Hướng tới kỷ niệm 68 năm Ngày Thương binh – Liệt Sỹ (27.7.1947- 2015):
40 năm âm thầm "truyền lửa" từ nơi đồng đội yên nghỉ
BHG- Trước mặt chúng tôi là ông cụ đang cần mẫn thắp từng nén nhang trong khu nghĩa trang Thanh niên xung phong mở đường Hạnh Phúc (TNXP) nằm trên vạt đồi nhỏ của huyện Yên Minh. Đó là ông Phạm Quang Bút - Phó Chủ tịch hội Cựu TNXP huyện Yên Minh. Người suốt 40 năm qua luôn âm thầm mở cánh cổng nghĩa trang, tự nguyện làm công việc giới thiệu, truyền lửa về một thời oai hùng của hơn 1200 TNXP mở đường Hạnh Phúc. Ông cũng là người đều đặn hàng tháng cùng đồng đội, chính quyền địa phương chăm sóc 14 ngôi mộ, 14 linh hồn đồng đội ông đã ngã xuống trên cuộc hành tình mở đường khi xưa...
Cựu TNXP Phạm Quang Bút tuyên truyền truyền thống TNXP mở đường Hạnh phúc cho các bạn trẻ khi đến thăm viếng Nghĩa trang TNXP huyện Yên Minh. |
Đi trên 186km chiều dài suốt dọc con đường Hạnh Phúc nối từ chân cầu Gạc Đì (thành phố Hà Giang) đến thị trấn Mèo Vạc phải vượt qua những dãy núi đá trùng điệp, những vực sâu hun hút. Những vách đá sừng sững dựng đứng hiểm trở mà các TNXP khi xưa phải dùng sức người tạo nên đường đi cho đến tận bây giờ. Ông Lương Huy Vượng - Cựu TNXP mở đường Hạnh Phúc khi xưa, hiện đang sinh sống ở thị trấn Đồng Văn, cho biết: “Để hoàn thành 186km nối thành phố Hà Giang với 4 huyện Cao nguyên đá này, chỉ với những dụng cụ thô sơ sẵn có trong tay chúng tôi đã đổ xuống đây hơn 2 triệu ngày công bằng cả xương máu và cả tính mạng mình trong gần 6 năm trời và đã có 14 thanh niên ngã xuống. Kết thúc công việc mở đường, 14 TNXP đã được chính bàn tay đồng đội đưa về nằm bên sườn đồi nhỏ ở huyện Yên Minh, điểm giữa chiều dài của đường Hạnh Phúc. Đầu tiên nghĩa trang cũng chỉ là một khu đất nhỏ, quây tạm bằng bờ rào tre trúc cho trâu bò đỡ tàn phá, những ngôi mộ cũng chỉ có phiến đá do đồng đội tự khắc tên. Trong số 14 người ở đây cũng chỉ có đồng chí Đào Ngọc Phẩm được phong tặng Anh hùng liệt sỹ ngay khi ngã xuống, số còn lại thì đều hy sinh do bệnh tật, tai nạn trong quá trình mở đường nên chưa được phong liệt sỹ. Trước năm 1982, UBND huyện Yên Minh cũng đã cho xây bờ rào tạm bao quanh khu nghĩa trang để tránh việc người dân xâm lấn. Cho đến tháng 3. 2015 nhân kỷ niệm 50 năm Ngày hoàn thành con đường Hạnh phúc, 14 đồng đội của chúng tôi nằm dưới mộ đều được Nhà nước phong Anh hùng liệt sỹ. Vì vậy mà nghĩa trang cũng được duy tu, xây dựng khang trang hơn. Nhưng gắn bó cùng nghĩa trang, sưởi ấm linh hồn những đồng đội dưới 14 ngôi mộ kia trong suốt chặng đường dài đó, ngoài những đồng đội của chúng tôi còn sinh sống ở mảnh đất cao nguyên đá Đồng Văn này thì có anh Phạm Quang Bút, quê tận Hải Dương, người suốt 40 năm qua đã lựa chọn Yên Minh làm mảnh đất sinh sống và tình nguyện hương khói cho đồng đội mình”.
Gặp người đàn ông có thân hình gầy gò, làn da đồi mồi, mái tóc pha sương đang cần mẫn thắp từng nén nhang trong khu Nghĩa trang TNXP, hỏi chuyện kỹ chúng tôi mới được biết đó là cựu TNXP Phạm Quang Bút. Cách đây 52 năm về trước, khi đó người thanh niên quê tận Hải Dương này vừa tròn 20 tuổi đã hăng hái theo lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ đi tham gia mở đường lên Cao nguyên đá Đồng Văn. Năm 1965 khi con đường hoàn thành, ông tiếp tục ở lại làm việc tại sở Giao thông Hà Giang. Năm 1975, ông trở lại Yên Minh, nghỉ hưu từ năm 1982, ông lại xây nhà ngay cạnh nghĩa trang để tình nguyện làm công việc chăm sóc, hương khói cho 14 đồng đội của ông đã ngã xuống trong suốt chặng đường 6 năm mở con đường hạnh phúc khi xưa.
Nhớ lại ký ức một thời mở đường ông kể, ngày đó, TNXP 2 tỉnh Hải Dương và Nam Định lên để bổ sung, hiệp sức cùng thanh niên 6 tỉnh vùng tự trị Việt Bắc là Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang mở đường lên cao nguyên đá Đồng Văn. Cũng như các TNXP vùng xuôi khác, người thanh niên trẻ ở vùng đồng bằng chiêm trũng vốn chỉ quen với cảnh ruộng đồng thẳng cánh cò bay lại lao vào với việc ăn độn, ngủ rừng, thiếu nước, treo mình lên vách đá để cầm choòng đục thô sơ gạy từng mẩu đá nhỏ, những mong hợp sức khai thông con đường.
Ngay sau khi hoàn thành con đường, người thì tiếp tục trở về trường học, người thì ra tiền tuyến chống Mỹ, người thì ở xây dựng vùng đất Cao nguyên đá mà nơi họ vừa khai thông con đường. Người cựu TNXP Phạm Quang Bút khi nghỉ hưu ông lại gắn bó với nghĩa trang để chăm sóc cho những linh hồn đồng đội của ông đã ngã xuống. Ông bảo, ông muốn ở đây, ngoài trông coi, săn sóc những linh hồn đồng đội, thì ông cũng muốn truyền đi ngọn lửa vẻ vang này đến với những thế hệ đi sau để tiếp tục sống, phát huy sức trẻ và trí tuệ xây dựng đất nước, xứng đáng với những gì thế hệ TNXP đi trước cống hiến và hy sinh.
Nói về người cựu TNXP đang âm thầm truyền lửa tại nghĩa trang nhỏ bé nằm trên miền biên viễn cực Bắc Tổ quốc này, Bí thư Đoàn Thanh niên huyện Yên Minh - Lý A Tỏn tâm sự: “Chúng tôi cũng luôn coi nghĩa trang và những cựu TNXP như ông Phạm Quang Bút là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước, xây dựng quê hương cho thế hệ đoàn viên, thanh niên của mình. Ông là một pho sách sống đang âm thầm tự nguyện thắp lửa truyền lại cho thế hệ đi sau về những trang sử oai hùng của TNXP mở đường Hạnh phúc. Ông mãi là tấm gương, là ngọn lửa truyền lòng yêu nước của thế hệ thanh niên đi trước với hệ trẻ đi sau. Đặc biệt là với địa phương vùng cao biên giới còn nhiều khó khăn như 4 huyện mà con đường Hạnh Phúc đi qua, thì truyền thống này càng phải được thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay trân trọng và phát huy hơn bao giờ hết”.
Chia tay người Phó chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Yên Minh khi bóng nắng đang treo lơ lửng giữa đỉnh đầu. Chia tay 14 linh hồn liệt sỹ đang yên nghỉ bên vạt đồi nhỏ nằm ngay sát con đường Hạnh Phúc do chính họ đã mở năm nào. Hình ảnh người cựu TNXP mở đường giờ mái tóc đã bạc, tấm lưng đã còng, nhưng lý tưởng và lòng kiên trung của thế hệ TNXP cách đây 50 năm vẫn luôn sống trong ông, trong mỗi lời nói, việc làm và cả tinh thần hừng hực lửa TNXP ông đang truyền đi từ nghĩa trang nhỏ bé này cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau./.
Kim Huệ (Trung tâm Dân số - KHHGĐ TP Hà Giang)
Ý kiến bạn đọc