Gặp người "Nông dân Việt Nam xuất sắc"
BHG- Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở khắp các vùng miền đều có, thế nhưng ở vùng cao biên giới, nơi núi đá cằn cỗi, điều kiện thời tiết khắc nghiệt như huyện Đồng Văn thì người nông dân không chỉ cần sự cần cù chịu khó mà còn phải can trường, kiên trì dồn hết tâm sức của mình vào từng cây giống, vật nuôi để phát triển kinh tế gia đình và giữ vững mảnh đất biên thùy.
Ông Vàng Và Sái, với chứng nhận của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. |
Đến thăm ông Vàng Và Sái (sinh 1948) ở thôn Xín Mần Kha, xã Lũng Cú (Đồng Văn), một trưởng thôn kỳ cựu vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khen thưởng là một trong những “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2014. Được ông chia sẻ về công việc hàng ngày của người nông dân và những khó khăn mà đồng bào ở nơi đây đã cùng nhau vượt qua. Làm trưởng thôn từ năm 1980 đến nay được 35 năm, những đổi thay trên miền đất biên viễn đều được ghi lại trong trí nhớ của ông. Với ông Sài, câu chuyện về sản xuất, chăn nuôi còn gắn với nhiệm vụ thiêng liêng là bảo vệ đường biên, cột mốc của Tổ quốc. Vừa tiếp nước cho chúng tôi, ông Sài vừa nhớ lại: Vào thời kỳ những năm 1979, với trách nhiệm là trưởng thôn, ông đã đi tuyên truyền, vận động đồng bào Mông cùng đóng góp công sức hỗ trợ bộ đội; hưởng ứng lời kêu gọi mỗi người dân nơi đây đều trở thành những tình nguyện viên nhiệt tình, khi đó bà con làm các công việc như: đi gánh củi, nước ...cho bộ đội chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc.
Khi biên giới đã bình yên, ông Sài chuyên tâm phát triển kinh tế gia đình để thoát khỏi cảnh đói nghèo đã đeo bám dai dẳng bao thế hệ người Mông, thực hiện theo đúng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Công cuộc đổi mới bắt đầu từ việc chuyển đổi cách sản xuất truyền thống sang thực hiện theo những tiến bộ kỹ thuật mới, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, giống ngô lai, trồng cỏ, chăn nuôi thêm bò, dê... Ông luôn giữ vững vai trò làm gương cho bà con noi theo, bao mồ hôi đổ xuống từng hốc đá; song với tinh thần kiên trì, bền bỉ, ông đã gặt hái được thành quả. Nhiều năm liền, gia đình ông đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, con cái đều được đi học và đã trưởng thành. Bên cạnh vai trò là trưởng thôn, ông Sài còn là Tổ trưởng Tổ hòa giải, Tổ trưởng Tổ an ninh tự quản, ngoài việc hỗ trợ bà con phát triển kinh tế, ông làm nhiều công việc không tên khác như hòa giải các gia đình cãi nhau, vận động nhân dân đi Trạm Y tế khám, chữa bệnh; vận động trẻ đến trường, tuyên truyền cho bà con có ý thức bảo vệ cột mốc...
“Ông Sài là trưởng thôn mà thế hệ trẻ chưa có người thay thế được”, anh Vàng Mí Cấu, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Lũng Cú (Đồng Văn), cho biết. Ông Sài là người có uy tín của thôn, xã; ông thường xuyên vận động nhân dân làm đúng các chủ trương, chính sách; hướng dẫn các thế hệ sau thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, xây dựng Nông thôn mới, bảo vệ đường biên, cột mốc; chấp hành hương ước, quy ước của thôn. Đặc biệt, địa bàn thôn bảo vệ một cột mốc 419, ông thường xuyên tuyên truyền cộng đồng dân phải chung tay bảo vệ, cấm hành vi xâm phạm; làm nương cách đường biên 5m để thông thoáng tầm nhìn; đấu tranh với các loại tội phạm. Ngoài ra, ông cũng thường xuyên tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã. Bằng những đóng góp thầm lặng của mình, ông Sài như cây sa mộc già tỏa bóng mát trên vùng núi đá cực Bắc.
LÊ HẢI
Ý kiến bạn đọc