Câu hỏi 37: Phong cách nêu gương của Hồ Chí Minh thể hiện như thế nào?
Trả lời:
Hồ Chí Minh cho rằng: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” 1. Người đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống, trong mọi lúc, mọi nơi, nói phải đi đôi với làm để quần chúng noi theo.Hồ Chí Minh từng dạy: “Nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành. Kháng chiến, kiến quốc, ta phải cần kiệm. Nhưng tự mình phải cần và kiệm trước đã.
Trước hết, mình phải làm gương, gắng làm gương trong anh em, và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân. Làm gương về cả ba mặt: Tinh thần, vật chất và văn hóa. Không có gì là khó. Khó như cách mạng mà ta đã làm được và đã thành công. Muốn làm được, ta phải: Quyết tâm, trí tâm và đồng tâm. Ta nhớ ba chữ ấy, thực hành làm gương nêu ba chữ ấy lên, tất là các đồng chí phải thành công” 2. “Muốn hướng dẫn Nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước” 3. Tự mình phải chính trước, mới giúp người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý.
Để giáo dục bằng nêu gương đạt kết quả cao, Người chủ trương: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”4.
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.171.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.16.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.672.
4,5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.307,297.
(Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo T.Ư biên soạn)
Ý kiến bạn đọc