Trưởng thôn dám nghĩ, dám làm
HGĐT- Đó là nhận xét của bà con thôn Bản Đuốc, xã Yên Phong (huyện Bắc Mê) về Trưởng thôn Nông Văn Quy - tấm gương đi đầu trong phát trển kinh tế, tích cực truyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; xây dựng gia đình, bản làng văn hóa...
Đến gia đình anh Quy vào một buổi chiều đầu tháng 9 này, khi anh đang chăm sóc đàn bò ở khu trang trại chăn nuôi được xây dựng kiên cố rộng trên 100m2. Qua trao đổi, anh Quy cho biết, để có được thành quả như hôm nay, gia đình anh đã trải qua không ít những khó khăn, vất vả. Vốn sinh trong một gia đình nghèo, lớn lên do không có điều kiện ăn học, anh Quy sớm phải nghỉ học, lao động giúp đỡ gia đình. Năm 1984, anh lập gia đình, năm 1991 ra ở riêng. Với quyết tâm không cam chịu đói nghèo, từ diện tích ruộng bố mẹ chia cho, anh quyết tâm phát triển kinh tế từ chăn nuôi trâu, bò, lợn với niềm tin “Trước đây chăn nuôi kém hiệu quả là do không có sự đầu tư vào chăm sóc, thiếu kiến thức kỹ thuật trong chăn nuôi, đặc biệt không thực hiện tốt công tác vệ sinh chuồng trại cũng như công tác phòng, chống dịch bệnh...”.
Ban đầu anh Quy xác định “lấy ngắn nuôi dài”, vừa chăn nuôi, vừa đầu tư, mở rộng xây dựng chuồng trại kiên cố, thông thoáng và mua 3 con bò sinh sản về nuôi. Trong quá trình chăn nuôi, anh tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc, cách phòng, chống dịch bệnh qua sách báo, ti vi để áp dụng nên 3 con bò của gia đình không bị dịch bệnh, sinh trưởng phát triển tốt. Không dừng ở đó, sau 2 năm, anh tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi trâu, bò hàng hóa; anh tập trung các nguồn vốn của gia đình và vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư mua 4 con bò về nuôi, sau 3 năm, đàn bò sinh sản thêm được 5 con, làm tăng đàn trâu, bò của gia đình lên 12 con. Cứ như vậy, hàng năm anh lại mở rộng thêm chuồng trại để tăng thêm số lượng đàn.
Đến nay, đàn trâu, bò của gia đình anh Quy có hơn 40 con và trên 10 con lợn thịt, hàng năm xuất ra thị trường 1-1,5 tấn lợn thịt và 2-3 con bò cho bà con trong và ngoài thôn; anh còn trồng trên 1ha cây ăn quả, 9.000m2 ngô, lúa. Trừ mọi chi phí, hàng năm anh thu được trên 80 triệu đồng.
Không chỉ là tấm gương làm kinh tế, anh Quy còn là Trưởng thôn nhiệt tình với công việc, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất và cho các hộ nghèo không có điều kiện vay vốn từ 1-2 con trâu, bò nuôi rẽ để các hộ xóa đói, giảm nghèo. Năm 2001, anh được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn; những năm qua, anh đã cùng Chi bộ tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Gương mẫu trong việc đưa các giống lúa, ngô lai có hiệu quả kinh tế trồng trên đất của gia đình, bà con thấy hiệu quả nên tích cực làm theo anh. Cùng với đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” cũng được thôn chú trọng tuyên truyền để bà con thực hiện nếp sống văn hóa trong sinh hoạt, không chăn thả gia súc dưới gầm sàn, đoàn kết giúp đỡ nhau xóa đói, giảm nghèo và phòng,chống các tệ nạn xã hội. Nhiều năm liền, thôn Bản Đuốc đạt Làng văn hóa.
Với những thành tích đạt được, anh Quy được các cấp, ngành tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen; năm 2013, anh vinh dự được đại diện cho những người có uy tín, tham dự Hội nghị biểu dương những người có uy tín tiêu biểu củatỉnh.
Ý kiến bạn đọc