Chuyện về người cán bộ thôn vận dụng tư tưởng của Bác vào xây dựng Nông thôn mới

17:01, 28/12/2017

BHG - “Ở thôn này, từ khi có con đường bê-tông nối liền ra đường lớn mới thấy đời sống người dân từng bước thay đổi. Để có được con đường như hôm nay, công lớn phải kể đến người cán bộ thôn đã biết cách vận dụng tư tưởng của Bác Hồ trong việc lấy dân làm gốc vào thực tế xây dựng Nông thôn mới (NTM). Anh không chỉ hiến đất và bỏ công góp sức mở đường mà còn sẵn sàng đến trực tiếp từng nhà tuyên truyền, vận động nhằm phát huy nội lực sức dân” – Đó là nhận xét của đồng chí Vàng Mí Dình, Bí thư Đảng ủy xã Pải Lủng (Mèo Vạc) khi kể về anh Hờ Pà Chứ, cán bộ người Mông đang đảm nhiệm chức vụ Phó Trưởng thôn Pải Lủng.

Chúng tôi về thôn Pải Lủng vào một sớm Đông lạnh. Cơn mưa nhỏ làm mặt đường bê-tông dẫn vào thôn thêm láng ướt. Đồng chí Lý Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Pải Lủng đi cùng, bảo rằng: Con đường này được hoàn thành cách đây chưa lâu. Từ khi có đường mới, nhiều nhà đã đầu tư mua xe máy để tiện đi lại. Trước đây, con đường hẹp chỉ vừa đủ cho một chiếc xe máy; muốn vào thôn phải mất nửa giờ đồng hồ vì đường có nhiều tảng đá to chắn lối; những hôm trời mưa chỉ có thể đi bộ. Bây giờ, chưa đầy 5 phút đi xe đã có thể tới tận trung tâm thôn… Ngôi nhà của Hờ Pà Chứ nằm yên bình bên xóm nhỏ dưới thung lũng được bao quanh bởi những dãy núi đá sừng sững. Trong ngôi nhà đặc trưng của đồng bào Mông, Hờ Pà Chứ đón chúng tôi bằng cái bắt tay thật chặt. Ấn tượng về anh đó là nét mặt của người đàn ông tuổi 40 xạm đen vì nắng, gió nhưng lại có nụ cười hiền hậu, tính cách thật thà và tấm lòng mến khách.

Anh Hờ Pà Chứ (đầu tiên từ trái sang) bên điểm trường do gia đình anh hiến đất để xây dựng.
Anh Hờ Pà Chứ (đầu tiên từ trái sang) bên điểm trường do gia đình anh hiến đất để xây dựng.

Bên ấm trà nóng, Hờ Pà Chứ tươi cười kể cho chúng tôi nghe về những tháng sinh sống nơi miền đá núi. Sinh năm 1977 ở miền sơn cước Pải Lủng, đến 19 tuổi, tuy có nhiều cô gái thầm yêu, trộm nhớ chàng thanh niên cần cù, chịu khó nhưng Chứ quyết định xây dựng gia đình với một thiếu nữ cùng thôn. Đó cũng là thời điểm Chứ được mọi người tin tưởng giao gánh vác công việc trong thôn khi bầu anh làm Phó Trưởng thôn. Cuộc sống êm đềm cứ thế trôi đi, sống hòa thuận trong ngôi nhà nhỏ rộn rã tiếng cười. Lúc ra ở riêng, vợ chồng Chứ được bố mẹ chia cho đất làm nhà và đất ruộng nương. Do gia đình đông anh em nên diện tích đất chia cho vợ chồng Chứ không đủ sản xuất. Để đảm bảo cuộc sống, vợ chồng anh đã vay mượn tiền đầu tư nuôi bò và nuôi thêm lợn, gà. Dù khó khăn là vậy, nhưng khi nhìn thấy con em trong thôn phải học trong lớp học tạm bợ ở điểm trường cách xa nhà, vợ chồng Chứ đã bàn nhau hiến khu đất tại trung tâm thôn và bản thân Chứ đứng ra vận động bà con góp sức để xây dựng điểm trường, tạo thuận lợi cho các cháu học sinh đi học. Đồng thời, đảm nhiệm luôn việc trông coi điểm trường khi học sinh nghỉ học. “Ngày trước, con bị bệnh, đưa con đi khám nhưng biết ít tiếng phổ thông nên thấy khổ lắm. Mình đã không được học nhiều thì phải cho con em mình đi học. Vì thế mà mình hiến đất làm điểm trường, giúp các cháu biết cái chữ để sau này đỡ khổ” – Hờ Pà Chứ tâm sự với chúng tôi như thế.

Tiếp thêm câu chuyện, Phó Chủ tịch UBND xã Pải Lủng, Lý Văn Đông cho biết: Ở thôn Pải Lủng, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Cả thôn có 123 hộ, trên 80% đồng bào dân tộc Mông sinh sống; thôn có hơn một nửa số hộ thuộc diện nghèo. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nghèo nhưng có lẽ nguyên nhân chính là do đường xá đi lại khó khăn; xuất phát điểm nền kinh tế của thôn thấp; trình độ dân trí còn hạn chế. Tuy nhiên, dù khó khăn, anh Chứ vẫn luôn chủ động gương mẫu đi đầu, tự ý thức được việc đi tiên phong để vận động nhân dân làm theo. “Mặc dù chỉ đảm nhiệm chức vụ Phó Trưởng thôn nhưng với hơn 20 năm gánh việc nước, việc làng, anh Hờ Pà Chứ hội tụ khá đầy đủ các yếu tố của một người cán bộ gương mẫu, nói đi đôi với làm, phát huy sức mạnh nhân dân thông qua công tác dân vận” – đồng chí Lý Văn Đông khẳng định.

Ngoài việc huy động sức dân xây dựng NTM, anh Hờ Pà Chứ còn gương mẫu, đi đầu trong phát triển kinh tế (Trong ảnh: Anh Chứ chăm sóc đàn bò của gia đình).
Ngoài việc huy động sức dân xây dựng NTM, anh Hờ Pà Chứ còn gương mẫu, đi đầu trong phát triển kinh tế (Trong ảnh: Anh Chứ chăm sóc đàn bò của gia đình).

Quả thật, những lời nhận xét của lãnh đạo xã Pải Lủng không hề sai khi chúng tôi được nghe Hờ Pà Chứ kể về tháng ngày vận động người dân góp sức mở đường. Trải qua bao năm gắn bó với miền đá nghèo, Chứ hiểu rằng khó khăn nhất với gia đình và bà con trong thôn chính là con đường nhỏ cheo leo bám bên sườn núi đã cản bước đời sống người dân. Khi chương trình xây dựng NTM được triển khai, nhận thấy đây là cơ hội để giúp người dân bớt khổ, Chứ đã đi đầu trong việc tuyên truyền, vận động bà con trong thôn. Anh cũng hiểu rằng, không làm cho người dân nhận thấy lợi ích mang lại từ chương trình NTM và không có sự đồng lòng của bà con thì không thể thực hiện việc mở đường giao thông. Nghĩ là làm, trong những buổi họp thôn hoặc tranh thủ lúc đi làm nương và khi tối đến, Chứ nói chuyện trực tiếp với mọi người, nói rõ phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; chỉ từng việc cần làm để tránh tình trạng người dân ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước. Biết được tính cách, tập tục của người dân, nhiều lần Chứ đã bỏ tiền mua gà, vịt tiếp đãi bà con tại nhà mình để tuyên truyền và vận động nhân dân hiến đất. Bản thân gia đình anh cũng hiến một phần diện tích canh tác nơi có con đường đi qua. Khi lòng dân đồng thuận, Chứ đã vận động nhân dân đóng góp ngày công lao động bằng việc mỗi gia đình phân công một người tham gia mở đường. Trong quá trình triển khai, khó khăn nhất chính là mặt đường và phần tả luy dương có nhiều tảng đá lớn nên gây trở ngại trong việc phá đá. Để hoàn thành việc san lấp mặt đường, người dân nơi đây đã góp củi, kiên trì đốt lửa làm vỡ đá trong hơn 2 tháng ròng để mở đường. Với 2 tấn xi-măng hỗ trợ của xã theo chương trình NTM, bà con thôn Pải Lủng đã hoàn thành tuyến đường hơn 2km trong niềm hân hoan. Những đóng góp của Hờ Pà Chứ tuy nhỏ nhưng với việc đi đầu trong huy động sức dân, góp phần làm đổi thay diện mạo thôn Pải Lủng, anh đã được xã Pải Lủng và huyện Mèo Vạc biểu dương, khen thưởng do có đóng góp tích cực vào thực hiện chương trình xây dựng NTM. Từ những việc làm đóng góp cho nhân dân, Hờ Pà Chứ được cấp ủy, chính quyền xã Pải Lủng nhận định là một trong những tấm gương tiêu biểu trong “học tập” và “làm theo” gương Bác trên địa bàn.

 Ngoài việc gương mẫu, đi đầu, nói đi đôi với làm, Hờ Pà Chứ còn được đánh giá là người thực hiện tốt “Tám lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Hà Giang” khi anh là người cụ thể hóa lời dặn của Người vào cuộc sống thường nhật. Xác định tiêu chí quan trọng nhất trong chương trình xây dựng NTM đó chính là nâng cao thu nhập cho người dân, vợ chồng anh đã chủ động áp dụng KHKT vào sản xuất để tăng năng suất, sản lượng cây trồng. Anh mạnh dạn đưa giống ngô năng suất cao vào gieo trồng thay cho giống ngô địa phương năng suất thấp; chuyển đổi đất sang trồng cỏ để phát triển chăn nuôi; chú trọng trồng xen canh các loại rau màu trong vụ Đông. Vì thế, đời sống gia đình ngày một ổn định, thu nhập tăng lên theo hàng năm, đảm bảo cho các con được học hành tử tế. Đồng thời, anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với người dân để bà con trong thôn tự lực vươn lên thoát khỏi đói nghèo.

Chia tay thôn Pải Lủng khi cơn mưa chiều vẫn không ngừng rơi trên miền đá núi. Hình ảnh chúng tôi mang theo trong hành trình đó là con đường bê-tông rộng rãi chạy quanh sườn núi, những đứa trẻ ngây ngô trong điểm trường vững chãi và một người cán bộ thôn thực sự vì dân; một người biết đặt lợi ích của mọi người lên trên lợi ích bản thân. Tin rằng, trong một ngày không xa, Pải Lủng sẽ mang một diện mạo hoàn toàn mới khi ở đó vẫn còn những người như Hờ Pà Chứ.

Bút ký của KIM TIẾN

Pải Lủng, tháng 12.2017


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Liên hoan Thanh niên tiên tiến Đoàn khối các cơ quan các tỉnh, thành phố phía Bắc

BHG - Trong các ngày từ 27 đến 29-10, tại thành phố Bắc Giang đã diễn ra Liên hoan Thanh niên tiên tiến Đoàn khối các cơ quan các tỉnh, thành phố phía Bắc lần thứ XII do Đoàn Thanh niên Khối các cơ quan tỉnh Bắc Giang đăng cai tổ chức.

31/10/2017
"Bông hồng Vàng" trên cao nguyên đá

BHG - Quê hương ở tỉnh Phú Thọ, nhưng mảnh đất nơi chị sinh ra và cống hiến là Hà Giang, nơi mà chị dành bao tâm huyết và công sức dày công vun đắp, dựng xây. Đó là chị Trần Thị Thu Hương, Chủ tịch Công ty Xăng Dầu (Petrolimex) Hà Giang.

30/10/2017
Nữ Trưởng thôn nhiệt tình, tận tụy

BHG - Gần 20 năm gắn bó với công tác xã hội, trong đó có gần 4 năm làm Trưởng thôn Xuân Hà, xã Yên Hà (Quang Bình), chị Hoàng Thị Thanh Chuyền (sinh năm 1975) không chỉ một người cán bộ năng động, nhiệt tình trong các phong trào hoạt động ở địa phương, mà chị còn được nhiều người dân trong thôn, trong xã biết đến như một tấm gương đi đầu trong việc phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu; một điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua học tập và làm theo gương Bác.

29/11/2017
Thủ lĩnh Đoàn tiên phong

BHG - Mang trong mình bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, Phó Bí thư Đoàn xã Việt Lâm (Vị Xuyên), Hà Ngọc Châm đã quyết tâm biến ước mơ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học trở thành hiện thực với một HTX thanh niên được thành lập vào đầu năm 2017 do chính Châm làm Giám đốc; qua đó đã trở thành động lực để đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn học tập và nỗ lực vươn lên trên bước đường lập thân, lập nghiệp.

24/11/2017