Nghệ nhân người Mông gần 60 năm giữ nghề truyền thống
HGĐT- Ở cuối thôn Sủng Cáng, xã Sủng Trà (Mèo Vạc) có một người lâu nay được biết đến với khả năng đúc được lưỡi cày đặc biệt theo kiểu thủ công gia truyền. Trải qua thăng trầm của thời gian, “thương hiệu” lưỡi cày vẫn luôn giữ vững giá trị với những người nông dân trên miền Cao nguyên đá và nó gắn liền với tên tuổi gần 60 năm trong nghề của ông – đó là nghệ nhân Chứ Chúng Lầu.
Nghệ nhân Chứ Chúng Lầu đang làm sạch khuôn, chuẩn bị đúc lưỡi cày.
Từ trung tâm xã Sủng Trà, vượt qua chặng đường gần 10km rải đá lởm chởm, ngôi nhà của nghệ nhân Chứ Chúng Lầu nằm yên bình cùng gần chục gia đình ở cuối con đường mòn. Bên bếp lửa bập bùng xua tan giá rét ngày giữa Đông, cả gia đình ông ngồi quây quần chuẩn bị cho bữa cơm trưa. Chúng tôi dễ dàng nhận ra Chứ Chúng Lầu bởi ông là người già nhất, dáng đi lom khom và thích kể chuyện. Ông bảo, đã được đi nhiều nơi, đến nhiều chỗ nhưng với ông chẳng nơi nào nhiều đá như quê ông. Bao đời nay, đá là nỗi khổ của biết bao đồng bào nơi đây. Bởi đá làm cho lưỡi cuốc, lưỡi cày của bà con bị hư hỏng khiến cho việc canh tác gặp nhiều khó khăn. Ông nhớ lại, cách đây khá lâu, người dưới xuôi có mang lên lưỡi cày phục vụ bà con nhưng không phù hợp với địa hình bởi gặp đá là gãy đôi. Dù nghề đúc lưỡi cày của gia đình đã bị thất truyền nhưng từ khi mới 12 tuổi, ông đã được cụ nội dẫn theo làm nghề. Điều đó khiến ông nhiều đêm không ngủ và nghĩ cách luyện gang, làm khuôn, tính toán hình dạng, đường cong của lưỡi cày. Rồi nhớ lại những kỹ thuật, kinh nghiệm đúc cày học được từ lúc đi với cụ nội. Dần dần, hình dáng về chiếc lưỡi cày “đặc biệt” được phác thảo qua những nét than gạch ngang dọc bên bếp lửa. Rồi ông vượt núi tìm đất sét, lên rừng chặt gỗ làm khuôn. Một ngày, ông huy động vợ con nhào đất, đắp lò luyện gang. Chiếc cày đầu tiên ra đời, đích thân Chứ Chúng Lầu đánh bò cày trên nương đá. Lưỡi cày của ông gặp đá không dừng lại và gãy ngang mà nó trườn đi nhẹ nhàng qua từng lớp đá. Kể từ ngày đó, bà con làng trên, xóm dưới vui như bắt được vàng và lò đúc lưỡi cày của Chứ Chúng Lầu nổi lửa liên tục từ mờ sáng đến nửa đêm để đúc cày phục vụ bà con.
Đến tận bây giờ, Chứ Chúng Lầu không thể nhớ mình đã đúc ra bao nhiêu lưỡi cày. Chỉ biết rằng, năm nay đã qua 69 mùa hoa Đào nở nhưng có tới 57 năm ông biết đúc lưỡi cày. Đời của ông đã là đời thứ 6 nối nghiệp đúc lưỡi cày truyền thống. Những chiếc lưỡi cày của ông có thể luồn lách trên nương đá mà không bao giờ gãy, càng cày nó càng sáng loáng như đồng bạc xòe. Đối với người dân trên vùng Cao nguyên đá, lưỡi cày của Chứ Chúng Lầu có sự khác biệt rất lớn so với những chiếc lưỡi cày dưới xuôi và mỗi một địa hình, Chứ Chúng Lầu đúc một loại cày khác nhau. Chính vì thế, lưỡi cày của ông như một “thương hiệu” mà người nông dân bảo nhau tìm mua. Ra chợ, người nào sành chỉ cần nhìn và gõ vào thân cày cũng có thể biết ngay đó là cày Chứ Chúng Lầu. Nhiều người bảo, lưỡi cày của ông có mũi rộng, đầu lưỡi hơi cong chứ không nhọn hoắt và cong vút như cày dưới xuôi. Khi gặp đá, chỉ cần nâng nhẹ tay cày hoặc lượn qua hai bên là bẩy được đá đi, cày không gãy. Mặc dù đúc rút được kinh nghiệm quý báu từ nghề gia truyền nhưng chưa bao giờ Chứ Chúng Lầu có ý nghĩ giữ riêng cho bản thân mình. Ông đã đi dạy nghề cho nhiều người ở các huyện khác, bởi với ông khi thấy đồng bào mình đỡ khổ là ông cũng vui hơn. Ông còn bảo: “Cụ Hồ đã dặn phải cải tiến nông cụ để sản xuất cho tốt nên chỉ muốn gia đình nào cũng có thể trồng được nhiều ngô mà không lo đói khổ”.
Cứ đến mùa vụ, lò đúc của ông gần như suốt ngày nổi lửa. Mỗi năm ông làm ra hàng trăm chiếc cày, cả đổi lẫn bán thu về vài chục triệu đồng. Mặc dù nay đã ở gần tuổi “xưa nay hiếm” nhưng hàng ngày ông vẫn truyền dạy kinh nghiệm cho các con. Những đóng góp của ông đã khiến tên tuổi vang xa nhưng có lẽ niềm vui lớn nhất chính là cả ba người con trai đều biết nghề đúc lưỡi cày để tạo nên “kiệt tác” chinh phục những mảnh nương lởm chởm đá. “Thằng út Chứ Mí Chơ năm nay mới 20 tuổi, nó sẽ là người nối nghiệp và giữ gìn nghề gia truyền cho nhà họ Chứ. Tôi sẽ truyền dạy cho nó hết kinh nghiệm để sau này tôi chết, nó vẫn có thể giúp bà con bớt đi khổ cực”, nghệ nhân Chứ Chúng Lầu giãi bày lòng mình với chúng tôi như thế.
Ý kiến bạn đọc