Chàng trai “Sinh vật cảnh”
HGĐT- Khuôn mặt rám nắng và đôi tay chai sần vì thường xuyên sử dụng búa, đục, máy tỉa đá... chàng thanh niên 26 tuổi ấy đã làm cho sắt “nở hoa”, đá thành hòn non bộ và cây trong rừng trở thành tác phẩm nghệ thuật. Người ta gọi anh với cái tên trừu mến: Anh chàng “Sinh vật cảnh” (SVC) – Hoắc Công Hưng. Bởi anh là đoàn viên (ĐV) đầu tiên của huyện Bắc Quang tiên phong phát triển nghề SVC, mang lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Về thăm thôn Khiềm, xã Quang Minh (Bắc Quang), ngoài những cảnh quan đẹp về tự nhiên của địa điểm du lịch sinh thái Hồ Quang Minh gắn với du lịch cộng đồng thôn Khiềm, du khách có thể dừng chân chiêm ngưỡng hoặc mua cho mình những chậu cây cảnh độc đáo, đậm chất sáng tạo nghệ thuật từ khu vườn SVC của ĐV trẻ Hoắc Công Hưng – một mô hình kinh tế tiêu biểu.
Từ cây Duối bình thường, anh Hưng (người đầu tiên) đã làm nên tác phẩm nghệ thuật “Song Long cuốn thủy” có giá trị cao về kinh tế.
Từ những cây bình dị như: Khế, ổi, duối trong vườn, rừng đến cây Tùng – đứng đầu bộ tứ quý Tùng-Cúc-Trúc-Mai được lấy giống từ nhiều tỉnh miền xuôi, qua đôi tay khéo léo và tài sáng tạo của Hưng, chúng trở thành những tác phẩm nghệ thuật. Với Hưng, nghệ thuật ở đây chính khả năng tạo dáng, thế độc đáo cho cây nhưng vẫn đảm bảo hạn chế tối đa sự tác động của bàn tay con người. Chẳng hạn, từ cây ổi ít có giá trị về kinh tế, Hưng tạo cho cây dáng “bạt phong” hay cây duối trên 50 năm tuổi được anh cắt lá, tỉa cành, tạo thế “song Long cuốn thủy” hoặc cây Tùng với thế “thác đổ” để những cây này trở thành cây cảnh, có giá trị từ 5 triệu đến hàng trăm triệu đồng/cây. Đặc biệt, trong một lần về quê bạn chơi, Hưng tìm được cây gừa – một cây ít có giá trị kinh tế nhưng được giới SVC đánh giá “độc nhất vô nhị”. Điều lý thú ở đây, nếu những cây trồng khác có rễ, gốc to dần thì cây gừa này có thân thuôn gọn từ đầu đến gốc, rễ theo bố cục thân hình một con rắn Hổ mang bành. Từ thế độc đáo ấy, trong tương lai không xa, khi cành gừa phát triển sẽ được Hưng uốn thành lưỡi rắn và tạo quả phúc trên đầu cho rắn.
Không chỉ biến các loại cây vốn có trong tự nhiên thành cây cảnh, Hưng còn tự tay làm nên những chậu cảnh đẹp mắt để trồng các tác phẩm cây nghệ thuật do mình sáng tạo. Qua đôi tay khéo léo của Hưng, sắt đã “nở hoa” tứ quý (Tùng, cúc, trúc, mai), thành tứ linh (4 con vật linh thiêng Long, Ly, Quy, Phụng) và cảnh non nước, mây trời hoặc câu đối ý nghĩa, rồi tiếp tục nhiều công đoạn khác để hoàn thiện chậu. Với quan điểm: “Làm nghề SVC không sợ không có thị trường. Vì nếu mình có tay nghề, ham học hỏi và không ngừng sáng tạo để cây cảnh trở nên đẹp và ý nghĩa thì nhất định thị trường đón nhận”, Hoắc Công Hưng đã có thu nhập bình quân trên 10 triệu đồng/tháng, khi nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh như: Sơn La, Hải Phòng, Lào Cai... thường xuyên đặt mua hàng.
Và thành công của chàng trai “SVC” ấy được khơi nguồn từ bố rồi anh nhanh chóng bén duyên với nghề. Năm 2007, ông Hoắc Công Hải (bố Hưng) theo đuổi nghề SVC. Qua quá trình phụ giúp bố làm vườn, Hưng bắt đầu “say” nghề. Nhưng đến năm 2010, ông Hải không may bị tai nạn lao động, dẫn đến liệt hai chân và khó có thể duy trì nghề SVC – vốn là niềm đam mê của ông. Hơn nữa, khi vừa tốt nghiệp Trung học phổ thông, vì nhiều lý do khác nhau, con đường đến trường của Hưng dang dở và anh quyết định nối nghề cha để phát triển kinh tế gia đình; từ quá trình tự học, tự tích lũy kinh nghiệm. Hơn nữa, làm nghề SVC còn giúp anh có thêm thời gian để mỗi sáng phụ mẹ bán hàng ăn và hằng ngày chăm sóc bố liệt 2 chân, phải sinh hoạt gắn với chiếc xe lăn. Đặc biệt, với nghề SVC cùng việc chuyên tư vấn lắp đặt chậu hoa, non bộ, trồng và chăm sóc cây cảnh, cây ăn quả, cây bóng mát, Hưng còn tạo được việc làm thường xuyên cho 5-7 lao động/tháng. Những lao động này chủ yếu là thanh niên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn trên địa bàn xã. Họ được hưởng công lao động từ 150-200.000 đồng/ngày (phụ thuộc vào tay nghề) và được nuôi ăn bữa cơm trưa. Anh Nguyễn Văn Lệ (thôn Khiềm) chia sẻ: “Ở đây, việc làm chậu hoa, trồng, chăm sóc cây cảnh... của tôi tương đối nhàn so với việc làm ruộng của gia đình. Hàng tháng, tôi đều nhận được tiền công là 6 triệu đồng; bác Hải, anh Hưng sống niềm nở và chỉ bảo công việc nhiệt tình lắm”.
Với những thành công ban đầu trong phát triển kinh tế của ĐV trẻ Hoắc Công Hưng, anh Nguyễn Bá Tuấn, Bí thư Huyện đoàn Bắc Quang cho biết: “Chúng tôi đang trao đổi để Hưng có hướng mở Hợp tác xã (HTX) Thanh niên. Vì vườn SVC của Hưng nằm trong Khu du lịch sinh thái Hồ Quang Minh và Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Khiềm. Khi thành lập HTX, Hưng sẽ được hưởng nhiều ưu đãi theo Nghị quyết 47 của HĐND tỉnh và “Tuyên bố Panhou về xây dựng làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng Nông thôn mới tỉnh Hà Giang”. Đồng thời, đề xuất với UBND huyện có chính sách hỗ trợ cho HTX về vốn ưu đãi cũng như hướng dẫn khoa học kỹ thuật và nhân rộng điển hình cho thanh niên học tập.
Ý kiến bạn đọc