Chủ tịch Hội Phụ nữ phường năng động phát triển kinh tế
BHG - Là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Ngọc Hà, chị Hoàng Thị Dung luôn băn khoăn, trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế cho chị em hội viên (HV). Chính điều này, đã thôi thúc chị mạnh dạn đầu tư thử nghiệm mô hình trồng nấm Mỡ tại gia đình. Sau thời gian thử nghiệm, mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, là cơ sở để chị em HV học tập và làm theo.
Chị Hoàng Thị Dung (sinh 1972), có thời gian gắn bó với công tác phụ nữ đã hơn 10 năm. Trên cương vị của mình, chị luôn quan tâm đến đời sống vật chất cũng như tình thần cho chị em HV. Bên cạnh đó, chị luôn làm tốt công tác lãnh, chỉ đạo các Chi hội hưởng ứng có hiệu quả các phong trào, cuộc vận động của trên; thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của HV để kịp thời giải quyết.
Xuất phát từ sự gắn bó với nghề nông, cùng quá trình đi sâu tìm hiểu về đời sống của từng HV; qua đó, chị luôn tìm tòi những mô hình kinh tế phù hợp với thực tiễn địa phương để giúp chị em HV phát triển kinh tế gia đình. Chị xác định, muốn làm giàu không chỉ dựa vào đôi bàn tay mà phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật và chuyển dịch cơ cấu cây trồng,... chị quyết tâm xây dựng thành công mô hình kinh tế của gia đình mình, sau đó, nhân rộng cho chị em HV, với mô hình trồng nấm Mỡ. Chị Dung cho hay: Sau quá trình nghiên cứu và tham gia khóa học về nghề trồng nấm do Trạm Khuyến nông thành phố Hà Giang tổ chức; nhận thấy về điều kiện, thổ nhưỡng rất thuận lợi để phát triển cây nấm Mỡ, nên chị đã mạnh dạn trồng thử nghiệm. Hơn nữa, cây nấm Mỡ được trồng ở khu vực thành phố Hà Giang khi đó chưa nhiều mà nhu cầu tiêu thụ lại rất lớn; nên đây sẽ là cơ hội thuận lợi cho sự thành công của mô hình.
Trước khi bắt tay vào thực hiện, chị Dung đã dành thời gian đến tham quan, học tập tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nấm thuộc Viện Di truyền Nông nghiệp. Tại đây, chị tìm hiểu về quy trình kỹ thuật, cách chăm sóc... Với số vốn ban đầu là 25 triệu đồng, chị dựng một nhà xưởng rộng 130 m2, đảm bảo các yếu tố như: Nguồn nước, ánh sáng, nhiệt độ… Bên trong nhà xưởng được thiết kế khung sắt để đỡ các giàn nấm. Chị Dung cho biết thêm, trồng nấm có thể tận dụng được những nguyên liệu, phụ phẩm trong nông nghiệp như: Rơm, mùn cưa, vỏ trấu sẵn có tại địa phương, giúp giảm chi phí đầu tư’ mô hình đầu tư ít, không tốn nhiều phân bón; nhưng quan trọng là phải đúng yêu cầu kỹ thuật thì cây nấm giống mới đậu và sinh trưởng tốt.
Bỏ ra 7 kg nấm giống, tương đương với 2 triệu đồng; cuối tháng 10.2017, chị Dung đã được thu mẻ nấm đầu tiên. Trung bình, mỗi ngày chị thu hái được 18 kg nấm và bán cho một số nhà hàng trên địa bàn thành phố và thương lái, với giá từ 70-80 nghìn đồng/kg. Đến nay, sau trừ chi phí bỏ ra đầu tư ban đầu; mô hình trồng nấm Mỡ của chị đã có lãi và hứa hẹn sẽ là mô hình triển vọng tại địa phương. Bước đầu thành công, chị Dung đã chia sẻ với nhiều chị em HV, phụ nữ về trồng nấm Mỡ và khuyến khích chị em mạnh dạn thử nghiệm.
Từ kinh nghiệm thực tế, chị Dung cho biết thêm: Trồng nấm Mỡ không đòi hỏi vốn lớn, nhưng đòi hỏi sự chịu khó, siêng năng từ khâu chọn nguyên liệu, ủ rơm đến chuẩn bị đất... Trong thời gian tới, chị sẽ chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ cho những HV, phụ nữ trên địa bàn có nhu cầu trồng nấm như chị tiếp cận với kỹ thuật trồng nấm Mỡ để nhân rộng mô hình ở các chi hội; nhằm giúp chị em có thêm việc làm và nguồn thu nhập; từng bước ổn định cuộc sống.
Bài, ảnh: PHẠM HOAN
Ý kiến bạn đọc