Gương hy sinh của TNXP Đào Ngọc Phẩm trên đường Hạnh phúc

08:29, 16/03/2015

BHG - Tròn 50 năm (1965 – 2015), kể từ ngày người thanh niên xung phong (TNXP) dũng cảm Đào Ngọc Phẩm hy sinh trên công trường mở đường Hạnh Phúc (ĐHP), chúng tôi có dịp được nghe lại câu chuyện đầy xúc động về sự hy sinh của ông trước ngày khánh thành tuyến cuối cùng con ĐHP.

Bác Nguyễn Đức Thiện, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Hà Giang, một đồng đội cùng đơn vị và là người trực tiếp chứng kiến giây phút hy sinh của liệt sỹ Đào Ngọc Phẩm kể lại tường tận cho chúng tôi về câu chuyện xúc động trên công trường thi công tuyến đường 21km Đồng Văn – Mèo Vạc. Bác Thiện là TNXP người Nam Định, lên công trường và được phân về Tiểu đội 4, C4 Thái Nguyên, cùng với đồng chí Đào Ngọc Phẩm. Ở Tiểu đội này trước ngày hy sinh của đồng chí Phẩm 1 năm, bác Thiện từng được chứng kiến sự hy sinh của Tiểu đội trưởng Vũ Cao Vân, người Trực Ninh, Nam Định do gặp phải đá lăn. Sau khi đồng chí Vân hy sinh, đồng chí Đào Ngọc Phẩm thuộc đội Cơ Dũng (Đội Cảm tử, chuyên làm những phần việc nguy hiểm) được điều động về phụ trách Tiểu đội 4 của bác Thiện. Công trường đường Đồng Văn – Mèo Vạc là công trường khó khăn nhất trong toàn tuyến ĐHP với đỉnh Mã Pí Lèng, hẻm vực Tu Sản sâu thẳm. Khi công việc đang vào giai đoạn kết thúc, chỉ còn ít ngày nữa là sẽ khánh thành con đường (20.3.1965) thì đồng chí Đào Ngọc Phẩm lại phải hy sinh.

Bác Thiện kể, Tiểu đội 4 được giao nhiệm vụ khơi rãnh, hạ thấp mặt đường, dọn dẹp đường... Thời gian chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là khai thông đường Đồng Văn – Mèo Vạc. Sáng ngày 4.3.1965, trong khi đồng chí Phẩm cùng các anh em đang lao động trên đường thì có 2 bố con đồng bào Mông đi qua, được biết người bố tên là Giẩu. Bất thình lình, một hòn đá to như cái thúng lăn từ trên cao xuống. Trong lúc ông Giẩu đang hốt hoảng, loạng choạng suýt rơi xuống vực thì đồng chí Đào Ngọc Phẩm đang lao động gần đó đã dũng cảm lao đến kéo tay ông Giẩu thoát khỏi nguy hiểm. Do không may, đồng chí Phẩm bị mất đà, ông bị lao xuống, lộn vài vòng trên vách đá thoải rồi mất hút dưới vực sâu khoảng trên 300m. Ban chỉ huy Công trường ngay lập tức điều 4 đồng chí, trong đó có bác Thiện và các đồng chí: Chỉ, Minh, Cường, sử dụng 2 sợi dây thừng buộc vào gốc cây nghiến để tụt xuống vực tìm đồng chí Phẩm.

Bác Thiện nhớ lại, trước độ sâu của vực, khi xuống đến nơi, gọi lên trên cũng không thể nghe thấy rõ. Anh em một đội tụt xuống bằng dây thừng, một đội đi vòng xuống dưới qua con đường khác để tìm kiếm. Cuối cùng đã tìm được xác đồng chí Phẩm, đưa lên. Ngày hôm sau, công trường tổ chức mai táng đồng chí Phẩm và an táng ở khu vực ngã ba đường xuống sông Nho Quế, huyện Mèo Vạc.

Bác Thiện bùi ngùi, đôi mắt đỏ lên khi nhớ lại những kỷ niệm với 2 người đồng đội, liệt sỹ Vũ Cao Vân và liệt sỹ Đào Ngọc Phẩm. Cả 2 từng rất gần gũi với bác Thiện, thường nằm ngủ cùng với bác Thiện ở một góc lán. Nhưng trong khoảng thời gian 1 năm, 2 người đồng đội ấy đã mãi ra đi cùng trên đoạn đường Đồng Văn – Mèo Vạc. Ngay sau khi đồng chí Phẩm mất, Huyện ủy Mèo Vạc, Công trường mở đường đã phát động phong trào học tập tấm gương hy sinh của đồng chí Đào Ngọc Phẩm. Được biết, liệt sỹ Đào Ngọc Phẩm hy sinh ở tuổi 24, khi đó ở quê hương Đại Từ, Thái Nguyên, ông đã có vợ, 1 người con khoảng 4 – 5 tuổi. Ông là một trong những tấm gương TNXP tiêu biểu của công trường, với tinh thần lao động không biết mệt mỏi và là một trong số những người có thâm niên nhiều nhất trên công trường đá Hạnh phúc.

Ngay sau khi đồng chí Phẩm hy sinh, Công trường và tỉnh ta đã đề nghị phong tặng danh hiệu liệt sỹ cho ông. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, phải đến năm 1997 ông mới được công nhận là liệt sỹ. Cùng với đồng chí Phẩm, đúng dịp kỷ niệm 50 năm ĐHP hoàn thành, 13 đồng đội của ông đã hy sinh trên tuyến ĐHP đã vinh dự được Nhà nước công nhận là liệt sỹ. TNXP các tỉnh, dân công, các đơn vị tham gia mở đường cũng đã vinh dự được đón nhận danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân”. Đó là một sự ghi nhận xứng đáng với những hy sinh của những con người miệt mài nơi công trường mở đường, mang hạnh phúc về Cao nguyên đá.

HUY TOÁN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chàng trai “Sinh vật cảnh”
HGĐT- Khuôn mặt rám nắng và đôi tay chai sần vì thường xuyên sử dụng búa, đục, máy tỉa đá... chàng thanh niên 26 tuổi ấy đã làm cho sắt “nở hoa”, đá thành hòn non bộ và cây trong rừng trở thành tác phẩm nghệ thuật. Người ta gọi anh với cái tên trừu mến: Anh chàng “Sinh vật cảnh” (SVC) – Hoắc Công Hưng. Bởi anh là đoàn viên (ĐV) đầu tiên của huyện Bắc Quang tiên phong phát
30/12/2014
Nghệ nhân người Mông gần 60 năm giữ nghề truyền thống
HGĐT- Ở cuối thôn Sủng Cáng, xã Sủng Trà (Mèo Vạc) có một người lâu nay được biết đến với khả năng đúc được lưỡi cày đặc biệt theo kiểu thủ công gia truyền. Trải qua thăng trầm của thời gian, “thương hiệu” lưỡi cày vẫn luôn giữ vững giá trị với những người nông dân trên miền Cao nguyên đá và nó gắn liền với tên tuổi gần 60 năm trong nghề của ông – đó là nghệ nhân Chứ Chúng Lầu.
27/12/2014
Người cán bộ y tế của xóm nghèo

BHG-  "Bây giờ mọi người bị ốm, bị đau đã biết tìm đến Trạm y tế xã để chữa trị, không còn ở nhà làm lễ cúng đuổi con ma nữa. Từ ngày nó được đi học, rồi về làm cán bộ y tế, nó giúp mọi người biết cách chăm sóc sức khỏe nên ai cũng coi nó như người trong nhà mình" – đó là tâm sự của người dân thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi (Mèo Vạc) khi nói về Ly Mí Mua, người cán bộ y tế của xóm nghèo.

14/02/2015
Bắc Mê tiếp tục đưa việc "học tập" và "làm theo" gương Bác Hồ thành nề nếp

BHG- Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trên địa bàn huyện Bắc Mê đã có sức lan tỏa sâu rộng đến từng cán bộ, đảng viên và mọi người dân, qua đó ngày càng xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua lao động sản xuất trên nhiều lĩnh vực, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, KT – XH của địa phương.

12/03/2015