Người thương binh"tàn nhưng không phế"
BHG- Một thời từng cầm súng chiến đấu, dành trọn tuổi xuân cho độc lập dân tộc, đến khi đất nước lập lại hòa bình, trở về với cuộc sống thường nhật, người thương binh hạng ¼ Phạm Xuân Hải, trú tại tổ 7, thị trấn Vị Xuyên (Vị Xuyên) vẫn tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, vượt qua mọi khó khăn, tích cực lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới, trở thành tấm gương thương binh “tàn nhưng không phế” ở địa phương.
Dù tỷ lệ thương tật 86%, nhưng thương binh Phạm Xuân Hải vẫn tích cực lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no. Trong ảnh: Ông Hải bán hàng cho khách. |
Sinh năm 1959, quê gốc ở Xuân Trường – Nam Định; tuổi vừa đôi mươi, ông Hải nhập ngũ trở thành chiến sỹ Đồn Biên phòng 109, đóng chân trên địa bàn xã Lao Chải (Vị Xuyên) khi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc đang vào thời điểm khốc liệt nhất. Năm 1986, ông bị thương nặng nên phục viên trở về sống cùng gia đình tại thị trấn Vị Xuyên với tỷ lệ thương tật 86%, mất 1 bàn tay và đôi mắt bị mờ. Vì mặc cảm thương tật, bản thân lại ốm đau thường xuyên nên ông cứ ở vậy mãi đến gần chục năm sau mới có người đồng ý nên duyên vợ chồng. Nhưng khi đứa con mới chào đời được 6 tháng, ông thường xuyên đau ốm, bao nhiêu tiền của gia đình dồn hết chữa bệnh cho ông, vì không chịu được cảnh sống túng thiếu nên người vợ đầu đã bỏ đi, để lại ông một mình ốm đau với đứa con thơ khát sữa. Cuộc đời ông bước vào chuỗi những tháng ngày “gà trống nuôi con”, bệnh tật đeo bám, khó khăn, túng thiếu triền miên.Rồi hạnh phúc cũng mỉm cười với ông khi một thời gian sau, có một người con gái vì cảm mến đức tính cần cù và thương người thương binh hạng nặng “gà trống nuôi con” đã nguyện gắn bó cuộc đời, nên duyên vợ chồng cùng ông. Từ đây, cuộc đời ông bước sang trang mới. Hai vợ chồng đồng sức, đồng lòng vun đắp hạnh phúc gia đình, xây dựng kinh tế khá giả, nuôi dạy các con ăn học trưởng thành. Ban đầu, kinh tế gia đình hết sức khó khăn vì ông thường xuyên đau yếu, cả 2 mắt đều bị mờ, nhìn vật gì cũng không rõ. Nhưng chính trong hoàn cảnh ấy, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ lại càng tỏa sáng trong con người ông. Hai vợ chồng ông mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ, người dân trong vùng thấy người thương binh mất một bàn tay và đôi mắt kém ấy tất bật buôn bán đủ thứ hàng hóa từ hoa quả, đồ dùng gia dụng, đồ chơi trẻ em, văn phòng phẩm...
Hai đứa con nữa lần lượt ra đời, may mắn cho ông vì có một người vợ tảo tần, tháo vát, yêu chồng, thương con bất kể là con chung hay là con riêng cũng đều chăm sóc, nuôi dạy thành người. Nay 2 đứa lớn đang theo học đại học ở Hà Nội, còn con út đang học lớp 7. Ông mở cửa hàng tạp hóa ngay tại nhà và thuê thêm một ki - ốt trong chợ trung tâm huyện Vị Xuyên để bán hàng giầy dép, túi xách, hoa quả, đồ thờ... Kinh tế gia đình cũng khấm khá hơn, có của ăn của để, trung bình một năm gia đình ông thu nhập trên 150 triệu đồng. Tất cả các khoản đóng góp ở địa phương, dù gia đình ông thuộc diện ưu tiên, tổ dân phố miễn các khoản tiền đóng góp, nhưng ông vẫn tự nguyện nộp đầy đủ.
Là một thương binh, được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước nhưng ông Hải không ỷ lại vào đó mà vẫn tự mình tích cực vươn lên, phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái trưởng thành. Ông Hải xứng đáng là tấm gương “Thương binh tàn nhưng không phế” như lời dạy của Bác Hồ kính yêu.
NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc