm những người vi phạm. Đồng thời cũng có phần thưởng thích đáng cho người làm tốt. Hướng dẫn để dân biết, dân bàn, dân làm chủ kinh phí Nhà ngước hỗ trợ từ nguồn dịch vụ môi trường rừng, khoán quản lý, bảo vệ rừng hàng năm. Số tiền đó được công khai, dân chủ. Mỗi thôn gần khu vực đó cử một thành viên tích cực vào đội chuyên tuần tra rừng hàng ngày, liên hệ chặt chẽ với  lãnh đạo trạm. Kết quả, từ ngày bàn giao cho tổ đội tuần tra, công việc chuyển biến khá tốt. Lãnh đạo luôn nhận được các nguồn tin từ dân để xử lý kịp thời việc khai thác, mua bán, tàng trữ, vận chuyển gỗ và lâm sản phụ trái phép. Đồng thời, cán bộ  trạm làm tốt công tác tuần tra, kiểm soát, vì thế trong mấy năm gần đây không xảy ra vụ việc vi phạm nào trên địa bàn.

Có được kết quả trên, công lao của anh em trong trạm cũng không nhỏ, phải lặn lội hàng ngày bất chấp thời tiết xấu để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Anh Đương trải lòng: - Nghề kiểm lâm này kể cũng vui, nhất là lúc công việc hoàn thành, được nhân dân cùng phối kết hợp. Có những ngày lễ, tết cổ truyền cùng mọi người trong thôn nâng chén chúc mừng, rồi học tiếng dân tộc phát âm chưa chuẩn, tiếng cười lại vang lên. Những lần đến nhà dân cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với gia đình họ đã để lại ấn tượng tốt. Biết gần dân, thông cảm, chia sẻ họ quý lắm. Có niềm tin với dân thì mình tuyên truyền, nói gì mọi người đều nghe... Thế nhưng cũng thật vất vả, nhiều lúc sự việc đến bất ngờ. Nửa đêm, gà gáy, trời mưa to, hay giá rét... khi có điện báo của tổ tuần tra là mình phải vùng dậy đi ngay đến đó. Nhiều khi gặp trời mưa không kịp lấy áo mưa về đến nhà quần áo đầu tóc ướt sũng, ốm mấy ngày liền. Tôi nhớ nhất bữa cơm tất niên đầu tiên ở trạm, mọi người đang vui vẻ nâng ly chúc mừng thì bất chợt có điện của người dân báo có người vác cưa máy chuẩn bị chặt cây to trong rừng. Tất cả mọi người cùng thật nhanh đến địa điểm đó. Kẻ xấu thấy vậy liền bỏ chạy, may mà phát hiện kịp thời, chúng vẫn chưa kịp ra tay.

Nghe câu chuyện của anh, tôi thực sự cảm động. Lòng yêu nghề, trách nhiệm công việc cao, mà các anh phải quên ăn, quên ngủ vượt qua bao khó khăn gian khổ, ngày đêm bám rừng quyết tâm bảo vệ, giữ lấy mầu xanh cho đất nước, bảo vệ môi trường sống cho nhân loại.

Chia tay đèo Gió, trong tôi còn in đậm những lời nói chân tình, công việc làm thực tế của các anh kiểm lâm từ huyện đến các cơ sở. Tôi thầm nghĩ, nếu làm tốt công tác tuyên truyền để dân hiểu, dân bàn, dân nghe theo cùng với sự đoàn kết, thân thiện với  người dân  trên địa bàn nơi mình công tác thì dù công việc khó khăn đến mấy cũng sẽ thành công. Đúng như lời Bác Hồ dạy “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó ngàn lần dân liệu cũng xong”.   

Ký: Nguyễn Thị Nhung


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Khắc sâu lời Bác

BHG - Những ngày tháng 5 lịch sử, triệu triệu trái tim Việt dù đang sinh sống, học tập, làm việc ở năm châu, bốn bể cũng đều hòa chung nhịp đập, thổn thức hướng về kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Hòa chung niềm vui, trên vùng rẻo cao Hà Giang, đồng bào Mông, Tày, Nùng, Thái, Dao… cũng luôn đoàn kết, tích cực tăng gia sản xuất, làm nhiều việc tốt, lập thành tích dâng lên Bác Hồ kính yêu. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh ta luôn nỗ lực học tập, làm theo Bác, thực hiện tốt Tám lời căn dặn khi Người lên thăm (ngày 26.3.1961).

 

18/05/2018
Người thầy tâm huyết với sự nghiệp "trồng người" trên Cao nguyên đá Đồng Văn

BHG - Sinh ra và lớn lên ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh Đỗ Công Tùng đã ước mơ trở thành thầy giáo. Sau khi tốt nghiệp Đại học Dân lập Phú Xuân (Thừa Thiên - Huế) chuyên ngành Ngữ văn năm 2008, tháng 6.2009, thầy Tùng tình nguyện lên dạy học trên Cao nguyên đá Đồng Văn và được tuyển dụng và phân công dạy tại Trường THCS xã Phố Cáo. Tháng 10.2013, được điều động công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Sủng Trái.

 

18/05/2018
Bác Hồ gửi Thư khen 4 xã tỉnh ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp

BHG - Trong lần làm việc với Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Thi đua khen thưởng T.Ư Trần Thị Hà cách đây mấy năm, Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh có trao đổi, xác minh thông tin Bác Hồ trao Bằng khen cho một số xã của tỉnh giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đồng chí Trần Thị Hà đã yêu cầu cán bộ Ban Thi đua khen thưởng T.Ư tra cứu thông tin, nhưng không có dữ liệu lưu trữ. Từ những thông tin Bí thư Tỉnh ủy trao đổi, tôi lần tìm nhiều nguồn tư liệu và phát hiện trong chính kho tư liệu của mình những thông tin về việc Bác Hồ gửi thư khen 4 xã của tỉnh ta trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp.

18/05/2018
Lan tỏa phong trào thi đua yêu nước ở Đồng Văn

BHG - Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất", thời gian qua, đội ngũ cán bộ, chiến sỹ, nhân dân các dân tộc huyện Đồng Văn luôn tích cực hưởng ứng, thực hiện trên tất cả các lĩnh vực. Kết quả đó góp phần vào công cuộc xây dựng huyện ngày một đổi mới, phát triển. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng sự cố gắng, nỗ lực của cán bộ, nhân dân; huyện Đồng Văn đã giành được những thành tựu to lớn trên hầu hết các lĩnh vực...

 

17/05/2018