Vượt qua chính mình
BHG - Đó là Thượng úy Lâm Văn Chinh, Giám định viên Tư pháp về pháp y và sinh học, thuộc Phòng Kỹ thuật Hình sự (Công an tỉnh).
Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo thuộc huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang), anh ôm ấp ước mơ trở thành một bác sĩ để khám chữa bệnh, cứu chữa người đau ốm thành người khỏe mạnh. Thế nhưng, sau khi học xong chuyên nghiệp, xin vào lực lượng Công an nhân dân, anh lại gắn với cái nghề không ai muốn: tiếp xúc với những tử thi để tìm ra nguyên nhân dẫn đến chết.
Kể từ đó, dù bất kể ngày đêm hay mưa bão, cả những ngày lễ, Tết; khi nhận được thông tin có án mạng hay những người chết không rõ nguyên nhân, anh cùng đồng đội lại lên đường. Điểm đến có khi là bờ sông, bờ suối, núi cao, vực thẳm… Với nhiệm vụ của mình, anh cùng đồng đội phải “bắt” những tử thi “lên tiếng” khách quan nhất. Hầu hết các vụ giải phẫu pháp y đều phải thực hiện ở hiện trường, trang thiết bị chưa đáp ứng, những bác sĩ pháp y phải thực hiện nhiệm vụ ở những tư thế không thuận lợi. Có những tử thi đang trong giai đoạn phân hủy, thối rữa, tử khí nồng nặc nhưng các anh vẫn phải tiến hành giải phẫu, khám nghiệm toàn diện, tỷ mỉ và chính xác để đáp ứng được yêu cầu: làm sao mà chết, chết vì nguyên nhân gì, chết như thế nào…? Ở một môi trường như vậy, nếu không bản lĩnh và yêu nghề, nhiều người rất dễ bỏ cuộc.
Nói về công việc của mình, Thượng úy Lâm Văn Chinh chia sẻ: do đặc thù công việc, khi có yêu cầu, các anh lập tức có mặt tại hiện trường sớm nhất. Nhiều lúc mệt mỏi cả về thể chất và tâm trạng; làm việc này phải vượt qua được những sợ hãi và ánh mắt “định kiến” của mọi người, vượt qua được cái “tôi” bình thường nhất của con người. Anh nhớ như in vụ án đối tượng tâm thần Phù Minh Tuấn, trong phút chốc dùng dao sát hại 4 sinh mạng là người thân ở thôn Tả Ngảo, xã Tân Trịnh (Quang Bình): Vụ việc xảy ra gần 1 năm, mỗi khi nhắc lại anh không khỏi rùng mình. Hoặc những vụ việc liên quan đến tai nạn giao thông, tất cả các bộ phận trên cơ thể nạn nhân đều biến dạng, lục phủ ngũ tạng lộ ra bên ngoài, tiếp xúc với hình hài của các tử thi chỉ qua một lớp găng tay mỏng, cảm giác gần như thật nhất trong mỗi lần cầm, nắm, đụng chạm vào những bộ phận của thi thể…Những vụ việc này luôn để lại nỗi ám ảnh dài lâu bởi có những sinh mạng rất ngây thơ và tội nghiệp. Anh “bật mí”: Để thoát khỏi những ám ảnh đó trong thực hiện nhiệm vụ và cuộc sống hàng ngày, thì chỉ nghĩ đến công việc, đến cơ chế tác động vết thương, dạng hung khí nào,… vì khi kết luận nguyên nhân dẫn đến chết một cách khách quan thì mới cảm thấy thanh thản với những nạn nhân. Những vụ việc chưa tìm ra nguyên nhân, các anh luôn cảm thấy day dứt và dằn vặt, cảm thấy có lỗi với người đã khuất!
Với đặc thù địa bàn rộng, địa hình chia cắt, hiểm trở, đi lại khó khăn,… nhưng không vì thế mà anh nản chí. Có những ngày, đơn vị nhận được 4 yêu cầu trưng cầu giám định pháp y ở các địa bàn khác nhau. Lực lượng mỏng, địa bàn lại rộng, anh phải sắp xếp công việc, đường đi sao cho hợp lý mà vẫn đảm bảo hoàn thành được yêu cầu nhiệm vụ. Nếu không phải những người có “thần kinh thép” có lẽ nhiệm vụ khó mà hoàn thành. Không phải vụ việc nào giống vụ việc nào, những hình ảnh rùng rợn và thương tâm nhất luôn xuất hiện, khiến những người trực tiếp thực hiện vô cùng mệt mỏi. Anh kể, nhiều khi ngồi ăn cơm cùng mọi người, khi biết được công việc thật của mình, nhiều người ái ngại, rụt rè, có người còn tạo khoảng cách ngay mâm cơm.
Để đáp ứng được yêu cầu công việc, người giám định viên phải có kiến thức tốt về giải phẫu bệnh lý, chấn thương học y pháp và chất độc y pháp. Ba loại kiến thức này trong quá trình giám định luôn phải gắn liền với nhau để xác định, tổng hợp lại với nhiều kiến thức, cùng với hàng loạt biện pháp khác để những tử thi “lên tiếng” vì sao mình bị chết… Thượng úy Chinh tâm sự: Công việc này không thể lựa chọn được, nhưng khi đã bắt tay vào thực hiện, chỉ có thể nói là say nghề, những kết luận của mình luôn xứng đáng và ý nghĩa với mồ hôi công sức mình đã đổ, bởi những kết luận luôn là những cơ sở ban đầu cho cơ quan điều tra, là niềm tin của người dân chờ đợi lực lượng. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, anh mong muốn có những bộ đồ bảo hộ tốt hơn, bởi đặc thù như vậy, nguy cơ phơi nhiễm các loại bệnh như HIV, viêm gan B, lao là rất cao.
Từ tháng 9.2016 đến nay, anh đã trực tiếp thực hiện 99 vụ giải phẫu với hơn 100 tử thi. Có những tử thi phải khai quật lại, có những tử thi đang trong giai đoạn phân hủy thối rữa, tử khí bốc lên nồng nặc,… Sau những vụ việc, Hội đồng khám nghiệm tiến hành họp và đánh giá, những ý kiến, nhận định, kết luận của Thượng úy Lâm Văn Chinh luôn được đánh giá cao, làm rõ bản chất vụ việc để từ đó, cơ quan chức năng đề ra những phương án xử lý tiếp theo. Hơn hết, anh đã vượt qua được chính mình để âm thầm, lặng lẽ đóng góp vào thành tích chung của lực lượng trong công tác đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương.
Bài, ảnh: Lân Nguyễn
Ý kiến bạn đọc