Hoàng Quang Hồng thoát nghèo nhờ phát triển giống lúa bản địa và chăn nuôi
BHG - Anh Hoàng Quang Hồng (sinh năm 1970) là tấm gương làm kinh tế giỏi của thôn Ma Lé, xã Ma Lé, huyện Đồng Văn. Anh Hồng thoát nghèo nhờ sự tận tâm với hai giống lúa bản địa nổi danh là Khẩu Mang và Nếp Hái. Gia đình anh vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phòng trào thi đua của tỉnh Hà Giang năm 2017.
Anh Hoàng Quang Hồng với cum giống lúa bản địa. |
Khẩu Mang và Nếp Hái là hai giống lúa bản địa đang cần được bảo tồn và phát triển. Theo anh Hồng, hai giống lúa này có chất lượng cao, tuy nhiên trước đây vì chưa hiểu hết giá trị, lại lo ngại năng suất thấp nên người dân ít gieo trồng. Những năn gần đây, dưới sự chỉ dẫn của cán bộ thôn, gia đình anh tập trung gieo trồng hai giống lúa này, lấy chất lượng sản phẩm làm đầu và đã gặt hái nhiều kết quả tốt đẹp. Được Nhà nước hỗ trợ về giống, năm vừa rồi, anh Hồng gieo trồng 15 kg giống Khẩu Mang cùng gần 10 kg Nếp Hái và thu được khoảng 5 tạ thóc mỗi loại. Trên thị trường, gạo Khẩu Mang có giá 30 nghìn đồng/kg, gạo Nếp Hái 50 nghìn đồng/kg. Khẩu Mang và Nếp Hái lợi nhuận gấp 3 lần so với các giống lúa trước đây.
Sống trên mảnh đất rẻo cao cực Bắc khó khăn, gia đình anh Hồng luôn chăm chỉ làm lụng, đất và người cùng tảo tần, không ngơi nghỉ để vươn lên thoát nghèo. Ngoài trồng lúa, gia đình còn trồng thêm Tam giác mạch phục vụ du lịch, trồng ngô nấu rượu và trồng các loại rau trái vụ để tăng thu nhập. Chăn nuôi bò và lợn cũng tạo nguồn thu ổn định. Mỗi năm anh Hồng xuất được 15 – 20 con lợn, 6 - 8 con bò. Tổng thu nhập của gia đình anh đạt khoảng 100 triệu đồng/năm.
Đặc biệt, anh Hoàng Văn Hồng còn là tấm gương cho sự thông minh, sáng tạo khi ứng dụng thành công công nghệ đệm lót sinh học trong chăn nuôi. Đó là hình thức chăn nuôi trên nền đệm lót làm bằng nguyên liệu sẵn có như trấu, mùn cưa,… trộn với men vi sinh để phân hủy chất thải nhằm giảm khí độc, mùi hôi. Anh Hồng cho biết: Từ khi sử dụng đệm lót sinh học, đàn lợn nhà anh khỏe mạnh, mau lớn vì chuồng nuôi sạch sẽ lại có hơi ấm tự nhiên từ lớp lót dày hơn 1 mét, vợ chồng anh cũng không tốn nhiều công sức để dọn dẹp chuồng trại mỗi ngày. Phương thức chăn nuôi này hiện đang được khuyến khích phát triển trên cả nước. Anh Hồng là người tiên phong trong việc thực hiện đệm lót sinh học để tăng năng suất và bảo vệ môi trường tại xã Ma Lé. Nhờ có Trạm khuyến nông và các cán bộ hướng dẫn tận tình, cầm tay chỉ việc cho người dân mà gia đình anh Hồng đã áp dụng thành công công nghệ tiên tiến này.
Anh Phúc Trọng Binh, Phó Chủ tịch UBND xã Ma Lé cho biết: “Theo chủ trương Đại hội Đảng bộ huyện Đồng Văn về thực hiện Nghị quyết “3 cây, 4 con”, xã Ma Lé có hộ gia đình anh Hoàng Quang Hồng là một điển hình về phát triển kinh tế, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng. Trong lĩnh vực trồng trọt, gia đình đã duy trì được việc phát triển giống Nếp Hái, lúa Khẩu Mang vì có giá trị kinh tế rất cao, nhu cầu của người tiêu dùng lớn. Về chăn nuôi, anh Hồng đi đầu trong việc thực hiện đệm lót sinh học trong chuồng trại. Gia đình anh đã nêu gương làm kinh tế cho nhiều gia đình khác trong xã”.
Bài, ảnh: TRẦN MAI
Ý kiến bạn đọc