Đức tính "cần, kiệm, liêm, chính" của cựu chiến binh Phạm Duy Hưng
BHG- Dù mới gặp lão nông Phạm Duy Hưng, thôn Minh Thành, xã Việt Vinh (Bắc Quang) lần đầu nhưng ông để lại cho chúng tôi ấn tượng sâu sắc. Bởi ông không chỉ có khiếu kể chuyện về Bác một cách nồng nhiệt, lôi cuốn mà từng “thước phim” của cuộc đời ông còn được dựng lên từ khuôn mẫu tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Học tập theo gương Bác, ông Hưng đã có cuộc sống sung túc từ chính sự cần cù, yêu lao động. |
Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, những bài giảng của thầy cô về tinh thần đấu tranh quật cường của dân tộc trước kẻ thù xâm lược đã gây ấn tượng đặc biệt trong tâm khảm cậu học trò Duy Hưng. Năm 1974, dù đang học dở lớp 9/10 tại miền quê Nam Định, nhưng trước bối cảnh đất nước sục sôi những ngày đánh Mỹ, cứu nước, mang trong mình lý tưởng: “Quyết tử cho Tổ quốc, quyết sinh”, chàng trai Duy Hưng đã viết huyết thư thể hiện quyết tâm tình nguyện nhập ngũ, theo đoàn quân Nam tiến. Thời gian trong quân ngũ, ông Hưng được đơn vị - Trung đoàn 49 Thông tin (Đoàn 559) - cử đi đào tạo khóa lý luận 3 tháng về Chủ nghĩa Cộng sản và tư tưởng Hồ Chí Minh. Thêm một lần nữa, khóa đào tạo này đã đắp bồi cho ông tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lý tưởng cách mạng của người cộng sản kiên trung...
Đến tháng 8.1981 xuất ngũ, ông Hưng không về quê Nam Định mà chọn mảnh đất Hà Giang còn nhiều gian khó để lập nghiệp (tham gia chiến trường B, C, K, khi phục viên, họ được ưu tiên nơi cư trú – PV). Quyết định này của ông được hun đúc từ chính câu chuyện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (năm 1911) chỉ với đôi bàn tay trắng nhưng đã làm thay đổi số phận của cả dân tộc Việt... Khởi nghiệp với nhiều truân chuyên nhưng bằng đức tính: “Cần, kiệm, liêm, chính” học theo gương Bác, ông Hưng đã cùng vợ con vượt qua tháng ngày gian khó của cuộc sống nghèo để phát triển kinh tế, vươn lên trở thành hộ khá trong thôn. Điều ấn tượng, cơ nghiệp của ông được gây dựng từ chính ruộng lúa, vườn mía, rừng cây và phát triển đàn gia súc, gia cầm lên đến hàng trăm con/năm. Đặc biệt, dù ban đầu cuộc sống khó khăn, nhưng học Bác diệt “giặc dốt”, 4 người con của ông đều được động viên học tập. 3 người con đầu của ông nay trở thành giáo viên công tác trên địa bàn tỉnh. Còn con trai út mới tốt nghiệp trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định. “Nhờ sự định hướng nghề nghiệp của bố, mẹ, tất cả chị em mình đều được học tập để đi công tác. Học theo gương bố, chị em mình biết sống đoàn kết, yêu thương, cần, kiệm trong cuộc sống”, chị Phạm Thị Chinh – con gái ông Hưng cho biết.
Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, ông Hưng còn tích cực tham gia các phong trào của địa phương và có nhiều đóng góp cho Hội Cựu chiến binh thôn Minh Thành. Đó là việc vận động hội viên trồng cây luồng để bán sản phẩm, xung quỹ Hội; giúp nhiều hội viên có nguồn vốn vay góp phần phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt, ông còn được nhân dân tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn Minh Thành. Nhưng tiếc rằng, giữ cương vị chưa đầy 1 năm thì ông xin nghỉ công tác. Bởi những năm tháng trong quân ngũ, ông không may nhiễm chất độc hóa học da cam/dioxin, khiến sức khỏe suy giảm. Hiện nay, ông còn mang trong mình căn bệnh ung thư, thường xuyên phải nhập viện điều trị. Nhưng ông sống giản dị và lạc quan lắm! - Bí thư Đảng ủy xã Việt Vinh, Nguyễn Thanh Ba chia sẻ thêm.
Với ông Hưng, lời Bác chính là lẽ sống, mang đến cho ông cuộc sống vẹn tròn niềm vui. Và “tấm gương đạo đức của Người đã được tôi khắc sâu trong tâm khảm, xây thành lâu đài vững chắc để học tập và truyền dạy cho con cháu”, ông Hưng tự hào.
THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc