Thành công từ ước mơ mặc áo bờ-lu trắng

08:13, 24/12/2014

HGĐT- Khi đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chị Đào Cẩm Lê không may mắc bệnh thoát vị đĩa đệm (TVĐĐ) cột sống, phải ngồi xe lăn. Nhưng nay, chị đã lấy lại dáng đi ban đầu từ quá trình tự điều trị bệnh, bằng phương pháp vật lý trị liệu (VLTL) – Phục hồi chức năng (PHCN). Đặc biệt, khi chữa khỏi bệnh bằng phương pháp trên, chị tình nguyện xin cơ quan theo học ngành PHCN. Đến nay, khi trở thành Bác sĩ Chuyên khoa I, Trưởng Khoa PHCN, chị là điểm tựa tinh thần vững chắc cho nhiều bệnh nhân TVĐĐ...


Thuở nhỏ, Lê hay được bố, mẹ (công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đưa đến cơ quan. Những hình ảnh bố, mẹ và các bác sĩ ân cần chăm sóc, cứu chữa bệnh nhân và nụ cười hạnh phúc của người nhà khi đón bệnh nhân xuất viện... đã in sâu vào tâm trí Lê và trở thành niềm mong ước sau này được khoác trên mình chiếc áo bờ-lu trắng. Quyết tâm thực hiện ước mơ, Lê không ngừng nỗ lực học tập để trở thành sinh viên Trường Đại học Y Thái Nguyên. Tốt nghiệp ra trường với thành tích học tập tốt, cô được nhận vào công tác tại Khoa Nội – Bệnh viện Đa khoa tỉnh.



Chị Lê chăm sóc bệnh nhân thoát vị đĩa đệm tại Khoa PHCN.


Miệt mài công tác và chăm lo gia đình, chị Lê ít quan tâm đến những cơn đau lưng nhẹ. Và chỉ sau 3 năm công tác, đến năm 2006 chị Lê thấy đau lưng thường xuyên với những cơn đau lan dọc xuống chân. Khi biết mình bị TVĐĐ cột sống cũng là lúc chân phải của chị teo nhỏ, buộc phải ngồi xe lăn. Điều này như một cú “sốc” tinh thần khiến chị và gia đình rơi vào bế tắc. Nhiều đồng nghiệp khuyên chị điều trị bệnh bằng cách phẫu thuật thì mới có cơ hội chữa lành bệnh. Thế nhưng, để có vài chục triệu đồng làm phẫu thuật khi ấy với gia đình chị không phải là điều dễ có. Và chị đã tìm cho mình cách chữa bệnh bằng phương pháp VLTL-PHCN, trong sự e ngại của bao người, nếu không may thất bại...


Không để bệnh TVĐĐ cột sống lấy đi những điều tốt đẹp đang có, chị kiên trì, bền bỉ luyện tập bằng bàn gỗ để kéo dãn cột sống, do chồng chị tự nghiên cứu thiết kế. Thấm thoát 6 tháng kiên trì luyện tập, kết hợp với những bài tập cột sống nhẹ nhàng, TVĐĐ dần trả lại cho chị dáng đi ban đầu. Năm 2008, chị tình nguyện xin Ban Giám đốc Bệnh viện được theo học chuyên ngành PHCN mà khi ấy, ngành này ít người lựa chọn (theo chị Lê, hiện nay trên địa bàn tỉnh ta chỉ có chị và 1 bác sỹ khác học chuyên ngành PHCN). Sự lựa chọn này được chị lý giải: “Bản thân mình đã từng mắc bệnh và trị khỏi bệnh TVĐĐ cột sống bằng phương pháp VLTL-PHCN nên mình có kinh nghiệm để dễ dàng chia sẻ và điều trị bệnh cho bệnh nhân”. Rồi sự nỗ lực không mệt mỏi theo đuổi ngành mới của chị đã giúp nhiều bệnh nhân TVĐĐ có thêm điểm tựa tinh thần, khi chị đảm nhận vai trò Trưởng Khoa PHCN.


Năm 2013, chị Lê đã có đề tài khoa học cấp cơ sở: “Nghiên cứu điều trị TVĐĐ cột sống bằng phương pháp VLTL”. Đề tài của chị không chỉ có giá trị thực tiễn cao mà còn là cơ sở khoa học khẳng định tính hiệu quả của phương pháp VLTL-PHCN. Với 23 bệnh nhân được điều trị TVĐĐ cột sống tại Khoa PHCN (từ tháng 4-10.2013) đã trở thành đề tài nghiên cứu khoa học của chị. Quá trình nghiên cứu của chị cho thấy: Đối tượng mắc bệnh TVĐĐ cột sống tập trung vào nhóm cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, chiếm 52,1% so với đối tượng hưu trí và người nông dân. Đồng thời, những người sống ở thành thị có tỷ lệ mắc cao hơn so với những người sống ở vùng nông thôn. Và lứa tuổi từ 21-54 tuổi thường mắc bệnh, với tỷ lệ 82,6%, trong đó, nữ chiếm tỷ lệ cao hơn nam. Sau thời gian điều trị kéo dài từ 2-3 tuần, các bệnh nhân điều trị bệnh tại Khoa đều đạt kết quả tốt (chiếm tỷ lệ 82,6%). Đặc biệt, trong quá trình điều trị bằng VLTL, không có trường hợp bệnh nhân nào xảy ra biến chứng khi được áp dụng phương pháp: Nhiệt nóng, điện sung, siêu âm, sóng ngắn và kéo dãn cột sống bằng bàn kéo...


Với những đóng góp cùng y đức của mình cho ngành y, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bác sĩ Chuyên khoa II, Vũ Hùng Vương đã dành cho chị Lê những lời ngợi khen: “Trong công tác, bác sĩ Lê là người trung thực cao, khách quan, có tinh thần trách nhiệm. Tích cực học tập, tự giác nghiên cứu, học hỏi để nâng cao năng lực công tác, quản lý. Đồng thời, chủ động sáng tạo trong công việc để áp dụng sáng kiến vào hoạt động của đơn vị, mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt, Lê còn là người thực hiện tốt kỹ năng giao tiếp, quy tắc ứng xử với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cũng như đồng nghiệp và thực hiện tốt các kỹ thuật chuyên môn. Hằng năm, bác sĩ Lê đều đạt danh hiệu Đảng viên đủ tư cách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”...


Dù làm công tác quản lý nhưng chị Lê luôn dành thời gian tận tâm chăm sóc người bệnh và không quên chia sẻ cùng họ: “Để tránh bệnh TVĐĐ cột sống, cần chú ý tư thế hợp lý khi lao động, vận động; nếu mang vác vật nặng nên ngồi xuống bê vật rồi từ từ đứng lên, tránh cúi xuống nhấc vật nặng”... Thời gian đã điểm giờtrưa, nhưng gương mặt chị Lê vẫn còn vẹn nguyên nụ cười khi chăm sóc người bệnh. Những hình ảnh, cử chỉ ấy đẹp mãi trong lòng bao người về người phụ nữ giàu y đức, mang áo blouse trắng – Đào Cẩm Lê.


THU PHƯƠNG - HẢI QUỲNH

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nông dân Ly Xính Lử làm kinh tế giỏi
HGĐT- Theo chân đồng chí Nông Văn Dùng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Nậm Ban, huyện Mèo Vạc, chúng tôi tìm đến gia đình ông Ly Xính Lử, sinh năm 1941, một tấm gương tiêu biểu của xã về phát triển chăn nuôi.
28/10/2014
Người cán bộ công đoàn năng lực, sáng tạo
HGĐT- Được đánh giá là người cán bộ có chữ “tâm” và nhà kinh doanh trọng chữ “tín” trên thương trường, đó là anh Nguyễn Văn Khoa, Phó Giám đốc, Phó Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH thương mại Hùng Cường (Vị Xuyên).
27/11/2014
Chị Ngân gương mẫu thực hiện “Nhà sạch, vườn đẹp”
HGĐT- Tôi ấn tượng với mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp” của gia đình chị Nguyễn Thị Ngân, xã Phú Nam (Bắc Mê) không chỉ là ngôi nhà đẹp, có nguồn thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm từ phát triển chăn nuôi, đưa gia đình chị vào vị trí hộ giàu của thôn... mà còn là cách chị đã nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
26/11/2014
Lớp học lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống người Dao
HGĐT - Cứ vào thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần, các học viên là con em người Dao của 3 thôn Nà Pồng, Nà Lầu và Bản Lủa (Linh Hồ, Vị Xuyên) tập trung tại nhà anh Sơn ở thôn Nà Pồng để học chữ Hán Nôm. Lớp học mở được 5 tháng, nhằm lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống và tín ngưỡng của dân tộc Dao cho thế hệ trẻ”. Đó là lời chia sẻ về lớp học của anh Tẩn Văn Sáng, người có uy tín
25/10/2014