Ký ức 2 lần vinh dự được đón Bác Hồ
BHG- Dù đã qua gần 60 năm, nhưng ký ức về Bác Hồ - vị lãnh tụ vĩ đại - vẫn còn hiện rõ trong trí nhớ của cựu chiến binh Nguyễn Xuân Lợi, người chiến sỹ trẻ năm xưa đã vinh dự được đón Bác 2 lần vào năm 1956 và 1959. Hiện tại ông đang sống tại căn nhà số 6, tổ 13, phường Minh Khai (thành phố Hà Giang). Mặc dù năm nay tuổi đã cao nhưng khi được hỏi những kỷ niệm về 2 lần vinh dự được đón Bác lên thăm đơn vị chiến đấu thì ông rất xúc động và tự hào.
Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Lợi cùng vợ xem lại những bức ảnh về kỷ niệm 2 lần vinh dự được đón Bác. |
Trong buổi chiều của một ngày đầu tháng 5, khi Ngày sinh nhật Bác đang đến gần, chúng tôi - những thế hệ trẻ lại được nghe một câu chuyện về Bác từ một nhân chứng sống, một cựu chiến binh đã 2 lần vinh dự được đón Bác trong những tháng năm lịch sử hào hùng của dân tộc. Năm 1956, lúc ấy chiến sỹ Nguyễn Xuân Lợi nhập ngũ (khi tuổi vừa tròn 20) tại Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 đóng quân ở huyện Tam Nông (Phú Thọ). Hôm đó, vào một buổi chiều cuối năm, ông không nhớ rõ ngày bao nhiêu nhưng hôm ấy trời se lạnh, theo lệnh Chỉ huy của Đại đoàn 316, chọn một đội ngũ tiêu biểu để đi đón Bác. Khi đó, ông là thanh niên tích cực, chiến sỹ thi đua nên được Đại đoàn chọn vào đội ngũ tiêu biểu. Lúc đầu, ông cũng như nhiều chiến sỹ khác chỉ nghe lệnh của Chỉ huy là đón cán bộ cấp cao lên thăm. Cho đến khi chiếc xe chở “cán bộ cấp cao” ấy dừng hẳn thì ông cùng các chiến sỹ khác mới biết là Bác Hồ lên thăm các chiến sỹ ở Đại đoàn. Dù đã gần 60 năm trôi qua, nhưng mỗi khi nhắc lại ông vẫn nhớ rất rõ hình ảnh và tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi đó Bác Hồ mặc bộ quần áo ka ki màu xám giản dị, làn da hồng hào, ánh mắt và cử chỉ linh hoạt. Khi bước xuống xe, Bác đặt đôi dép cao su xuống và đi thẳng vào Hội trường trong tiếng vỗ tay và tiếng hô vang “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm”. Rồi Bác giơ tay chào các chiến sỹ, lúc này các chiến sỹ Đại đoàn 316 như những đứa con quây quần bên vị Cha già của dân tộc. Sau khi hỏi thăm tình hình sức khỏe các đồng chí, Bác hỏi các chiến sỹ: “Các cháu biết Bác lên đây làm gì không?”. Bác nói tiếp: Thay mặt Đảng và Chính phủ, Bác giao nhiệm vụ cho đơn vị trở lại Điện Biên Phủ tiếp tục chiến đấu. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng các chiến sỹ có làm được không? Cả hội trường vang lên tiếng đồng thanh của các chiến sỹ: Dạ, chúng cháu làm được. Trong không khí của buổi chiều cuối năm se se lạnh, giọng nói nồng ấm của Bác vẫn còn đọng mãi trong ông cho đến ngày hôm nay. Cách nói chuyện của Bác luôn ngắn gọn nhưng đầy đủ đã khiến cho chiến sỹ cả Đại đoàn nhận nhiệm vụ mà “Lòng phơi phới dậy tương lai”.
Đó là lần đầu tiên mà người chiến sỹ trẻ Nguyễn Xuân Lợi được vinh dự đón Bác ra thăm Đại đoàn. Sau khi nhận nhiệm vụ ông cùng các chiến sỹ trong Đại đoàn đã gấp rút hành quân lên Điện Biên Phủ theo chỉ đạo của Người. Năm 1959, một lần nữa ông được vinh dự đón Bác lần thứ 2, trong lần Bác lên thăm Tây Bắc. Ông nhớ lại năm đó, ông là chiến sỹ thi đua được cử về dự đại hội tại huyện Thuận Châu (Sơn La) và được giao nhiệm vụ đón Bác Hồ từ Bộ Chỉ huy Quân sự Tây Bắc lên sân vận động Thuận Châu. Tại đây, Bác sẽ trò chuyện cùng với đồng bào Tây Bắc. Đi theo Bác hôm đó còn có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, nhà thơ Tố Hữu và một phóng viên đi cùng. Sau khi thăm các đơn vị tại sân bay Nà Sản và Bộ chỉ huy Quân sự khu Tây Bắc (khi đó do Thiếu tướng Chu Huy Mân làm Tư lệnh trưởng), Bác đi đến sân vận động Thuận Châu. Khác với lần gặp trước, vì do trời Tây Bắc hôm ấy có mưa nên Bác đi chân đất lên sân vận động. Đầu tiên, Bác bước tới những chiếc lều được lợp bằng lá cọ ở mép sân vận động. Bên trong những chiếc lều có các chiến sỹ và các vật dụng, dụng cụ dùng trong sản xuất như: Cày gỗ, cày sắt, bừa gỗ, bừa sắt, dao rựa... Sau khi đi hết các lều, Bác căn dặn các chiến sỹ, Bác nói: Các cháu cố gắng tuyên truyền, vận động đồng bào nên sử dụng cày, bừa sắt thay thế cho cày bừa gỗ, như thế sẽ đỡ tốn công sức và hiệu quả hơn trong lao động sản xuất. Sau đó Bác tới nói chuyện với đồng bào Tây Bắc tại sân vận động Thuận Châu. Ông là chiến sỹ vinh dự được đứng rất gần Bác trong buổi nói chuyện hôm ấy nên ông càng thấm nhuần những lời dạy của Bác. Người giản dị, đầm ấm, luôn dành tình cảm sâu sắc với đồng bào Tây Bắc. Bác đến thăm hỏi các cụ già, hỏi thăm ân cần về sức khỏe và cuộc sống. Bác nói chuyện với đồng bào Tây Bắc bằng 2 thứ tiếng: Kinh và Tày. Cứ sau mỗi câu chuyện Bác dừng lại và hỏi đồng bào có nghe rõ không. Những lời nói động viên ân cần của Bác đã làm ấm lòng và là động lực cho các chiến sỹ vững chắc tay súng trên chiến trường. Tạo nên tình cảm thiêng liêng của một vị lãnh tụ vĩ đại đối với chiến sỹ, đồng bào Tây Bắc, tạo nên sức mạnh toàn quân, toàn dân trong công cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, cứu nước.
Cho đến nay, dù ở tuổi 93 nhưng cựu chiến binh Nguyễn Xuân Lợi vẫn còn tinh anh, ông vẫn nhớ như in những hồi ức đẹp trong 2 lần được vinh dự đón Bác. Dù ở trong thời kỳ nào, những lời dạy của Bác luôn là kim chỉ nam cho ông và nhân dân cả nước noi theo. Giờ đây khi chiến tranh đã lùi xa, cả nước đang hướng về kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông lại hồi tưởng những câu chuyện của Bác về phẩm chất đạo đức của Người, giản dị, tình cảm, hết lòng vì dân tộc. Bên cạnh đó, ông luôn răn dạy các thế hệ con cháu không ngừng học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Những người con của ông giờ là: Chiến sỹ bộ đội làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, cán bộ Nhà nước, giáo viên gieo chữ vùng cao, đang từng ngày nỗ lực đóng góp sức lực và trí tuệ xây dựng Hà Giang phát triển trong thời kỳ đổi mới.
VĂN LONG
Ý kiến bạn đọc