Mèo Vạc mở rộng quy mô sản xuất mật ong Bạc hà
BHG - Đối với người dân Mèo Vạc, nghề nuôi ong đã và đang trở thành một trong những nghề mang lại nguồn thu nhập chính, giúp nhiều gia đình từng bước nâng cao đời sống. Từ nguồn nguyên liệu hoa Bạc hà quý, địa phương đã gây dựng “thương hiệu” mật ong Bạc hà vang danh trong và ngoài tỉnh. Nhằm phát huy tiềm năng sẵn có, Mèo Vạc có chủ trương mở rộng quy mô sản xuất đặc sản mật ong Bạc hà. Đây không chỉ là “bước đi” trong tái cơ cấu nông nghiệp của huyện mà còn tạo ra hướng thoát nghèo bền vững cho người nông dân.
Các công nhân HTX Tuấn Dũng kiểm tra, chăm sóc đàn ong. |
Qua tìm hiểu, những năm qua, người nuôi ong trên địa bàn huyện Mèo Vạc chủ yếu sử dụng các giống ong nội có nguồn gốc tại địa phương và di chuyển từ các địa phương khác đến nuôi để khai thác mật. Số đàn ong có sự phát triển mạnh và duy trì quy mô tương đối ổn định. Hiện toàn huyện có 11.000 đàn ong; sản lượng mật đạt trên 66.000 lít, giá trị sản lượng ước đạt 18,6 tỷ đồng. Việc sản xuất, chế biến và kinh doanh mật ong của huyện chủ yếu tập trung ở quy mô nhỏ theo hình thức gia đình và HTX. Anh Ngô Mạnh Cường, Chủ tịch Hội sản xuất, kinh doanh mật ong Cao nguyên đá cho biết: “Trên địa bàn huyện có HTX Tuấn Dũng và Công ty TNHH một thành viên Tuấn Dũng chuyên sản xuất, thu mua, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm mật ong Bạc hà Mèo Vạc; trong đó, HTX Tuấn Dũng là đơn vị đầu mối chủ lực, sản lượng mật chế biến, tiêu thụ bình quân đạt 15.000 lít mật/năm, chiếm khoảng 30% sản lượng mật tiêu thụ toàn huyện. Hướng đến mục tiêu mở rộng quy mô sản xuất, HTX đã và đang xây dựng đội ngũ cộng tác viên kỹ thuật lành nghề, làm chủ được quy trình công nghệ và có nhiều kinh nghiệm trong trong các khâu: nhân giống, chăm sóc, khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm”.
Theo đánh giá của những người nuôi ong trên địa bàn huyện Mèo Vạc, ong là loài dễ nuôi, phù hợp với điều kiện địa phương. Vùng nguyên liệu mật ong Bạc hà phân bố rộng khắp ở hầu hết diện tích đất canh tác, đất chưa sử dụng ở các khu vực núi đá trên địa bàn huyện và cả khu vực lân cận của huyện Đồng Văn. Bên cạnh đó, sản phẩm mật ong Bạc hà Mèo Vạc có chất lượng tốt, giá trị kinh tế cao, là sản phẩm đặc trưng của địa phương (được Bộ KH&CN cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý); đầu ra của sản phẩm thuận lợi, sản lượng không đủ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Mặt khác, hiện nay trên địa bàn, HTX Tuấn Dũng và người dân chỉ mới tập trung vào khai thác, tiêu thụ sản phẩm mật ong nguyên chất; chưa khai thác triệt để nhiều sản phẩm khai thác từ việc nuôi ong như: phấn hoa, sữa ong chúa, sáp ong và các sản phẩm chế biến từ nguyên liệu mật ong như dược phẩm, mỹ phẩm... Do đó, để khai thác tiềm năng cho các sản phẩm thu hoạch, chế biến từ nghề nuôi ong, huyện đã xác định phấn đấu đến năm 2020, tổng đàn ong của huyện đạt 20.000 đàn; khai thác và phát huy có hiệu quả tiềm năng nghề nuôi ong, tạo sản phẩm hàng hóa có chất lượng, sản lượng và giá trị kinh tế cao; phát triển thương hiệu mật ong Bạc hà Mèo Vạc để tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần XĐGN và phát triển kinh tế của huyện; nâng cao năng lực sản xuất, tăng sản lượng chế biến của HTX Tuấn Dũng đạt công suất 100.000 lít mật/năm...Đồng chí Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: Để hoàn thành mục tiêu đặt ra, huyện đang thực hiện nhiều giải pháp về nguồn lực, đầu tư phát triển mở rộng quy mô đàn cũng như tăng năng suất, sản lượng mật ong; tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện có hiệu quả các chính sách về khuyến khích phát triển nghề nuôi ong theo Nghị quyết 209 HĐND tỉnh; khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ngân sách Nhà nước, xã hội hóa; lồng ghép các chương trình mục tiêu Quốc gia về XĐGN để tập trung cho phát triển chăn nuôi ong; có cơ chế hỗ trợ HTX Tuấn Dũng đầu tư đổi mới công nghệ, trở thành đầu mối liên kết với các đơn vị có năng lực trong nước mở rộng sản xuất, tạo thêm các sản phẩm mới từ mật ong; thành lập tổ hợp tác chăn nuôi ong ở các xã, thị trấn trên địa bàn để làm vệ tinh cho HTX Tuấn Dũng. Đồng thời, mở các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi ong cho cán bộ khuyến nông và các hộ gia đình chăn nuôi ong. Quy hoạch vùng phát triển nguyên liệu cây hoa Bạc hà ở khu vực các xã có điều kiện tự nhiên phù hợp và tiến hành nhân rộng diện tích cây Bạc hà; thực hiện nghiêm các biện pháp kỹ thuật di chuyển đàn; tận dụng tối đa nguồn mật ở các mùa vụ, khu vực thích hợp nhằm bảo tồn và phát triển đàn ong cho đến thời vụ khai thác mật chính...
Song song với các giải pháp đồng bộ hướng tới mục tiêu mở rộng sản xuất mật ong Bạc hà, các ngành chức năng huyện Mèo Vạc đã tăng cường giám sát, thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm về công tác quản lý chất lượng sản phẩm, gây ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu mật ong Bạc hà. Đó được xem là những yếu tố “then chốt” giúp mật ong Bạc hà Mèo Vạc đứng vững trên thị trường và tạo nền tảng giúp người nuôi ong có thêm động lực vươn lên thoát nghèo.
Bài, ảnh: KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc