Người cán bộ y tế của xóm nghèo
BHG- “Bây giờ mọi người bị ốm, bị đau đã biết tìm đến Trạm y tế xã để chữa trị, không còn ở nhà làm lễ cúng đuổi con ma nữa. Từ ngày nó được đi học, rồi về làm cán bộ y tế, nó giúp mọi người biết cách chăm sóc sức khỏe nên ai cũng coi nó như người trong nhà mình” – đó là tâm sự của người dân thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi (Mèo Vạc) khi nói về Ly Mí Mua, người cán bộ y tế của xóm nghèo.
Sinh năm 1987, lớn lên ngay tại quê hương Pả Vi nên chàng trai người Mông Ly Mí Mua vốn dĩ am hiểu ngôn ngữ, phong tục tập quán của dân tộc mình. Là người con thứ ba trong gia đình có bốn anh em, sau khi tốt nghiệp THPT ở huyện, anh đã chủ động đăng ký với xã tham gia đội ngũ y tế thôn bản với mong muốn mang kiến thức về nâng cao hiểu biết cho bà con. Sau 9 tháng học tập tại trường Trung cấp Y Hà Giang, anh trở thành cán bộ y tế thôn, đến nay đã được 5 năm có lẻ. Ấn tượng đầu tiên với chúng tôi về anh đó là sự gần gũi nhưng rất nhiệt tình của chàng trai đã có hai cậu quý tử. Ngôi nhà của Mua nằm ngay cạnh trung tâm UBND xã Pả Vi nhưng không phải vì thế mà anh không biết hết 156 gia đình trong thôn. Anh kể: Từ ngày làm cán bộ y tế thôn bản, dù phải đi bộ vượt núi nhưng anh vẫn tìm đến từng nhà, vận động mọi người thực hiện theo chính sách dân số; nói cho mọi người hiểu thế nào là ăn ở hợp vệ sinh; cách phòng, chống ngộ độc thực phẩm... “Nhiều lúc mệt lắm nhưng thấy người Mông trong thôn mình đang dần biết cách chăm sóc sức khỏe bản thân, biết lo cho bọn trẻ thế là mình lại cố gắng. Chỉ mong sao mọi người không có bệnh tật thì chắc chắn xóm làng mình sẽ nhanh hết nghèo” – Mua tâm sự.
Ly Mí Mua tuyên truyền kiến thức về sức khỏe sinh sản cho chị em trong thôn. |
Mặc dù thôn Pả Vi Hạ nằm gần với Trung tâm huyện Mèo Vạc nhưng do phong tục, tập quán lâu đời cùng với nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế nên thời gian trước đây, tình trạng sinh con thứ ba, tảo hôn, hôn nhân cận huyết diễn ra khá phổ biến. Nhận thấy điều đó, bằng sự nhiệt tình cộng với kiến thức của mình, Mua đã kiên trì tuyên truyền, vận động với mong muốn xóa bỏ những quan niệm lạc hậu trong nhân dân. Tuy nhiên, theo anh cho biết, không phải nói một lần bà con đã hiểu và làm theo. Câu chuyện của gia đình anh Và Sì Sính ở cuối thôn luôn là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong những ngày đầu anh làm cán bộ y tế thôn bản. Trước đây, gần như hầu hết mọi người trong thôn chẳng ai cho con em mình ra Trạm y tế xã tiêm phòng các loại vắc xin. Để đảm bảo sức khỏe cho các cháu, trước ngày tiêm phòng, cán bộ Trạm xá phải kết hợp với UBND xã đến tận nhà để vận động. Có nhiều gia đình không nghe theo, thậm chí đem con đến Trạm nhưng lại mang con về. “Tuyên truyền rất nhiều lần vợ chồng anh Sính mới cho cháu đi tiêm. Sau khi tiêm về cháu bé bị sốt, quấy khóc thế là cứ trách mình mãi. Mình đến tận nhà giải thích đó là phản ứng bình thường của trẻ khi tiêm thuốc nhưng lần sau vợ chồng anh ấy nhất quyết không cho cháu đi tiêm” – Ly Mí Mua kể lại. Ngay cả việc vận động chị em mang thai sinh ở Trạm y tế cũng vậy. Bao lâu nay mọi người đã quen với sinh đẻ tự nhiên ở nhà nên chuyện chuyển ra Trạm để sinh khiến nhiều người có tâm lý e ngại. Kể từ khi cán bộ y tế thôn bản kiêm cộng tác viên dân số Ly Mí Mua biết cách tuyên truyền bằng chính ngôn ngữ của bà con nên nhận thức của người dân trong thôn có sự chuyển biến rõ rệt.
“Trong thời gian qua, thôn Pả Vi Hạ có tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên giảm đáng kể; tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống gần như không còn. Bây giờ mọi người đã chủ động ra Trạm y tế để khám, chữa bệnh... Đó là những tín hiệu vui và cũng cho thấy đóng góp rất lớn của cán bộ y tế - người luôn biết cách gần gũi, chia sẻ với bà con trong thôn” – Chủ tịch UBND xã Pả Vi, Dương Văn Phong đã nhận xét về Ly Mí Mua như vậy.
KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc