Điển hình làm kinh tế giỏi tại xã Thượng Sơn
BHG- Xã Thượng Sơn (Vị Xuyên) có số hộ nghèo chiếm tới 42,8%; trước đây, nằm trong số các hộ nghèo, có gia đình anh Lê Huy Cẩm. Nhưng bằng nỗ lực vươn lên, gia đình anh Cẩm đã trở thành hộ đi đầu trong việc vượt lên thoát nghèo của xã.
Là người từng vào sinh ra tử trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc từ năm 1982 - 1986, tuy không phải là người vùng cao, nhưng anh đã có duyên đặc biệt với mảnh đất Hà Giang. Sau khi xuất ngũ, anh gặp được người tri âm, tri kỷ của mình và quyết định không trở lại quê nhà (Vĩnh Phúc) mà ở lại và lập nghiệp.
Mới đầu, anh và vợ kinh doanh và buôn bán tại trung tâm huyện Vị Xuyên. Khi đến với xã Thượng sơn, anh thấy đây là nơi có khí hậu mát mẻ, trên điạ bàn chưa có nơi cung ứng và bán các loại hàng hóa. Vì thế, anh đưa ra một quyết định mạo hiểm, đó là đưa cả gia đình lên xã Thượng Sơn phát triển kinh tế. Theo anh Cẩm “khi mới lên đây vào năm 2000, gia đình tôi chưa có ruộng, đất nên phải thuê nhà để ở mất khoảng 6 năm; cũng vì hai vợ chồng lên đây bằng hai bàn tay trắng nên những năm đầu phải vác từng con dao theo đường rừng từ huyện lên để bán cho người dân. Bên cạnh việc bán dụng cụ nông nghiệp, tôi còn tranh thủ sửa xe máy và mở tiệm hàn xì”.
Nhờ có sự tìm tòi và không khuất phục số phận, anh đã làm giàu từ chính mảnh đất mới này. Sau 15 năm gắn bó, gia đình anh đã có một sản nghiệp kha khá. Nếu như trước đây chưa có đất để sinh sống, thì giờ đây gia đình anh đã có hơn 1.000m2 đất, cùng 3 căn nhà. Trước đây, gia đình anh chủ yếu kiếm sống từ việc bán các nông cụ và nuôi lợn; từ khi anh đầu tư làm máy sát và nấu rượu, thì đàn lợn nhà anh đã phát triển lên đến 30 con.
Ngoài việc nuôi lợn, anh còn tận dụng diện tích đất để nuôi cá; hiện, ao cá nhà anh luộn có khoảng hơn tấn cá, chủ yếu là cá trắm và rô phi. Bên cạnh đó, gia đình anh còn nuôi các loại gia cầm như: Vịt, chim bồ câu, gà; mỗi loại cũng hơn trăm con.
Không chỉ thành công trên lĩnh vực chăn nuôi, anh còn khá thành công trong việc kinh doanh; cửa hàng của gia đình anh như một siêu thị thu nhỏ. Có đủ các loại mặt hàng như: Hàng tạp hóa, các dụng cụ sản xuất, đồ gia dụng, xe máy... Gia đình anh còn là đại lý vật tư nông nghiệp cho huyện.
Từ việc dám nghĩ, dám làm; môĩ năm, gia đình anh Cẩm cũng và thu về từ 400.000.000 - 500.000.000 đồng. Vì lượng công việc nhiều mà gia đình chỉ có hai vợ chồng nên anh chị cũng thuê người làm.
Dù có kinh tế vững chắc, nhưng gia đình anh vẫn không ngừng phấn đấu đi lên. Bên cạnh việc kinh doanh, anh còn thu mua nông sản cho người dân địa phương như: Chè, thóc, thảo quả... Anh Cẩm cho biết thêm, “vào mùa, hai gian nhà anh chật kín người và không có đủ chỗ để thu mua”, mỗi năm anh cũng thu mua được từ 1-2 chục tấn chè, thảo quả . Anh đã đầu tư mua một chiếc ô - tô tải để phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa. Ngoài ra, anh còn hỗ trợ thóc giống và thức ăn gia súc cho các hộ nghèo trong xã, đến cuối vụ mới thu lại.
Bên cạnh việc đầu tư phát triển kinh tế gia đình, hiện anh đang giữ chức Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh của xã và trong nhiều năm liền anh luôn được bình bầu là cựu chiến binh làm kinh tế tiêu biểu. Không chỉ là gương cựu chiến binh làm kinh tế giỏi ở địa phương, anh Cẩm còn là người có uy tín, đoàn kết hay giúp đỡ người khó khăn nên luôn được bà con hàng xóm yêu mến. Bằng việc kinh doanh của mình, anh còn là người đem những loại giống cây trồng, vật nuôi, những phương thức sản xuất mới để giúp người dân trong sản xuất cũng như tiếp cận với những tiến bộ của xã hội hiện nay.
HOÀNG YẾN
Ý kiến bạn đọc